Khi thành phố lên đèn, những con phố vắng bóng người qua lại thì nơi đây – chợ Long Biên (Hà Nội), chợ hoa quả lớn nhất miền Bắc lại bắt đầu tấp nập. Các con đường phía ngoài, trước và trong chợ luôn đông kín người và xe.
Cổng chợ Long Biên luôn tấp nập, quá tải trong những đêm cận Tết
Từ lâu, chợ Long Biên là địa điểm giao thương quan trọng và là nơi tập kết, phân phối nhiều nguồn hoa quả, nông sản cho toàn thành phố cũng như các tỉnh thành lân cận.
Đặc biệt, vào những ngày cận Tết Nguyên đán, chợ luôn trong cảnh tắc đường, ùn ứ các xe ô tô chất đầy hàng hóa, kéo dài.
Các gian hàng tập kết đủ các loại hoa quả từ các vùng miền, hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc, Úc, Chile,... đều có đủ. Những kiện hàng chất cao tới mái nhà.
Có mặt tại chợ thời điểm cận Tết, bất kỳ ai cũng phải choáng ngợp bởi lượng hàng khổng lồ được tập kết sau đó được phân phối nhanh gọn về các kho nhỏ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Các gian hàng của các thương lái “đầu tấn” tại chợ cũng tập kết số lượng lớn các thùng hoa quả. Đa số hàng được bán theo từng thùng với số lượng hàng tấn hàng/đơn, người mua kẻ bán ai cũng vội vàng hối hả.
Chợ cũng là nơi mưu sinh của biết bao tiểu thương, người lao động với công việc mua, bán, chở thuê hàng hóa.
Tiểu thương tại chợ Long Biên có những người là gốc Hà Nội, có những người đến từ các tỉnh, TP giáp Hà Nội như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Phú Thọ… và cả một số huyện ngoại thành Hà Nội như: Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Chương Mỹ…
Hàng nhiều, cồng kềnh và số lượng lớn nên hình ảnh những phu hàng - người làm công việc bê vác, vận chuyển các thùng hàng tại chợ cũng là những hình ảnh không thể thiếu tại nơi đây.
Những người làm công việc này có cả nam và nữ, đa số họ đều trẻ, với tuổi trung bình từ 20 – 40 tuổi.
Trời Hà Nội những ngày cận Tết, dù nhiệt độ buổi đêm ngoài trời lạnh từ 10độ C – 15độ C nhưng họ chỉ mặc trên người chiếc áo mỏng. Thậm chí, có những người trên áo và tóc thấm đẫm những giọt mồ hôi.
Bà Hiền (50 tuổi, quê Hưng Yên) cho biết, bà làm công việc này đã hơn 20 năm, từ khi 18 tuổi. Với bà, công việc này tuy vất vả nhưng chỉ làm vài tiếng là có tiền, đều và ổn hơn nhiều công việc khác.
Chị Oanh (42 tuổi, quê Nam Định) cũng cho hay, chị đã gắn bó và làm công việc này cả chục năm nay.
“Công vận chuyển mỗi thùng hàng là 5 nghìn đồng, mỗi xe hàng trung bình được từ 80 – 100 nghìn/chuyến bao gồm bê, xếp lên xe, kéo về kho cách chợ từ 400 - 500m” – chị Oanh cho biết.
Chàng trai 18 tuổi, mỗi đêm đi hơn 40km từ Hưng Yên tới chợ để làm công việc này
Minh (18 tuổi, quê Hưng Yên) - một thanh niên còn khá trẻ cũng chia sẻ: “Em làm công việc này được gần 1 năm. Những ngày thường, em chỉ làm khoảng 4 – 5 đêm, là những phiên chợ cận ngày rằm ngày mồng một; còn tháng giáp Tết nhiều hàng nên ngày nào em cũng làm”.
Do chưa có nhiều kinh nghiệm, nên ai thuê gì em làm việc đó. “Công việc của em bắt đầu từ 8h tối đến 3h sáng ngày hôm sau, trung bình thu nhập khoảng 500 nghìn đồng/đêm. Những phiên chợ cuối năm nhiều hàng nên thu nhập cũng cao lên” – Minh nói thêm.
Những đơn hàng lẻ hoặc có khoảng cách gần hơn, thì được họ gánh kẽo kẹt trên đôi vai nặng nhọc.
Phu hàng phấn khởi nhận tiền công sau mỗi chuyến hàng
Theo các tiểu thương, từ sau ngày 23 tháng chạp, nhu cầu tiêu thụ lớn, các xe hàng đổ về chợ ngày càng nhiều. Nhờ đó, những người làm công việc này có cơ hội tăng thu nhập gấp đôi ba lần so với ngày thường.
Hàng nghìn tấn hàng hóa được tiêu thụ mỗi đêm ngày cận Tết
Theo con số từ Ban Quản lý chợ Long Biên, lượng nông sản vận chuyển đến chợ những ngày cao điểm cận Tết lên tới hàng nghìn tấn, đủ chủng loại. Từ chợ đầu mối này, số hoa quả, rau củ đó lại được đưa đi theo những người buôn lẻ cung cấp đi các khu chợ khác trên địa bàn Hà Nội, các tỉnh lân cận để phục vụ người dân.
Quỳnh Chi