Chuyến di cư tự phát để lại bất ổn nguồn lao động
Tối ngày 30/9, sau khi Tp.Hồ Chí Minh gỡ các chốt nội đô, hàng ngàn người dân đã kéo về miền Tây khiến cửa ngõ thành phố bị tắc nghẽn. Sau 4 tháng chống chọi với dịch bệnh, tuy được hưởng các gói trợ cấp, nhưng những người lao động ngoại tỉnh hiện nay đã kiệt quệ về tinh thần và tiền bạc. Mong muốn hiện nay của họ là tha thiết xin được về quê.
Ở chiều ngược lại, tuy UBND Tp.Hồ Chí Minh đưa ra 3 phương án vận chuyển người lao động từ các tỉnh thành đến làm việc tại thành phố trong tình hình mới. Nhưng có thể thấy hiện nay, tâm lý chung người dân vẫn không muốn quay lại làm việc ở các thành phố lớn.
Nếu không sớm có những biện pháp khắc phục, thì việc thiếu hụt lao động ở các trung tâm kinh tế cũng là bài toán mà các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt.
Trao đổi với Người Đưa Tin bà Đoàn Thị Thu Thủy, Phó Chánh Văn phòng phụ trách nhân sự Tổng công ty may Đồng Nai, cho biết: “Sau thời gian dài đóng cửa, đơn hàng tồn đọng của công ty rất lớn. Tuy nhiên, năng suất hiện nay của nhà máy vẫn còn rất thấp vì lao động chưa thể quay trở lại làm việc và nhiều công nhân đã nghỉ việc.
Công ty đã có những kế hoạch tuyển thêm lao động để đảm bảo sản xuất, nhưng vẫn muốn ưu tiên những công nhân cũ của nhà máy vì họ đã có kinh nghiệm làm việc. Nếu tuyển mới sẽ mất thêm thời gian đào tạo nghề. Để khắc phục vấn đề này, phía công đoàn chúng tôi luôn thường xuyên liên hệ, hỗ trợ cho các lao động để giảm thiểu trường hợp nghỉ việc, gây thiếu lao động khi hoạt động trở lại”.
Tỉnh Bình Dương cũng là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và bị chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch lần này cả về y tế lẫn sự phát triển kinh tế.
Trao đổi với Người Đưa tin, ông Đỗ Minh, Trưởng phòng Tư vấn giới thiệu việc làm, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương thông tin: “Lượng người lao động tìm việc trong thời điểm này cũng không cao, đa số lao động còn e ngại dịch bệnh tại Bình Dương. Tuy nhiên, nếu người lao động mong muốn tìm việc thì có rất nhiều việc làm trống để lựa chọn.
Hiện tại doanh nghiệp tại Bình Dương đang có xu hướng tuyển dụng tăng dần so với thời điểm cuối quý III. Nhiều doanh nghiệp đã triển khai giải pháp đón lao động quay lại làm việc. Bên cạnh nâng cao chế độ phúc lợi, doanh nghiệp còn tổ chức xe đưa đón hoặc sắp xếp chổ ở cho công nhân và còn có chế độ thưởng động viên tinh thần gắn bó của công nhân với doanh nghiệp”.
Các doanh nghiệp sản xuất tại đây cũng đã lên kế hoạch tuyển thêm lao động phổ thông, đây là cơ hội việc làm cho những lao động đang thất nghiệp; bên cạnh có công việc để làm còn có thu nhập ổn định, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống thường nhật..
Được “mở cửa” chưa chắc đã mừng
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng có những trao đổi về khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay: “Hiện nay, tuy các tỉnh đã có những phương án mở cửa, nới lỏng việc di chuyển giữa các địa phương nhưng vẫn còn khá chặt chẽ, quy trình phức tạp. Trước tình hình đó, tuy dần bắt đầu quay trở lại sản xuất, nhưng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Việc thiếu lao động là một vấn đề mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt khi phục hồi sản xuất, khi lượng lớn lượng lao động vẫn còn ở địa phương và thậm chí vẫn có xu hướng về quê thay vì ở lại thành phố làm việc”.
Bên cạnh đó, ngay cả khi người lao động sẵn sàng quay trở lại làm việc, chi phí test Covid-19 cho công nhân cũng là nỗi lo của doanh nghiệp. Vấn đề giá cả cho hoạt động này cũng không thống nhất khiến cho doanh nghiệp rất bối rối.
Sau thời gian dài đóng cửa, các chủ nhà máy rất muốn người lao động tham gia sản xuất, nhưng chi phí để làm được việc đó hiện nay là con số lớn, khó có khả năng chi trả.
“Nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào để có thể sản xuất cũng là điều mà các doanh nghiệp đang phải tính toán. Đa phần họ sẽ nhập thiết bị, nguyên vật liệu ở các khu vực, tỉnh thành khác nhau để đảm bảo cạnh tranh giá cả. Tuy nhiên, hiện nay, việc khó khăn trong di chuyển vẫn kéo dài, nên ngay cả khi được quay lại sản xuất thì các doanh nghiệp cũng chưa thể đạt công suất 100%”, bà Lê Hằng cho biết thêm.
Theo thông tin từ Trung tâm việc làm tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay có rất nhiều chính sách thu hút lao động:
Từ đầu tháng 9, nhiều công ty đã phát thông báo cho công nhân về việc trở lại công ty tiếp tục làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Theo đó, người lao động cung cấp thông tin địa chỉ đang cư trú để công ty tổng hợp, công ty sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đưa phương tiện đến nơi cư trú để xét nghiệm sàng lọc tại chỗ và đón người lao động về công ty bố trí chỗ ở ký túc xá và tiêm ngừa vaccine trước khi vào làm việc. Ngoài các chế độ đãi ngộ như: cung cấp ký túc xá, suất ăn miễn phí, xét nghiệm sàng lọc Covid-19 định kỳ và tiêm ngừa vắc-xin miễn phí.
Hồng Bích