Lão hiệp sĩ xả thân truy quét tội phạm nguy hiểm

Lão hiệp sĩ xả thân truy quét tội phạm nguy hiểm

Thứ 2, 01/04/2013 | 17:20
0
Đang sống cuộc đời ổn định, khá giả, bỗng dưng lão hiệp sĩ cận 12 độ lao thân vào các cuộc truy quét tội phạm nguy hiểm.

Trước năm 2009, phường 15 (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) tệ nạn xã hội xảy ra liên tục. Nhiều vụ cướp trộm, đến hút chích, chém nhau xuất hiện như cơm bữa. Dần dần khu vực này không còn yên bình bởi những đàn anh, đàn chị kéo về đây hoạt động nhiều khiến người dân hết sức hoang mang. Đêm cũng như ngày, các gia đình luôn phải khóa cửa kín mít vì sợ tai bay vạ gió.

Công việc làm ăn của họ cũng chẳng ra gì. Người khu này đặt cho cái xóm hỗn tạp ấy là xóm Mã Đỏ. Mã là mã tấu. Đỏ là máu đỏ, ý nói khu này thường xảy ra những vụ chém giết đổ máu.

Xã hội - Lão hiệp sĩ xả thân truy quét tội phạm nguy hiểm

Người dân tìm ông Danh để trình bày sự việc

"Hiệp sĩ cận" đối mặt hiểm nguy xóm Mã Đỏ

Trước thực tế đó, đầu năm 2009, một lực lượng bảo vệ dân phố phường 15 được thành lập, chỉ mấy năm hoạt động đã quét sạch tệ nạn tại khu vực này. Người lãnh đạo của lực lượng này được dân chúng tin yêu và trao tặng cho một cái danh mỹ miều hiệp sĩ.

Trước những thông tin ấy, chúng tôi tìm đến phường 15 để gặp ông hiệp sĩ đặc biệt này. Người hiệp sĩ cận ấy chính là ông Hà Thanh Danh (59 tuổi, trưởng ban bảo vệ dân phố phường 15, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Không thể nhìn rõ trong đêm vì ông cận đến 12 độ, nhưng không đêm nào ông vắng mặt trong các ngõ hẻm. Nhiều người dân tại phường 15 nhiều năm qua cảm kích biết ơn ông vì những cống hiến không ngừng nghỉ.

Chúng tôi gặp ông Danh cùng một số người lính già đang tuần tra trong hẻm giữa buổi trưa trời đổ nắng. Ông Danh dẫn chúng tôi về nhà để trò chuyện. Lão hiệp sĩ già này sống trong một căn nhà rộng lớn, khang trang nhưng lại chọn một công việc đầy hiểm nguy.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Danh nói: "Trong suốt 20 năm làm công việc giúp dân này, tôi chưa khi nào nghĩ đến chuyện kinh tế. Đơn giản tôi làm chỉ vì chứng kiến cái cảnh nhiều nhà không dám mở cửa, con cháu họ thì nghiện ngập, đánh lộn, nhiều nhà thì đăng bảng bán nhà.

Nhìn những cảnh ấy tôi thấy cần phải làm một công việc thiết thực, đó là làm người bảo vệ trật tự. Bao nhiêu năm nay, phá bao nhiêu vụ phức tạp, anh em chúng tôi vô số lần đối mặt những nguy hiểm nhưng chưa bao giờ sờn lòng”.

Điều đặc biệt ở lão hiệp sĩ cận nặng này chính là ông không nhìn rõ trong đêm nhưng lại bắt tội phạm rất giỏi. Trong nghề không ít lần ông đã phải đổ máu, chuyện thức thâu đêm với ông cũng như cơm bữa. Ông Danh cho biết: "Có lần có một đối tượng bán ma túy ở vùng khác đến bán cho những đối tượng hút chích trong phường. Tôi và một số anh em đã phải mai phục hàng tháng trời, nhiều bữa thâu đêm suốt sáng mới bắt được. Hôm đó chúng tôi mai phục đối tượng, khi hắn vừa ra khỏi tụ điểm là xông vào bắt. Đối tượng này rất lì lợm, nó rú ga rồi phóng vào con hẻm nhỏ.

Khi ấy một anh lính trẻ chở tôi đuổi theo hắn. Đến lúc sắp đuổi kịp thì đối tượng đột nhiên ngã xe xuống nhằm tạo chướng ngại để thoát thân. Do đường hẹp, khoảng cách lại quá gần nên chúng tôi trở tay không kịp. Chúng tôi đâm xe và té ngã. Tôi té bay cả hai mét, lần ấy tưởng không qua khỏi. Tuy nhiên, đối tượng bỏ xe chạy bộ cũng bị người dân vây bắt giao cho lực lượng của phường”.

Đó chỉ là một trong nhiều lần đối mặt với hiểm nguy của ông Danh. Những người làm việc cùng ông Danh đã nhiều lần chứng kiến cảnh ông Danh đối mặt tử thần. Ông Đinh Văn An, tổ viên tổ Bảo vệ dân phố phường 15 cho biết: "Anh Danh là người đặc biệt nhất trong chúng tôi. Bởi lẽ anh không chỉ hạn chế tầm nhìn trong đêm vì mắt bị cận nặng mà còn thường xuyên phải đối mặt tội phạm nguy hiểm. Thời kỳ trước, hẻm 17, kim tiêm của bọn hút chích vứt đầy rẫy, mã tấu thì chất thành đống. Chúng ngang nhiên lắm, chẳng sợ ai.

Có lần, tôi, anh Danh và một số người khác nữa vào hẻm tuần tra đã bắt gặp bọn hút chích. Lúc ấy anh Danh đi trước chúng tôi một đoạn. Phát hiện thấy lực lượng bảo vệ bọn tội phạm bỏ chạy. Vừa chạy chúng vừa quăng kim tiêm về phía anh Danh. Việc này rất nguy hiểm vì đám nghiện hút nhiều kẻ bị bệnh hiểm nghèo. Rất may khi kiểm tra anh Danh không bị thương. Anh chính là tấm gương mẫu mực trong công tác bảo vệ mà chúng tôi phải học hỏi nhiều”.

Xã hội - Lão hiệp sĩ xả thân truy quét tội phạm nguy hiểm (Hình 2).

Ông Danh trong một buổi tuần tra giữa trưa

Trót "mang nợ" với người dân

Nguyên do khiến ông Danh sẵn sàng đổ máu vì người dân phường 15 khá đặc biệt. Chia sẻ với chúng tôi về điều này, ông Danh cho biết: "Trước đây, nhà tôi nghèo lắm. Bố mẹ chỉ có mình tôi nhưng vẫn nghèo vì sống ở cái khu hỗn tạp này chẳng làm ăn gì được.

Bố tôi mở một quán cà phê nho nhỏ tại nhà và cũng nhờ nhiều người dân nơi đây thương tình ghé uống ủng hộ nên mới có tiền sinh sống và nuôi tôi ăn học. Tôi học và sau làm ở viện Quy hoạch và thiết kế tổng hợp. Mẹ tôi mất, tôi về Vĩnh Long thừa hưởng một tài sản lớn của bà. Sau mấy năm ở Vĩnh Long tôi về lại thành phố vì bố tôi bệnh nặng. Ông có nói với tôi, ở đời cần phải có nghĩa, người ta giúp mình thì mình phải tìm cách trả ơn. Thế là tôi quyết định từ bỏ công việc ở Viện mà làm bảo vệ dân phố.

Năm 2005, bố tôi mất. Năm 2006, tôi xây căn nhà lớn này và cuộc sống cũng khá giả. Vợ và các con khuyên tôi không nên tham gia ban bảo vệ dân phố, ngồi ở nhà cũng có tiền. Nhưng tôi làm không vì tiền, dù nguy hiểm tôi cũng quyết làm”.

Nói là “trả nợ” cho dân bằng việc đi tuần hàng ngày hàng đêm để bắt tội phạm nhưng những việc ông Danh làm được còn nhiều hơn thế. Người dân nơi đây nhất là đồng bào người Chăm rất quý mến ông. Anh Mohamad Nasir, một người từng nhận nhiều ân tình của ông Danh cho biết: "Đồng bào Chăm ở đây ngày xưa nghèo lắm. Họ sống bằng nghề buôn bán vải. Cũng may nhờ chú Danh cho mọi người vay vốn lại vận động bên phường cho người dân vay vốn nên mới thoát nghèo.

Hơn nữa, chú Danh thường xuyên thăm hỏi động viên, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với nhiều người nên mọi người xem chú như người thân trong nhà vậy. Nhiều khi đêm hôm khuya khoắt có ai bệnh tật đau ốm đột xuất, hay có sự vụ gì là lại kêu chú Danh. Dù đang đêm chú vẫn thức dậy nhiệt tình thăm hỏi đưa đón đi viện. Gia đình tôi cũng nhiều lần nhờ vả chú".

Càng gần gũi quần chúng nhân dân ông càng thương những mảnh đời cơ cực. Ông Danh kể: "Trước đây có một người già bị bệnh tâm thần. Ông ấy chẳng có gia đình, lại ốm yếu triền miên nên tôi thương lắm. Tôi cứ mỗi lần đến giờ cơm lại bảo vợ bới riêng ra để tôi mang cho ông ấy.

Tôi có thể cho tiền để ông ấy sinh sống nhưng cái chính phải là sự động viên, quan tâm của chòm xóm xung quanh. Về sau cũng có nhiều người, rồi hội chữ thập đỏ, bên phường, bên khu phố quan tâm chăm sóc người này".

Một đồng nghiệp của ông Danh tiết lộ, mỗi năm ông bỏ hàng chục triệu đồng tiền túi ra làm việc thiện giúp đỡ những người dân khu vực phường 15 nghèo khó.

Không chỉ có thế, đối với anh em cùng làm ở ban bảo vệ dân phố phường 15, ông Danh cũng tận tình chia sẻ những khó khăn vất vả. Ông Lê Văn Hồng, tổ viên tổ Bảo vệ dân phố phường 15 cho biết: "Anh Danh là một người đầy tình nghĩa. Công việc của chúng tôi chủ yếu từ tâm chứ đồng lương thì cũng không bao nhiêu. Nhiều người trong chúng tôi còn nghèo lắm nên nhiều khi cũng túng bấn.

Những lúc muốn xoay xở việc gì chúng tôi luôn được anh Danh tận tình giúp đỡ. Chẳng bao giờ anh ấy đòi nợ, thậm chí lúc dành dụm mãi mới trả được anh ấy cũng bảo giữ để mà chi tiêu chừng nào có dư nhiều thì trả cũng được".

Hổ phụ sinh hổ tử

Đánh giá về những công tác và gia đình của ông Danh, ông Nguyễn Vũ Minh Hoàng, Chủ tịch phường 15 (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: "Chú Danh là người đặc biệt trong mọi công tác. Những người con của chú cũng noi theo gương cha. Họ không chỉ đỗ đạt giỏi giang, mỗi năm họ còn quyên góp cho dân nghèo trong địa bàn rất nhiều. Cứ mỗi đợt phường phát động phong trào quyên góp giúp đỡ dân thì những người con của chú Danh luôn đi đầu trong công tác này. Có thể nói đây là một gia đình mẫu mực, cha nào con nấy, hổ phụ sinh hổ tử, một niềm tự hào của phường".

Hoàng Minh

Chuyện "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"... ở nước ngoài

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
Người ta vẫn gọi ông với cái tên trìu mến theo tên vợ: Ông Ba Thọ. Tính ông xuề xòa, nghe đấy rồi cũng để đấy, chẳng bao giờ tính toán thiệt hơn với người. Có lẽ, những đức tính của một người lính cụ Hồ năm nào vẫn còn đậm nét trong ông.

“Dị nhân” xứ Nghệ “vác tù và hàng tổng”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Nếu có một cuộc thi hay xác lập kỷ lục nào về thời gian và những việc làm không công thì tin chắc có lẽ ông "ôm" trọn hết giải thưởng.

Nữ 'hiệp sĩ' giao thông gần 40 năm ăn sương nằm gió

Thứ 3, 19/03/2013 | 22:25
Bà cụ thở dồn khi đứng lên ngồi xuống bơm bánh xe cho khách, công việc vá xe cũng khó khăn hơn với cái tuổi 79. Bà lại vừa trải qua một cơn bạo bệnh, nằm trên giường mấy tháng trời. Nhưng vì nhớ ngã tư đường ồn ào, nhớ cái nghề nuôi sống đàn con thơ gần 37 năm qua, bà lại đội mưa đội nắng, thức khuya vá xe kiếm tiền mưu sinh tự lo cho thân già.

"Hiệp sĩ công nghệ thông tin" Nguyễn Công Hùng như tôi biết

Thứ 2, 07/01/2013 | 09:42
Tôi gọi anh là anh như cái cách người ta vẫn thường gọi anh trai của mình. Tin về anh, "hiệp sĩ công nghệ thông tin" Nguyễn Công Hùng đột ngột ra đi khiến những người yêu mến anh như tôi, những người đã bị anh cảm mến bằng nghị lực của bản thân không khỏi bàng hoàng. Một ngọn lửa tắt nhưng hơi ấm và hình ảnh của nó thì vẫn còn cháy trong lòng những người còn lại.