Lão nông Phú Thọ thu gần 1 tỷ đồng/năm nhờ “lộc trời” có giá cả triệu đồng/kg

Thứ 4, 19/06/2024 13:29

Loại cây này rất quý hiếm, có giá lên tới 1 triệu đồng/kg khô nhưng rất khó trồng hay chiết ghép nên được coi là “lộc trời”, là cây “ATM”, mỗi năm “nhả” ra hàng trăm triệu đồng.

Vào những ngày tháng 5 âm lịch, gia đình ông Nguyễn Văn Thống (SN 1955) trú tại khu 1 xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ) lại tiếp đón hàng chục lượt khách mỗi ngày đến mua tầm gửi cây gạo, đặc biệt là ngày Tết Đoan Ngọ - mùng 5 tháng 5 âm lịch, bởi đây là thời điểm thu hoạch tầm gửi cây gạo.

img

Vườn cây gạo tía nhà ông Thống có chi chít tầm gửi mọc.

Là loại cây thuốc quý, được nhiều người tìm mua nhưng tầm gửi chỉ xuất hiện ở cây gạo tía và không phải cây gạo tía nào cũng có tầm gửi. Ngoài ra, việc trồng hoặc chiết ghép loại cây này rất khó thực hiện nên giá tầm gửi cây gạo ngày càng cao, lên đến cả triệu đồng/kg khô, từ 500-600 nghìn đồng/kg tươi.

Vì vậy, những ai sở hữu cây gạo có tầm gửi mọc được cho là lộc trời cho, chỉ bằng việc thu hái tầm gửi và bán mỗi năm cũng mang về hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng.

img

Những cây gạo lâu năm có thể cho thu hoạch cả tạ tầm gửi mỗi năm.

Theo ông Thống, từ xa xưa, tầm gửi cây gạo vẫn được coi là loài cây thuốc quý, được người dân dùng đun nước uống để điều trị sỏi thận, viêm cầu thận, mát gan, giải độc gan và chống sản hậu cho phụ nữ sau sinh.

Ông Thống cho biết, cây gạo tía xuất hiện ở vườn nhà ông từ hàng trăm năm nay. Không ai bảo ai, nhiều người săn lùng, tìm mua bằng được tầm gửi cây gạo để về chữa bệnh.

img

Ông Thống tự mình lên hái tầm gửi cho khách về mua tận vườn.

“Trước đây, tầm gửi chỉ bán cho người dân trong xã và các xã lân cận nhưng bây giờ thì khách ở khắp nơi đổ về đây tìm mua, tận tay thu hoạch tầm gửi về chữa bệnh”, ông Thống nói.

Thấy tầm gửi được mua với giá cao, năm 2007, ông Thống bắt đầu tập trung ươm cây gạo con, chăm sóc những cây có tầm gửi mọc trong vườn để phát triển kinh tế.

img

Những cây gạo con được ông Thống ươm trong vườn nhà cũng được nhiều người tìm đến mua.

Tầm gửi cây gạo được khách ở khắp nơi tìm về mua tận gốc với giá từ 500-600 nghìn đồng/kg tươi, từ 1-1,2 triệu đồng/kg khô.

Ngoài việc bán tầm gửi tươi, hàng ngày, vợ ông Thống còn ra vườn nhặt lá tầm gửi cây gạo rụng, mang vào phơi rồi bán cho khách với giá 1,2 triệu đồng/kg. Trung bình, mỗi tháng gia đình ông thu được từ 6-7 triệu đồng từ việc bán lá tầm gửi khô.

img

Lá tầm gửi cây gạo rụng được nhặt vào, phơi khô, bán với giá 1,2 triệu đồng/kg.

Không chỉ bán tầm gửi, ông Thống còn tiến hành ươm cây gạo giống để bán cho người có nhu cầu.

“Cây gạo tía khoảng 20 năm mới bắt đầu ra hoa, đậu quả. Mỗi năm, cây gạo chỉ ra hoa, đậu quả một lần nhưng rất khó ươm giống nên mỗi năm tôi chỉ nhân ra được 20-30 cây gạo con”, ông Thống nói.

Giá mỗi cây gạo con sau khi ươm được 3-4 năm tuổi, cao khoảng 1,2m được ông Thống bán với giá 1 triệu đồng/cây. Những cây gạo to hơn, đã có tầm gửi mọc trên cành sẽ được ông bán với giá từ 30-40 triệu đồng/cây.

img

Với khoảng 70 cây gạo có tầm gửi trong vườn, năm nay gia đình ông Thống thu hoạch được khoảng 1,2 tấn tầm gửi.

“Cây gạo và tầm gửi cây gạo không thể chiết ghép. Trong khi đó, phải trồng 7-8 năm mới có tầm gửi. Trồng trên chục năm là có thể thu được từ 50-100kg tầm gửi tươi/năm. Bán với giá 800 nghìn đồng/kg thì chỉ cần vài năm là thu được hàng trăm triệu đồng. Chưa kể cây gạo sống được cả trăm năm, càng lâu càng được nhiều tầm gửi”, ông Thống phân tích.

Đến nay, gia đình ông sở hữu khoảng 70 cây gạo trên 10 năm tuổi có tầm gửi mọc. Cây to nhất thu hoạch được từ 1-1,3 tạ tầm gửi.

Năm nay, gia đình ông Thống thu hoạch được khoảng 1,2 tấn tầm gửi tươi, bán với giá 600 nghìn đồng/kg.

Cùng với việc bán cây gạo con và cây gạo tía đã có tầm gửi mọc, năm nay, gia đình ông Thống thu về gần một tỷ đồng từ tầm gửi cây gạo.

Hồng Cảnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.