Chiến lược kiểu Las Vegas
Trên bảng quảng cáo điện tử khổng lồ đặt bên ngoài đại hý viện Palms Casino Resort, trung tâm thành phố Las Vegas xa hoa, hình ảnh FB Barcelona, gã khổng lồ của bóng đá Tây Ban Nha được trình chiếu đi, trình chiếu lại như một cách đánh bóng thương hiệu.
Các cầu thủ - Aubameyang, Pedri, Ansu Fati và Gavi - xuất hiện trong một khung hình. HLV Xavi Hernandez cũng vậy. Riêng Joan Laporta, ngài Chủ tịch của Barca xuất hiện hẳn trong hai khung hình. Một khung hình nghiêm mặt và hai cánh tay ra dấu “Nào! Bình tĩnh đi nào”. Khung hình còn lại là cái chỉ tay theo kiểu “Tôi chọn bạn” kèm nụ cười nhếch mép đầy ẩn ý.
Không phải những ngôi sao bóng đá hay vị chiến lược gia từng là huyền thoại sân cỏ, Joan Laporta mới là nhân vật chính. Hình ảnh bóng lộn của ngài chủ tịch ngay chính giữa kinh đô giải trí và cờ bạc của thế giới mới có thể ví như biểu trưng cho hiện trạng của gã khổng lồ xứ Catalonia:
Một vị lãnh đạo đầy vẻ tự tin sẽ tái thiết thành công đội bóng đang trong trình trạng hỗn độn tài chính, cho dù cả thế giới đều xem ông đang đánh bạc với cơ đồ của đội bóng!
Laporta đánh bạc hay không hạ hồi phân giải, nhưng Barca đang đi theo những chiến lược rất Las Vegas…
Canh bạc hay rủi ro có tính toán?
Một năm về trước, khhi Laporta trở lại Barca, đây là đội bóng không đủ khả năng tự gánh quỹ lương khổng lồ; một doanh nghiệp thua lỗ 497 triệu euro và đích thân Giám đốc phụ trách tài chính miêu tả: “phá sản về mặt kế toán”. Không chỉ vậy, đội bóng này gánh khoản nợ gần 1,3 tỷ euro.
Trong bối cảnh bi đát ấy, vị tân Chủ tịch của gã khổng lồ xứ Catalonia đã quyết định bán hết tài sản này đến tài sản kia để huy động khoảng 700 triệu euro nhằm cân bằng sổ sách tài chính. Thực ra, khi nợ nần chồng chất và đứng bên bờ vực phá sản thì việc cầm cố, bán tư trang hay thậm chí “dịch hàng rào” là chuyện bình thường. Từ kinh tế hộ gia đình đến tập đoàn đa quốc gia, từ vi mô đến vĩ môn đều vậy.
Tuy nhiên, Laporta không phải cầm cố để thanh toán hết các khoản nợ. Mục tiêu của người đàn ông này xa hơn. Ông và các cộng sự vẫn đang tiếp tục triển khai dự án trị giá lên tới 1,5 tỷ USD, nguồn tài chính do quỹ đầu tư Goldman Sách thu xếp, với mục tiêu cải tạo và hiện đại hóa Camp Nou, sân bóng mang ý nghĩa biểu tượng của Barca và là thánh đường đối với những cule. Vì sự cấp thiết của việc gây quỹ, sân Camp Nou sẽ lần đầu tiên gắn tên nhà tài trợ: Camp Nou Spotify.
Bên cạnh đó, vì sự hồi sinh và phát triển, Barca là đội bóng chi đậm nhất trên thị trường chuyển nhượng tính cho đến hiện tại. Từ chỗ nợ như “chúa Chổm”, gã khổng lồ xứ Catalonia tạo cảm giác hầu như mỗi tuần họ đều có thể nổ bom tấm.
Việc chi tiêu mạnh tay của Barca đã khiến đối thủ chú ý song cũng khiến không ít người trong 150.000 thành viên (socios) cảm thấy quan ngại về sức khỏe tài chính của CLB nếu “canh bạc” của Laporta bất thành. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn mới đây ngay tại trụ sở của tờ The New York Times, vị chủ tịch của đội bóng xứ Catalonia cam đoan lặp đi lặp lại rằng ông biết đích xác những gì mình đang làm. “Tôi không phải là con bạc”, Laporta tuyên bố. “Tôi chấp nhận rủi ro một cách có tính toán”.
Văn hóa chiến thắng hay mệnh lệnh vô địch
Laporta được bầu làm chủ tịch Barca lần thứ hai vào năm ngoái, sau khi người tiền nhiệm cùng hội đồng quản trị bị lật đổ vì lý do dẫn đến sự khủng hoảng từ tài chính đến chuyên môn thể thao tại một trong những đội bóng vĩ đại nhất hành tinh.
Nhiều người kỳ vọng Barca sẽ được tái thiết chậm mà chắc, để tự bươn chải bằng thực lực trong thời kỳ thắt lưng buộc bụng. Nhưng thay vào đó, Laporta quyết định chèo lái đội chủ sân Camp Nou theo cách khác và lý giải rằng ông không còn lựa chọn nào khác.
Nguyên do đến từ văn hóa tại Barca. Đó là thứ văn hóa chiến thắng ay văn hóa phải đứng nhất. Đội bóng này “chỉ có về nhất hoặc đứng nhất”, như Manolo Marquez, một người Catalonia, là HLV kế nhiệm Quique Setien tại Las Palmas chia sẻ. Hoặc như chính Laporta bộc bạch: “Đó như là mệnh lệnh”.
Vì lý do tươi đẹp đó, hơn 600 triệu euro đã được huy động bằng cách bán các mảng kinh doanh của đội bóng. 25% bản quyền truyền hình quốc nội của Barca – trong vòng 1/4 thế kỷ - đã thuộc về một quỹ đầu tư của Mỹ. Spotify, công ty dịch vụ phát nhạc trực tuyến, đã ký hợp đồng 4 năm để gắn tên vào sân bóng huyền thoại của đội bóng xứ Catalonia, cũng như trước ngực áo ấu. Mới đây nhất, Barca bán tiếp 25% cổ phần Barca Studios cho một công ty chuyên về blockchain.
Tuy nhiên, thay vì trả hết nợ, số tiền này chủ yếu dùng để chiêu mộ tân binh đắt giá: 50 triệu euro cho chân sút cự phách Lewandowski, 55 triệu euro cho hậu vệ Jules Kounde, gần 65 triệu euro cho cầu thủ chạy cánh người Brazil Raphinha. Một số khác cập bến Camp Nou theo dạng chuyển nhượng tự do. Và có thể, danh sách tân binh còn nối dài trong thời gian tới.
Bổn cũ soạn lại
Laporta có cái lý của riêng mình để ký hợp đồng với Lewandowski, cầu thủ sắp bước sang tuổi 34, cũng như những tân binh khác. Vị chủ tịch của Barca gọi những thương vụ này sẽ là một phần của “virtuous cycle” – vòng xoắn tăng trưởng, trong đó thành công trên sân có sẽ hỗ trợ thành công tài chính thông qua việc tăng doanh thu.
Chiến lượng này là bổ cũ soạn lại của công thức Laporta đã sử dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên làm chủ tịch Barca, trong khoảng thời gian 7 năm, từ năm 2003 đến 2010, thời điểm Los Blaugrana được tôn vinh là một trong những đội bóng vĩ đại nhất lịch sử. “Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, chúng tôi đặt kỳ vọng cực lớn và đã thành công”, Laporta chia sẻ. “Và sau đó Barca chinh phục người hâm mộ trên toàn thế giới, khoảng 400 triệu tin đồ, kỳ vọng về thành công lại càng lớn”.
Tuy nhiên, bối cảnh nay cũng có nhiều điểm khác xưa, đặc biệt là áp lực thời gian và doanh thu. Đội bóng Laporta tiếp nhiệm vào năm 2003 cũng sa lầy vào cuộc khủng hoảng tài chính, với khoản lỗ gần như gấp đôi doanh thu và các khoản nợ chồng chất. Nhưng những con số nhỏ hơn 10 lần hiện nay, và Barca vẫn chưa bắt đầu quá trình chuyển mình trở thành cỗ máy in tiền đa quốc gia.
20 năm trước, Barca cũng không bắt buộc phải đáp ứng các ràng buộc chi tiêu do La Liga đặt ra, một trong những trở lực lớn nhất ngăn chận kế hoạch hồi sinh gã khổng lồ hấp hối xứ Catalonia của Laporta. Bởi lẽ, La Liga khẳng định không nới lỏng quy tắc dù chỉ 1 euro. Thế nên Barca vẫn chưa đăng ký bất kỳ tân binh nào, kể cả Lewandowski.
Laporta nhấn mạnh rằng những vụ bán tài sản gần đây sẽ giúp Barca đáp ứng các quy tắc tài chính của La Liga và đăng ký thêm nhiều bản hợp đồng mới. “Đó là quyết định mà thực sự tôi không muốn làm”, vị chủ tịch của Barca nói về việc bán tài sản bất chấp việc này giúp đội bóng cân đối bảng kế toán từ thua lỗ trở thành lợi nhuận.
Laporta, vị lãnh đạo tối cao
Kiểu huy động vốn pha trộn giữa sự táo bạo và tinh thần sáng tạo thời chiến là phong cách điển hình của Laporta, người cũng được hưởng lợi từ sự tôn sùng cá nhân mà các vị chủ tịch khác của Barca không có được trong lịch sử hiện đại của CLB. Đó là lý do tại sao ông dám đặt mình vào vị trí trung tâm trên bảng quảng cáo tại Las Vegas, và tại sao ông tiếp tục công khai ủng hộ Super League, giải đấu ly khai vắn số bị phản đối rộng rãi.
Dĩ nhiên sự nổi tiếng cũng là tấm khiên để Laporta che chắn các rủi ro tài chính, điều mà những vị chủ tịch tiền nhiệm không có được, đặc biệt là Josep Maria Bartomeu.
“Điều gì sẽ xảy ra nếu Bartomeu tiến hành các biện pháp giống như Laporta đang làm?”, Marc Duch, thành viên Hội đồng quản trị Barca, một trong những nhân vật chung tay lật đổ hội đồng quản trị tiền nhiệm cho biết. “Tất cả chúng tôi sẽ nổ tung, chỉ thẳng vào mặt ông ta và đòi ông ta từ chức ngay lập tức”.
Theo quan điểm của Duch, Laporta được đi trên con đường rộng rãi hơn, và thậm chí được hậu thuẫn bởi người hâm mộ, vì sự liên hệ của ông với kỷ nguyên vàng của Barca. “Có một câu chuyện thành công đẳng sau Laporta”, Duch nói. “Ông ấy có một lượng người hâm mộ khổng lồ. Ông ấy giống như Giáo hoàng hay Kim Jong Un. Tại Barca, ông ấy là nhà lãnh đạo tối cao”. Nói cách khác, Laporta là vị tổng tư lệnh của chiến dịch hồi sinh kinh tế cho gã khổng lồ xứ Catalonia.
Phong cách lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán và có phần chuyên quyền của Laporta cũng xuất hiện trong những biến chuyển khác của Barca. Để tranh cử chức Chủ tịch, trước tiên Laporta phải huy động khoản bảo lãnh 125 triệu euro, số tiền nhằm chống lại sự quản lý yếu kém của các ứng viên tranh cử.
Nhưng những điều chỉnh về quy định tại CLB cũng đồng nghĩa ông không còn đối mặt bất kỳ rủi ro nào. Đó là quan điểm của Victor Font, vị doanh nhân đã tranh cử với Laporta cho chức Chủ tịch Barca. Vì lẽ đó, Font cho rằng Laporta, với hành động vay tiền và bán tài sản, đang mạo hiểm với tương lai của đội bóng chứ không phải của bản thân. “Nếu mọi thứ diễn ra không như ý muốn, chúng ta đi vào ngõ cụt”, bại tưởng của Laporta cảnh báo.
De Jong đi hay ở?
Các quy định về xung đột lợi ích cũng lặng lẽ được thay đổi vào năm ngoái, tạo hành lang để Laporta đưa một loạt thân tín, từ bạn bè, đối tác kinh doanh cho đến thành viên gia đình vào vai trò điều hành Barca. Đối với vị chủ tịch Barca, những thay đổi như vậy là cần thiết trước những thử thách ông phải đương đầu.
“Tôi cần những người tôi tin tưởng”, Laporta nói. Nhưng vòng kim cô kiềm tỏa ngày càng chặt. Một thành viên Hội đồng quản trị do Laporta bổ nhiệm đã nghỉ việc chỉ sau vài tháng, và thay vì tìm người thay thế ông ta, Laporta đã tự mình đảm nhận nhiệm vụ ấy.
Đồng thời, Laporta cấy lại niềm tin với nhóm cầu thủ trụ cột lâu dài của đội bóng và thuyết phục nhiều cầu thủ chấp nhận giảm lương, một số trường hợp lên tới hàng triệu euro euro, bên cạnh việc Barca đã chi tới 8 chữ số để chiêu binh tài năng mới. Laporta miêu tả những cầu thủ chấp nhận giảm lương là những “anh hủng”, và nhấn mạnh rằng bằng cách giảm quỹ lương và một số cầu thủ thu nhập cao, những tân binh sẽ phù hợp với cấu trúc lương mới được xây dựng tỉ mỉ. Nhưng trong kinh doanh, để đạt được mục tiêu không phải lúc nào cũng dễ đàng.
Một cầu thủ cho đến nay vẫn từ chối giảm lương hoặc ra đi là Frenkie de Jong, tiền vệ người Hà Lan đã gia nhập Barca vào mùa Hè 2019 với mức phí chuyển nhượng lên tới 75 triệu euro. De Jong là trung tâm các tin đồn chuyền nhượng nóng hổi nhất mùa Hè, khi Barca công khai thúc ép cầu thủ này gia nhập đội bóng mới, cho dù vẫn nợ De Jong 17 triệu euro tiền lương.
Nhưng De Jong đã nói rõ rằng anh muốn ở lại Tây Ban Nha, và trong khi Laporta tuyên bố “tình yêu” của ông dành cho tiền vệ người Hà Lan, cũng như nói rằng De Jong không phải để bán, vị chủ tịch của Barca vẫn cài thêm rằng De Jong cần phải “hỗ trợ CLB” bằng cách điều chỉnh mức lương. Tổ chức Công đoàn và Chủ tịch La Liga đều đã đưa ra cảnh báo Barca không nên gây áp lực lên cầu thủ người Hà Lan. Đáp lại, Laporta cho biết đội bóng sẽ trả cho De Jong những gì cầu thủ này bị mắc nợ. “Cậu ấy có hợp đồng, và chúng tôi tuân thủ hợp đồng”, vị chủ tịch Barca nhấn mạnh.
Mông lung như một trò đùa
Thật khá trớ trêu khi một phần nguyên nhân dẫn đến tình cảnh bi đát của Barca hiện tại bắt nguồn từ kỷ nguyên thành công rực rỡ trong nhiệm kỳ đầu của Laporta. Đội bóng ấy đã chơi một thứ bóng đá đặc sắc vô song, chinh phục hàng loạt danh hiệu và quy tụ trong đội hình những ngôi sao hàng đầu thế giới. Chỉ có điều, mức lương của các ngôi sao ngày càng tăng. Không ai thể hiện sự theo thang quá mức ấy hơn Lionel Messi, người nhận 550 triệu euro cho bản hợp đồng cuối cùng có thời hạn 4 năm với đội chủ sân Camp Nou.
Tuy nhiên, khi các khoản nợ ngày càng tay, việc ký mới hợp đồng với Messi khiến Barca không thể đáp ứng quy tắc tài chính của La Liga. Cái giá phải trả là siêu sao người Argentina nói lời chia tay đầy nước mắt với đội bóng xứ Catalonia, để gia nhập PSG theo dạng chuyển nhượng tự do. Laporta, người đã sử dụng ngọn cờ giữ chân Messi để tranh cử chức chủ tịch, kể từ khi đắc cử và chia tay La Pulga đã luôn hóm hỉnh gợi ý việc đưa huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử Barca trở lại Camp Nou.
“Với tư cách chủ tịch CLB, tôi cảm thấy đang mang một món nợ đạo đức với cậu ấy, để đưa đến cho cậu ấy những khoảnh khắc tuyệt vời nhất sự nghiệp, hoặc chí ít là một khách khắc tốt đẹp hơn cho giai đoạn cuối sự nghiệp của cậu ấy”, Laporta chia sẻ, cho dù đưa Messi về lại Barca bằng cách nào thì ngài chủ tịch không nói.
Điều đáng nói, mối quan hệ giữa đôi bên đã đổ vỡ. Messi đã không ít lần bày tỏ nỗi thất vọng về cách Laporta ứng xử và cái cách anh phải rời Barca. Tới mức cha của Messi, ông Jorge, đã yêu cầu vị chủ tịch quyền lực của Barca đừng nói về cậu con trai bạc phận của ông trước công chúng.
Cơ hội trở lại Barca của Messi cũng mơ hồ và mông lung như cái cách Barca có thể kiếm tiền trong nền kinh tế bết bát hậu đại dịch. Đội bóng xứ Catalonia sẽ phải làm gì nếu không thể đăng ký thi đấu cho các tân binh, hoặc điều gì sẽ xảy ra vào năm sau, hoặc năm sau nữa, khi các khoản nợ lên tới 9 con số đáo hạn?
Laporta đang sống ở hiện tại. “Chiến thắng”, vị chủ tịch của Barca tuyên ngôn đầy hãnh tiến trong buổi phỏng vấn với tờ The New York Times, “là động lực cung của loài người”. Nhưng thời gian phỏng vấn đã hết. Laporta lịch sự nói lời tạm biệt rồi vội vàng rời phòng họp báo. Ông có hẹn với Goldman Sachs để thảo luận về một thỏa thuận tài chính mới…
Thật mông lung như một trò đùa!