Với suy nghĩ ấy, nhiều bậc phụ huynh biến trẻ trở thành những con robot và bản thân là người sở hữu. Không ai muốn sống cuộc sống của người khác, ngay cả khi người ấy là cha mẹ.
Trường dạy “trẻ hư” đang là ngôi trường nhận được sự quan tâm đặc biệt ở Trung Quốc. Tại ngôi trường ấy, “trẻ hư” được thiết quân luật và bố mẹ của trẻ cũng phải tham gia những khoá học đả thông tư tưởng.
Gia Minh sinh ra trong một gia đình trung lưu, có bố là giám đốc điều hành một công ty lớn. Nhưng, cậu bé 15 tuổi lại là đứa trẻ có vấn đề. Khi vừa tốt nghiệp trung học cơ sở, Gia Minh tự bỏ học và không nghe theo bất cứ yêu cầu nào của bố mẹ. Trước sự ngang bướng của con trai, họ đưa Gia Minh vào lớp học dành cho “trẻ hư”. Trường dạy “trẻ hư” quản lý rất nghiêm ngặt. Nếu không vâng lời, trẻ phải nhận hình phạt thích đáng. Ở nhà Gia Minh là một đứa trẻ cuồng bạo lực. Sau khi đến trường giáo dục đặc biệt, cậu trở nên ngoan ngoãn.
Gia Minh trở nên biết vâng lời có phải do kỷ luật? Không, hoàn toàn không. Cậu trở nên ngoan vì tâm tư được người khác lắng nghe, mong muốn và kỳ vọng của bản thân được chia sẻ. Gia Minh vẫn là mình chỉ khác ở cách người ta hành xử với cậu mà thôi.
Gia Minh bị bố mẹ ép bước vào cuộc đua thành tích từ khi còn rất nhỏ. Áp lực không được làm xấu mặt gia đình khiến cậu phải quên đi nhu cầu, nguyện vọng của bản thân để sống theo ý muốn của cha mẹ. Và rồi, khi không thể chịu đựng, cậu nổi loạn.
Điều đặc biệt ở ngôi trường dạy “trẻ hư” chính là cha mẹ của học sinh cũng phải tham gia khoá học 6 ngày. Thay đổi những bậc phụ huynh đã thành danh khó chẳng kém những đứa con của họ. Nhưng, bằng nhiều phương pháp nghiệp vụ, tư tưởng của các bậc phụ huynh cũng thông.
Sống trên đời, chẳng có điều gì dễ dàng. Chẳng mấy ai đủ dũng cảm nhận mình sai, chẳng mấy người đủ cầu thị để thấy, bản thân học được nhiều điều từ những người xung quanh. Đặc biệt, với những người có chút thành công, việc họ tự cho mình đúng, áp đặt suy nghĩ bản thân bất chấp thực tế khách quan là điều khá phổ biến.
Họ nhận diện sự việc bằng con mắt phiến diện, nhìn nhận những người xung quanh theo cách mình muốn và nhào nặn các sự kiện theo cách họ nghĩ. Sự áp đặt ấy, họ đặt lên đồng nghiệp, hàng xóm, bạn bè và cả những đứa con. Sống mà thiếu đi sự thấu cảm, thiếu đi sự khách quan và thiếu đi sự chân thành, cuộc sống sẽ chẳng thể có những đoá hoa rực rỡ.
“Giáo dục là nghệ thuật biến con người trở thành đạo đức”. Nhưng, chuẩn mực về giáo dục lại có nhiều hình dạng. Ở mỗi đối tượng khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, ta cần phương pháp giáo dục khác nhau. Vốn dĩ “lạt mềm buộc chặt”.
Nếu ở Trung Quốc, câu chuyện của Gia Minh khiến nhiều phụ huynh nhìn lại bản thân thì tại Việt Nam, nhiều người làm cha làm mẹ cũng đang phải gác tay lên trái để ngẫm về chuyện dạy con.
Mới đây, em học sinh lớp 4, tên Đ.G.B ở huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên bị bạn đánh đến chấn thương đốt sống cổ. Liên quan đến sự việc, ông Quách Văn Thắng, Hiệu trưởng trường THCS Hưng Đạo (trường của 2 học sinh đánh em B. theo học) cho biết, trường đã tổ chức cho phụ huynh của 2 em gặp gia đình em Đ.G.B xin lỗi, cũng như yêu cầu 2 học sinh trên làm tường trình sự việc.
Vài năm trở lại đây, các vụ bạo lực học đường thường xuyên được truyền thông đăng tải. Đ.G.B không phải học sinh đầu tiên gặp chấn thương nặng vì bị bạn đánh. Những đứa trẻ cần được dạy nhưng dạy thế nào cho hiệu quả, uốn nắn ra sao cho phù hợp là câu hỏi cần những bậc làm cha làm mẹ, nhà trường và các chuyên gia giáo dục trả lời. Phải hành động, đừng chỉ nhìn và rồi buông lời xót xa.
Nửa cuối thế kỷ 19, Thái Lan là đất nước hiếm hoi không trở thành thuộc địa của các nước thực dân châu Âu. Điều làm nên sự khác biệt của Thái Lan chính là chính sách ngoại giao cây sậy. Nói một cách dễ hiểu, đó là kiểu ngoại giao mềm dẻo, ứng biến phù hợp giữa nhu cầu nội tại với chuyển động bên ngoài. Nhắc đến chính sách ngoại giao của Thái Lan để thấy, sự mềm dẻo, linh hoạt khi được sử dụng hợp lý sẽ mang đến những điều kỳ diệu. Với những đứa trẻ cũng vậy, đừng cứng nhắc đưa vào khung.
LÊ ANH