Cấu kết tay trong tay ngoài
Ngày 19/9, ông Trần Hoài Nam, Phó Viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng cho biết, đã có cáo trạng về vụ Tham ô tài sản tại một công ty ở Đà Nẵng.
Các bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Xuân Phú, SN 1981, quê tỉnh Bình Định; Tôn Nữ Thanh Thảo, SN 1984, quê Thừa Thiên-Huế; Lê Thị Quỳnh Trang, SN 1988, quê TP.Đà Nẵng và Bùi Văn Tĩnh, SN 1989, quê tỉnh Hải Dương.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 1/4/2015, Võ Ngọc Sinh, SN 1961, tỉnh Bình Định, được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc một công ty sữa.
Để phục vụ sản xuất, từ 22/9/2015, Sinh ký kết hợp đồng mua bán dầu diesel với công ty Cổ phần Dầu khí Quang Minh, tỉnh Hải Dương do Tỉnh làm giám đốc.
Hợp đồng mua bán với nội dung, công ty Quang Minh cung cấp dầu diesel và dầu mỡ phụ các loại cho công ty sữa.
Hình thức thực hiện, công ty sữa ở Đà Nẵng sẽ gửi các đơn đặt hàng ít nhất 3 ngày cho công ty Quang Minh bằng fax hoặc thư điện tử, trong đó thể hiện chi tiết số lượng, lịch biểu và địa điểm giao hàng cụ thể.
Đơn giá là giá thị trường do bộ Tài chính công bố. Hình thức thanh toán là bên mua chuyển khoản vào thứ Tư hàng tuần khi có phát sinh giao dịch và nhận đầy đủ hoá đơn, giấy chứng nhận lô hàng từ bên bán.
Để có dầu diesel cung cấp cho công ty sữa và bán cho các công ty, cá nhân khác, công ty Quang Minh ký kết hợp đồng mua bán xăng dầu từng năm với công ty TNHH Thuơng mại và Dịch vụ tổng hợp Hoà Khánh, quận Thanh Khê.
Sau khi ký kết và thực hiện hợp đồng được khoảng 4 tháng, Sinh trao đổi và thống nhất với Tỉnh về việc công ty Quang Minh xuất hoá đơn GTGT khống bán dầu diesel cho công ty sữa.
Sau khi nhận được tiền hàng đối với các hoá đơn này, công ty Quang Minh sẽ rút ra và chuyển lại vào các tài khoản do Sinh chỉ định.
Sinh chỉ đạo Nguyễn Xuân Phú, Trưởng Ban kế toán và các nhân viên thủ kho vật tư kỹ thuật là Tôn Nữ Thanh Thảo, Lê Thị Quỳnh Trang liên hệ với Tỉnh thông báo số lượng dầu diesel cần nhập khống, lấy hoá đơn GTGT, thực hiện hợp thức các hoá đơn khống để chiếm đoạt tiền của công ty sữa.
Khi có nhu cầu lấy hoá đơn khống, Thảo hoặc Trang gọi điện gặp Tĩnh thông báo số lượng dầu cần nhập khống. Sau đó, bộ phận kế toán của công ty Quang Minh sẽ gởi các bản scan hoá đơn GTGT khống qua email cho Thảo hoặc Trang.
Hai người này chuyển bản scan hoá đơn GTGT này cho bà Nguyễn Thị Thanh Hà, nhân viên kế toán thống kê nhà máy Sữa Đà Nẵng làm phiếu nhập kho chuyển cho Thảo hoặc Trang ký và chuyển cho ông Sinh ký xác nhận.
Sau khi có đủ chữ ký, nhân viên kế toán thống kê làm phiếu đề nghị thanh toán trình Phú duyệt và chuyển cho Sinh ký để thanh toán tiền cho công ty Quang Minh.
Khoảng cuối tháng 3/2016 và tháng 4/2016, qua quá trình làm phiếu nhập kho, bà Hà kiểm kê và phát hiện số lượng dầu xuất kho không có chứng từ nên báo cáo Phú.
Phú giải thích do số lượng dầu xuất qua tài khoản trung gian nhằm giảm lượng dầu theo yêu cầu của chương trình phát triển bền vững của công ty.
Phú yêu cầu bà Hà đưa lượng dầu này vào phiếu xuất kho điều chỉnh cuối tháng với nội dung điều chỉnh hàng tồn kho sau kiểm kê chờ xử lý hoặc điều chỉnh hàng tồn kho do hao hụt bồi thường chờ xử lý và trình Sinh duyệt.
Sau đó, Phú thực hiện bút toán các khoản chi phí này vào chi phí sản xuất báo cáo lên hệ thống kế toán của công ty theo quy định.
Ngày 5/4/2018, ông Sinh chết do bệnh. Ông này có nợ tiền bà Võ Kim C. 1,7 tỷ đồng, lãi suất 1,5% tháng.
Số tiền vay được chuyển vào tài khoản cá nhân Phú. Phú chỉ đạo Thảo tiếp tục thực hiện việc nhập khống dầu và hợp thức hoá đơn nhập khống để lấy tiền trả nợ thay cho Sinh.
Thảo tiếp tục liên hệ Tỉnh lấy hoá đơn GTGT nhập khống dầu để chiếm đoạt tiền.
Để hợp thức hoá việc xuất khống hoá đơn GTGT theo yêu cầu của Sinh, Tỉnh lấy dầu bán cho một số cá nhân lấy hoá đơn để cân đối với lượng dầu xuất khống.
Xin giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội
Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 3/2016 đến tháng 7/2018, công ty Quang Minh xuất khống cho công ty sữa ở Đà Nẵng 55 hoá đơn với số lượng dầu xuất khống 692 nghìn lít.
Tổng số tiền công ty thanh toán cho các hoá đơn này hơn 9,5 tỷ đồng. Trong đó, Tỉnh chuyển vào tài khoản Phú hơn 8,5 tỷ đồng và giữ lại hơn 1 tỷ đồng.
Đến tháng 7/2018, ông Nguyễn Văn Tiến, người được giao quyền Giám đốc Công ty sữa ở Đà Nẵng thay ông Sinh, kiểm tra các phiếu xuất kho điều chỉnh cuối tháng, phát hiện sự việc trên và báo với công ty "mẹ".
Quá trình giải quyết vụ việc, Phú, Thảo, Trang có bản tường trình thừa nhận hành vi phạm tội.
Quá trình điều tra, các bị can thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội, nộp tiền khắc phục hậu quả. Trong đó, Thảo và Trang nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt. Phía công ty chủ quản có văn bản xin phép giảm nhẹ hình phạt cho các bị can.
Đối với ông Sinh có hành vi cùng Phú, Thảo, Trang, Tỉnh chiếm đoạt tài sản công ty sữa, nhưng do đã qua đời nên không đề cập xử lý trách nhiệm hình sự.
Đối với ông Tiến, Giám đốc công ty sữa ở Đà Nẵng nhận nhiệm vụ tại tháng 4/2018, do chưa có thời gian kiểm tra kỹ quy trình nhập xuất dầu nên có ký duyệt thanh toán lượng dầu và ký phiếu xuất kho từ tháng 4 đến tháng 7/2018.
Tuy nhiên, ông không biết đây là lượng dầu do các bị can xuất khống để chiếm đoạt tiền của công ty.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, ông đã báo cáo đến lãnh đạo và cơ quan công an để xử lý. Do đó, cơ quan CSĐT, Công an TP.Đà Nẵng không đề cập xử lý ông Tiến.