Khi tới bệnh viện khám, ban đầu, các bác sĩ cho rằng triệu chứng này là do bệnh tiểu đường, vì khát nước là 1 trong những dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất của căn bệnh này. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm bệnh tiểu đường lại là âm tính.
Đến khi Jonathan Plummer đi kiểm tra mắt định kỳ mới phát hiện khối u trong não. Anh được chuyển đến bệnh viện Derriford (Anh) để chụp cộng hưởng từ, kết quả cho thấy anh có một khối u tế bào mầm.
Mặc dù các loại khối u này thường phát triển trong các tế bào mầm của cơ thể, ví dụ như buồng trứng hoặc tinh hoàn, nhưng đôi khi chúng có thể được tìm thấy ở các bộ phận khác, chẳng hạn như não.
Phần não có kích thước bằng hạt đậu giúp điều chỉnh cảm giác khát, ra tín hiệu cho bạn uống nước khi phát hiện cơ thể đang bị mất nước. Do khối u, hệ thống này trở nên rối loạn và buộc Jonathan Plummer phải uống khoảng 10 lít nước mỗi ngày.
Jonathan Plummer chia sẻ: “Tôi cảm thấy khát liên tục mà không thể làm dịu, ngoài ra còn đi vệ sinh rất nhiều. Đó là khoảng thời gian khủng khiếp khiến tôi có lúc bỏ lỡ nhiều ngày làm việc và cảm thấy vô cùng mệt mỏi.”
Sau chẩn đoán, Jonathan đã phải trải qua 30 đợt xạ trị và dùng liệu pháp steroid trong quá trình điều trị của mình.
May mắn là giờ anh ấy không còn khối u, nhưng việc điều trị khiến Jonathan không thể chơi bóng bầu dục và bóng gậy, những môn thể thao mà trước đây anh ấy rất thích. Ngoài ra, các tác dụng phụ đã khiến anh ấy tăng cân rất nhanh.
Như vậy, có thể thấy các khối u não rất khó để chẩn đoán, chúng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi. Mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm.
Thùy Trang (Theo Express)