Mộc nhĩ là nguyên liệu quen thuộc trong căn bếp của người Việt, chúng thường mọc trên các thân cây gỗ mục. Nhưng bạn đã bao giờ nghe nói đến “nham nhĩ” - loại mộc nhĩ mọc ra từ đá chưa?
Nham nhĩ còn có tên gọi khác là nham cô, thạch mộc nhĩ, tề y, hoa vách đá… Chúng là một loại nấm ưa nhiệt. Do phát triển trong các kẽ trên vách đá, nhìn giống như mộc nhĩ nên chúng được gọi là “nham nhĩ” (tạm dịch: tai đá).
Điểm đặc biệt của nham nhĩ là thời gian sinh trưởng rất chậm. Sau 5 năm, chúng sẽ có kích cỡ ngang một đồng xu, và phải mất tới 30 năm chúng mới có kích cỡ bằng bàn tay người.
Đây là đặc sản của một số vùng ở Trung Quốc như Hồ Bắc, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Phúc Kiến. Do số lượng quý hiếm nên giá của chúng cực kỳ cao, có thể lên đến hơn 2.000 NDT/kg (khoảng 6,5 triệu đồng). Chủ yếu là do số lượng của chúng vô cùng ít ỏi, việc tìm và hái chúng cũng rất khó khăn, thậm chí đi kèm với nhiều rủi ro khi người hái phải treo mình giữa vách núi cao dựng đứng. Với nhiều người mà nói, phải rất may mắn mới có thể “săn” được nham nhĩ.
Tại Trung Quốc, nham nhĩ đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử ẩm thực của nước này. Chúng không chỉ là một loại thực phẩm mà còn là một loại dược liệu giá trị. Trong cuốn “Tóm tắt về dược liệu” - từ điển bách khoa về thảo dược xưa của Trung Quốc đã chỉ ra rằng, nham nhĩ có công dụng cải thiện thị lực, bồi bổ khí huyết. Nếu ăn nham nhĩ thường xuyên có thể trì hoãn quá trình lão hóa.
Ngoài ra, nham nhĩ còn có công dụng nhuận phổi, thanh nhiệt, giải độc, cầm máu, điều trị vết rắn cắn, vết bỏng.
Hương Trần(Theo baijiahao)