Lộ diện tên lửa Red Wolf: "Chiến binh đỏ" từ bầu trời

Thứ 3, 13/05/2025 08:07

Lợi thế chính của Red Wolf nằm ở tầm bắn. Nó có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến 280 km.

Tập đoàn quốc phòng Mỹ L3Harris Technologies, phối hợp cùng Bộ chỉ huy hàng không Hải quân Mỹ, đang phát triển một loại vũ khí hàng không mới. Tên lửa đầy triển vọng này hiện có tên tạm thời là Red Wolf, được thiết kế để trang bị cho các trực thăng chiến đấu, với tầm bắn lên tới 260–280 km. Dù dự án đã bắt đầu từ khá lâu, nhưng thông tin chi tiết chỉ mới được tiết lộ gần đây.

Hiện tại, Red Wolf đang được thử nghiệm cùng trực thăng AH-1Z. Thông tin về tên lửa Red Wolf vẫn còn rất hạn chế. Hiện chỉ có một bức ảnh chất lượng thấp cho thấy hai quả tên lửa này và một vài dữ kiện về đặc tính mong muốn. Dựa vào đó, người ta chỉ có thể phỏng đoán hình dáng và khả năng của loại vũ khí mới này.

Red Wolf dường như là một tên lửa hành trình phóng từ máy bay. Hình ảnh duy nhất cho thấy nó có thân dài, với cửa hút khí đặt bên dưới. Có thể nó có cánh xếp ở giữa thân và hệ thống điều hướng hình chữ X ở đuôi.

Vào năm 2021, Red Wolf được cho là dài 1,8 mét và sải cánh có thể tương đương. Khối lượng chưa được tiết lộ, nhưng có thể ước đoán là vài trăm kg. AH-1Z có thể mang hai quả tên lửa như vậy kèm theo thùng nhiên liệu ngoài.

Lộ diện tên lửa Red Wolf: "Chiến binh đỏ" từ bầu trời- Ảnh 2.

Hai tên lửa Red Wolf trên trực thăng AH-1Z. Quân đội đã công bố hình ảnh rõ nét hơn về phiên bản Red Wolf (hình chèn) vào năm 2024. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ và Quân đội Hoa Kỳ qua Aviationweek)

Trước đó, có thông tin nói Red Wolf sử dụng động cơ phản lực do một công ty Đức sản xuất. Gần đây, một đại diện Thủy quân lục chiến tiết lộ tỷ lệ giữa tầm bay và thời lượng bay của tên lửa. Những dữ kiện này cho thấy, đây là loại tên lửa bay dưới âm. Tầm bắn yêu cầu là ít nhất khoảng 280 km.

Dựa trên yêu cầu về tầm bắn, có thể Red Wolf được trang bị hệ thống điều hướng tự động, sử dụng định vị vệ tinh hoặc quán tính. Ngoài ra, không thể loại trừ khả năng tên lửa có đầu tự dẫn để tự tìm mục tiêu trong giai đoạn cuối hành trình.

Khả năng tác chiến của Red Wolf chưa được công bố. Nhiều khả năng nó mang đầu đạn nổ phân mảnh hoặc loại khác với trọng lượng vài chục kg. Mục tiêu có thể là binh lính, công trình trên mặt đất,... Việc sử dụng Red Wolf để tấn công xe bọc thép riêng lẻ có thể không phù hợp.

Trong cuộc tập trận EDGE-21, Red Wolf từng được dùng làm UAV lặp tín hiệu radio. Điều này mở ra khả năng sử dụng nó như một nền tảng đa năng trên không. Không loại trừ khả năng Thủy quân lục chiến hoặc các khách hàng khác sẽ muốn tận dụng tiềm năng này, từ đó tạo ra các biến thể mới của tên lửa hoặc UAV.

Thủy quân lục chiến Mỹ có thể sẽ sớm có trong tay một loại vũ khí dẫn đường tầm xa mới. Red Wolf sẽ nâng cao đáng kể khả năng tác chiến của trực thăng tấn công, giúp chúng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn. Dự án này cũng có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Lợi thế chính của Red Wolf nằm ở tầm bắn. Nó có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến 280 km, biến nó thành loại vũ khí có tầm xa lớn nhất từng được trang bị cho trực thăng Thủy quân lục chiến. Với Red Wolf, các trực thăng sẽ có khả năng tác chiến tương đương với máy bay cố định cánh, trong khi vẫn duy trì độ chính xác và sức công phá cao.

Hiện tại, Red Wolf đang được tích hợp trên trực thăng AH-1Z, nhưng kích thước và trọng lượng của nó cho phép triển khai trên nhiều nền tảng khác nhau. Tên lửa này có thể được sử dụng trên các máy bay có người lái hoặc không người lái của Thủy quân lục chiến và Hải quân. Trên thực tế, khả năng tích hợp với UAV đã từng được thử nghiệm trước đây.

Mặc dù hiện nay Red Wolf đang là một loại tên lửa dẫn đường để tiêu diệt mục tiêu ở tầm xa, nhưng nó cũng có khả năng mang theo các loại tải trọng khác ngoài đầu đạn. Nếu tính năng này được khai thác, Thủy quân lục chiến sẽ sở hữu một dòng vũ khí thống nhất, có thể vừa tấn công, vừa trinh sát và thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt trên không.

Tóm lại, dự án tên lửa dẫn đường Red Wolf có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển tương lai của lực lượng không quân thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều đó, quá trình thử nghiệm và hoàn thiện hiện tại cần được tiếp tục và sẽ mất thêm một khoảng thời gian.

Thế Hải (Theo Topwar, Aviationweek)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star
Tag: Mỹ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.