Mới đây, Liên Hợp Quốc ước tính rằng thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ khiến khoảng 5,3 triệu người tại Syria mất nhà cửa, trong khi có gần 900.000 người tại cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thiếu hụt thực phẩm trầm trọng. Giới chuyên gia nhận định, thực tế này sẽ gây ra vô vàn bất lợi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 23 triệu người ở hai quốc gia này có khả năng bị nhiễm bệnh, trong đó đặc biệt khoảng 5 triệu người dễ bị tổn thương. WHO cũng lo ngại một cuộc khủng hoảng sức khỏe lớn, phát sinh do thực phẩm và nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh, sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn cả trận động đất.
Trong bối cảnh này, WHO đã gửi 35 tấn hàng cứu trợ tới thành phố Aleppo, phía Bắc của Syia trong khi Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng tới thành phố này, thăm các nạn nhân nhập viện, các khu tạm trú và các địa điểm bị tàn phá sau động đất.
Truyền thông Syria đưa tin Chính phủ nước này đã cho phép chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới các khu vực ảnh hưởng hiện thuộc quyền kiểm soát của phe đối lập. Thổ Nhĩ Kỳ đang xúc tiến mở thêm 2 tuyến đường cứu trợ mới đến các địa phương này của Syria.
Người đứng đầu WHO cũng ủng hộ việc Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Syria trong 180 ngày để hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả thiên tai.
Được biết, hơn 32.000 người đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm và cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Công tác cứu nạn, cứu hộ còn có sự tham gia của gần 8.300 nhân viên cứu hộ quốc tế.
Trong một thông báo trên Twitter, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) Martin Griffiths cho biết, công tác tìm kiếm và cứu hộ sẽ sớm kết thúc để tập trung cho nỗ lực chăm sóc số lượng lớn nạn nhân bị ảnh hưởng của động đất trong những tháng tới.
Minh Hoa (t/h)