Khi nhắc đến những loại thực phẩm giàu protein, cá hồi luôn được nhiều người nghĩ đến đầu tiên.
Ít ai biết, cá chép, một loại cá dân dã, quen thuộc trên mâm cơm người Việt, lại có giá trị dinh dưỡng không hề kém cạnh cá hồi, thậm chí có những ưu điểm nổi bật về khoáng chất trong khi có mức giá bình dân.
Báo Dân Trí dẫn thông tin từ cơ sở dữ liệu dinh dưỡng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong 100g cá chép có chứa 22,9g protein. Mức này ngang ngửa, thậm chí có thể cao hơn một số loại cá biển đắt đỏ như cá hồi, cá ngừ.
Đáng chú ý, nghiên cứu đăng trên Journal of Food Composition and Analysis đã khẳng định, protein trong cá chép chứa tỉ lệ axit amin thiết yếu cân đối, dễ hấp thu, giúp hỗ trợ phát triển cơ bắp và duy trì sức khỏe, đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, người lớn tuổi hoặc bệnh nhân cần phục hồi thể lực.

Không chỉ giàu protein, cá chép còn chứa nhiều khoáng chất và vitamin quý giá, đặc biệt phốt-pho và vitamin B12 hữu ích với cơ thể. Vì thế, không chỉ là biểu trưng cho may mắn và thịnh vượng, cá chép còn được coi là một trong loài cá tốt nhất cho sức khỏe.
Cá chép có chứa nhiều chất dinh dưỡng vi chất có lợi cho sức khỏe như canxi, sắt, magie, phốt-pho, kali, đồng, kẽm, mangan, selen, folate, các vitamin A, B, C, D, D3, DHA,... Đây là những hợp chất quan trọng giúp tăng cường miễn dịch, phòng ngừa các bệnh mạn tính.
Theo Sức khoẻ & Đời sống, một số lợi ích sức khỏe tuyệt vời của cá chép bao gồm:
Góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch
Cá chép với hàm lượng omega-3 cao có thể bảo vệ hệ tim mạch theo nhiều cách. Ăn cá chép có thể góp phần giảm tích tụ mảng bám trong thành mạch và giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Do đó, cá chép là một trong những thực phẩm người cao tuổi nên ăn để giảm nguy cơ đau tim hay đột quỵ.
Tăng khả năng miễn dịch của cơ thể
Kẽm là khoáng chất quan trọng mà nhiều người chưa thực sự quan tâm đúng mức trong chế độ dinh dưỡng, dẫn tới cơ thể bị thiếu hụt kẽm. Mặc dù các triệu chứng thiếu kẽm không rõ rệt như thiếu sắt hay thiếu canxi, nhưng thiếu kẽm làm giảm khả năng miễn dịch của bạn.
Kẽm đóng vai trò quan trọng giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn. Cá chép là nguồn thực phẩm dồi dào kẽm, vì vậy hãy ăn cá chép để có hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn.
Bảo vệ chức năng tiêu hóa
Viêm ruột và viêm đường tiêu hóa là tình trạng thường gặp, có thể dẫn đến viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Nếu bạn muốn cải thiện tiêu hóa và giảm các triệu chứng đầy hơi, táo bón, trĩ và đau dạ dày nói chung, bạn nên bổ sung cá chép vào bữa ăn của mình.
Cá chép là nguồn thực phẩm giàu omega-3. Và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra vai trò của acid béo omega-3 trong việc giảm nguy cơ mắc hội chứng viêm ruột.
Phòng chống các bệnh mạn tính

Các gốc tự do có thể gây tổn thương tế bào khỏe mạnh, làm tăng nguy cơ bệnh tật, trong đó có các bệnh mạn tính. Nhiều loại vitamin và khoáng chất trong cá chép mang đặc tính chống oxy hóa. Chẳng hạn, vitamin A trong cá chép là chất chống oxy hóa mạnh ở dạng beta-carotene thay thế, góp phần loại bỏ các gốc tự do tác động tiêu cực tới cơ thể bạn.
Do đó, cá chép và các loại cá nói chung là thực phẩm khuyên dùng để phòng chống các bệnh mạn tính về lâu dài. Trong chế độ ăn Địa Trung Hải, cá là món không thể thiếu góp phần bảo vệ tim mạch, phòng chống các bệnh mạn tính và kéo dài tuổi thọ.
Tăng cường sức khỏe hệ hô hấp
Nghiên cứu cho thấy những dưỡng chất và khoáng chất trong cá chép rất tốt cho hệ hô hấp. Nếu bạn bị viêm phế quản, suy hô hấp mạn tính hoặc những bệnh liên quan tới phổi và đường hô hấp, hãy bổ sung cá chép trong bữa ăn của bạn. Ngoài đặc tính chống viêm, giảm nhẹ viêm đường hô hấp, những chất dinh dưỡng trong cá chép giúp bạn mau hồi phục hơn.
Cải thiện sức khỏe xương và răng
Cá chép rất giàu phốt-pho, vi chất quan trọng đối với xương và răng. Phốt-pho có thể giúp ngăn ngừa tình trạng loãng xương. Thiếu phốt-pho có thể là nguyên nhân dẫn tới hỏng men răng. Vì vậy, hãy ăn cá chép để giúp răng và xương chắc khỏe hơn.
Góp phần cân bằng nội tiết tố trong cơ thể

Đặc tính chống viêm và các chất chống oxy hóa trong cá chép giúp cho các hoạt động nội tiết trong cơ thể diễn ra bình thường. Ngoài ra, hàm lượng vitamin B cao trong cá chép có thể góp phần tối ưu hóa quá trình trao đổi chất và cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Bên cạnh đó, hàm lượng I-ốt trong cá chép hữu ích đối với tuyến giáp cũng như hệ nội tiết của cơ thể.
Giúp cải thiện thị lực
Cá chép giàu beta-carotene, tiền chất của vitamin A góp phần cải thiện sức khỏe thị lực và võng mạc. Do đó, ăn cá chép giúp cải thiện sức khỏe mắt, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng.
Có thể ngăn ngừa bệnh sa sút trí tuệ
Trong cá chép có chứa omega-3, chất chống oxy hóa, kẽm và selen - những hợp chất đóng vai trò quan trọng đối với khả năng nhận thức của não bộ.
Về cơ bản, những chất này có thể tái tạo những neuron thần kinh mới, ngăn ngừa stress oxy hóa trong các mao mạch và mạch máu của não. Do đó, ăn cá chép góp phần tăng khả năng tập trung, tư duy logic, tăng cường trí nhớ, đồng thời ngăn chặn sự khởi phát sớm của bệnh sa sút trí tuệ.
Không chỉ bổ dưỡng, thịt cá chép còn được nhiều người ưa thích bởi vị ngọt tự nhiên, thớ thịt chắc, là nguyên liệu chính trong nhiều món ăn truyền thống được người Việt yêu thích.
Cá chép là loài cá nước ngọt dễ nuôi, thích nghi tốt với các điều kiện khí hậu khác nhau, được nuôi phổ biến từ vùng núi đến đồng bằng. Nhờ vậy, cá chép được bán rộng rãi tại các chợ truyền thống, siêu thị lớn nhỏ khắp cả nước với giá thành phải chăng. So với cá hồi, cá chép có lợi thế rõ rệt về giá thành và mức độ phổ biến.
Cá chép là nguồn protein chất lượng cao, đồng thời giàu khoáng chất và vitamin cần thiết cho mọi lứa tuổi. Việc sử dụng cá chép thay thế một phần thịt đỏ trong khẩu phần hàng tuần sẽ giúp cân bằng dinh dưỡng, giảm gánh nặng cho hệ tim mạch và góp phần nâng cao sức khỏe.
Minh Hoa (t/h)