Gạo nếp cẩm từng được gọi là “gạo tiến vua”, “gạo cấm”, được dành riêng cho các hoàng đế Trung Hoa cổ đại. Vào thời điểm đó, loại gạo này chỉ được tìm thấy ở một số nơi tại Trung Quốc.
Hiện nay, gạo nếp cẩm phổ biến trên toàn thế giới, được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá rất cao nhờ làm lượng chất chống oxy hóa cao.
Hàm lượng chất xơ của gạo nếp cẩm (100g chứa 4,9g chất xơ) cao gấp đôi so với gạo lứt (100g chứa 2,8g chất xơ) và cao hơn đáng kể cho với gạo trắng (100g chứa 0,6g chất xơ).
Gạo nếp cẩm còn có hàm lượng protein cao vượt trội và là nguồn cung cấp chất sắt tốt hơn so với cả gạo lứt và gạo trắng. Đây chính xác là loại gạo giúp tăng cường sức khỏe cho con người.
Đại học Cornell (Mỹ) đã phân tích hàm lượng phenolic và hoạt tính chống oxy hóa của gạo nếp cẩm và phát hiện ra rằng, chất chống oxy hóa của nó cao hơn khoảng 6 lần so với gạo lứt và gạo trắng.
Những chất chống oxy hóa tăng cường sức khỏe này được gọi là anthocyanin, có mức tương tự như trong quả việt quất và mâm xôi. Anthocyanin là chất chống viêm mạnh, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh mãn tính như tiểu đường tuýp 2, bệnh tim, ung thư, suy giảm trí nhớ do tuổi già.
Mặc dù hàm lượng dinh dưỡng của loại gạo này cao vượt trội so với các loại khác nhưng nó vẫn chưa được nhiều người biết tới. Nếu biết tận dụng những lợi ích của gạo nếp cẩm, bạn sẽ phòng ngừa được nhiều bệnh khi ăn thường xuyên.
Cách ăn gạo nếp cẩm cũng rất đơn giản, bạn có thể nấu theo cách thông thường hoặc trộn với gạo trắng để tạo thành một món cơm có hương vị tuyệt vời và bổ dưỡng.
Bạn có thể dùng nồi cơm điện hoặc nấu trên bếp ga, bếp điện. Nếu ngâm gạo trong nước trước thì thời gian nấu sẽ ngắn hơn. Gạo nếp cẩm cần lượng nước nhiều hơn một chút so với gạo trắng, hương vị và kết cấu của loại gạo này rất đặc biệt, dẻo thơm.
Ngoài nấu thành cơm thì gạo nếp cẩm còn chế biến thành nhiều món ngon như cháo, chè, sữa chua nếp cẩm. Dù nấu thành món ngọt hay món mặn thì hương vị của loại gạo này đều rất ngon.
Bạn có thể dễ dàng mua gạo nếp cẩm ngoài chợ, giá dao động từ 35.000 – 80.000 đồng/kg tuỳ theo chất lượng gạo và từng thời điểm.
Phan Hằng (Tổng hợp)