Có hình thù kỳ lạ như những chiếc mũ sắt di động với 6 đôi chân (một cặp chân kìm, 5 cặp chân con), sam biển thường xuất hiện nhiều ở các dải cát tại khu vực có thủy triều cao, từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch hàng năm. Sam chỉ xuất hiện theo mùa, việc đánh bắt cũng khá khó khăn. Hơn nữa, chúng chỉ sống được tối đa 3 ngày sau khi rời biển nên giá sam tươi sống rất đắt đỏ.
Sam biển tươi sống được chị Phương bán với giá chỉ từ 130 nghìn đồng/con. (Ảnh: Phương Tôm hùm).
Chị Phương, chủ cửa hàng hải sản tại Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cách đây vài năm, giá một cặp sam biển lên tới 1,2-1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay, giá sam biển rẻ chỉ bằng 1/3 so với trước do thị trường tiêu thụ kém.
Theo chị Phương, sam biển thường sống thành từng cặp, con đực bám trên lưng con cái nên dân gian có câu “dính nhau như sam”. Người bán sam biển cũng thường bán theo cặp, ít khi tách lẻ ra bán từng con.
“Trước đây, sam khai thác đến đâu thường được đem đến các nhà hàng để phục vụ khách du lịch tại chỗ với giá cả triệu đồng. Khách Hà Nội muốn ăn phải đặt trước mới có. Năm nay thì hàng về nhiều, giá rẻ nên khách ăn nhiều lắm, mỗi ngày tôi đi từ 2-3 tạ”, chị Phương nói.
Hàng về nhiều không còn khan hiếm, chị Phương bán lẻ từng con với giá 130 nghìn đồng/con sam biển sống, loại 0,5kg/con và 199 nghìn đồng/con loại 1,2-1,5kg/con. Nếu khách cần chế biến, chị Phương thu thêm 20 nghìn đồng/con.
Sam trứng nướng mỡ hành đang được bán với giá chỉ từ 85 nghìn đồng/con. (Ảnh: Quỳnh Lai).
Không bán sam biển sống, chị Thủy trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) tiến hành chế biến sẵn rồi bán cho khách với giá chỉ 85 nghìn đồng/con.
Chị Thủy cho biết, sam biển rất thơm ngon và bổ dưỡng, có thể nướng, hấp, làm gỏi, nấu súp, cháo, xào lá lốt… nhưng quy trình chế biến lại rất kỳ công, không phải ai cũng biết làm. Nếu không cẩn thận sẽ gây ngộ độc cho người ăn.
“Con sam thường xuất hiện vào đầu mùa đông, ở quê tôi nhiều lắm. Những con to thường bán cho các nhà hàng, quán ăn hoặc cung cấp cho các cửa hàng hải sản lớn, con nhỏ thì tôi mang ra Hà Nội chế biến để giới thiệu đặc sản Quảng Ninh cho mọi người nếm thử”, chị Thủy cho hay.
Sam biển đầy trứng được nướng với mỡ hành, thêm chút đậu phộng, ăn một lần nhớ mãi. (Ảnh: Quỳnh Lai).
Theo chị Thủy, thời điểm này sam có rất nhiều trứng nên chị chỉ bán duy nhất món sam nướng mỡ hành với giá 85 nghìn đồng/con, nặng khoảng 0,2kg. Mỗi ngày chị bán được khoảng 30-40 con sam nướng.
Lưu ý khi chế biến sam biển, chị Thuỷ cho rằng, sam biển thường ăn sứa nên phần gan và ruột của chúng rất độc. Khi sơ chế, chỉ lấy riêng phần bụng và trứng, bỏ phần vây, gan, ruột. Đặc biệt, không được làm vỡ ruột và gan
“Nướng thì đơn giản hơn, đặt ngửa con sam nướng trên than hoa, sau đó trở đều đến khi chín thì rạch bụng, loại bỏ ruột và gan, rắc thêm đậu phộng rang. Trứng sam khi chín có màu vàng, ăn rất béo và thơm, nhiều đạm và bổ dưỡng”, chị Thuỷ nói.
Từng được ăn sam biển nhiều lần, nhưng anh Tùng Lâm, trú tại Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn “hú hồn” trong một lần dẫn bạn đi ăn sam biển và bị ngộ độc, dị ứng toàn thân.
“Sam trứng mang nướng ăn rất bùi, béo và thơm. Phần thịt sống lưng và sát đuôi rất dai và ngọt, không giống loại hải sản nào. Ngon nên tôi giới thiệu cho bạn ăn thử, không ngờ bạn tôi ngộ độc, buồn nôn, dị ứng mẩn đỏ khắp người phải đưa đi cấp cứu vì nghi ăn nhầm so biển”, anh Lâm kể lại.
Phân biệt con sam biển với con so biển. (Ảnh: Internet).
Theo anh Lâm, con so biển và con sam biển nhìn rất giống nhau, nhiều ngư dân chuyên đi biển hay các quán bán hải sản cũng khó phân biệt được. Trong khi đó, so biển có chứa chất độc giết người, đây cũng là lí do nhiều người ngại khi ăn hoặc mua sam biển về ăn.
Con sam có vỏ cứng như mai cua, thân hình tròn vẹt, đường kính khoảng 20cm, dưới bụng có 6 cặp chân càng nhỏ, bò như cua, thường đi theo cặp, sống ở dải nước biển có thuỷ triều cao. Đuôi sam có bề mặt cắt ngang hình tam giác, ở cuối đuôi, đỉnh tam giác có gai nhọn như lưỡi cưa.
Con so biển có hình dáng giống hệt con sam nhưng nhỏ hơn con sam, chỉ đi một mình, sống ở lạch nước ngọt, đuôi không có gờ mặt lưng, bề mặt cắt ngang của đuôi có dạng tròn hoặc bầu dục, không có gai nhọn.
Chất độc giết người trong loài so biển là tetrodotoxin, gây tác động lên thần kinh trung ương, tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Đặc biệt, chất độc này chịu được nhiệt độ cao, dù có đun sôi, phơi hay sấy khô, độc tố vẫn tồn tại. Do đó, thức ăn được đun nấu chín cũng rất nguy hiểm.
Tetrodotoxin được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa trong khoảng 10-15 phút sau ăn, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút và các triệu chứng ngộ độc sẽ xuất hiện sau vài giờ. Liều tử vong đối với người là 1-2 mg, trong đó nguyên nhân gây chết là hạ huyết áp và liệt cơ hô hấp.
Vì vậy, người tiêu dùng hết sức lưu ý khi ăn sam biển để tránh nhầm lẫn với so biển. Sau khi ăn, có bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám kịp thời.
Hồng Cảnh