Loài động vật bước ra từ thần thoại, xuất hiện từ Kỷ băng hà
“Sơn Hải Kinh” là cuốn sách cổ của Trung Quốc, tổng hợp nhiều câu chuyện về địa lý, thần thoại và các sinh vật huyền bí. Một trong số đó là loài “dương họa” - sinh vật được mô tả là có hình dạng giống như cừu nhưng không có miệng, có thể sống mà không cần ăn uống.
Những mô tả về “dương họa” rất giống với đặc điểm của một loài động vật quý hiếm có thật ngoài đời - linh dương Saiga. Loài này sở hữu chiếc mũi khổng lồ nhìn như mũi voi, khi nhìn cảm tưởng chiếc mũi đã che lấp phần miệng. Vì vậy, người ta thường ví chúng như loài “cừu không miệng” trong truyền thuyết.
Tồn tại từ kỷ băng hà, linh dương Saiga từng cùng với tê giác lông mượt và voi ma mút sinh sống trải dài từ quần đảo Anh đến Alaska. Khoảng 45.000 đến 10.000 năm trước, lãnh địa của loài này thậm chí vươn đến tận Bắc bán cầu.
Từ loài phổ biến đến cái tên lâu năm trong Sách Đỏ thế giới
Tuy nhiên, hiện linh dương Saiga chỉ còn thu lại trong các sa mạc và vùng đồng cỏ ở Kazakhstan, một phần lãnh thổ Uzbekistan, Nga và Mông Cổ. Năm 2015, khoảng 200.000 con linh dương Saiga - chiếm hơn một nửa tổng số lượng trên toàn thể giới vào thời điểm đó - đã bị xóa sổ do dịch bệnh gây ra bởi một loại vi khuẩn trong mũi, lây lan nhanh trong điều kiện ấm và ẩm ướt bất thường.
Thậm chí đến năm 2021, số lượng linh dương Saiga trưởng thành chỉ còn khoảng 124.000 con, giảm mạnh so với con số hơn 1 triệu con trong những năm 90 của thế kỷ trước. Do đó, chúng được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) phân loại vào nhóm cực kỳ nguy cấp, bên bờ vực tuyệt chủng.
Ngoài dịch bệnh, loài động vật quý hiếm này còn thường xuyên bị đe dọa bởi nhu cầu của thị trường “đen”. Cụ thể, sừng của linh dương Saiga được coi là “dược liệu quý” trong y học cổ truyền Trung Quốc, chuyên dùng để chữa sốt, viêm họng, thanh nhiệt, giải độc và điều trị một số vấn đề về gan.
Trong thời kỳ “sốt giá” nhất, sừng của chúng có thể bán với giá lên tới 4.000 USD/kg (94,2 triệu đồng/kg).
Hương Nguyễn (Theo baijiahao)