Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội hay các hội nhóm bán hàng online bỗng xuất hiện loại quả với cái tên khá lạ là quả mắc kham hay còn gọi là me rừng.
Chỉ cần gõ từ khoá “quả mắc kham” hay “me rừng” trên các chợ online sẽ hiện ra hàng trăm bài viết bán loại quả này mỗi ngày với giá từ 55-80 nghìn đồng/kg.
Mắc kham hay còn gọi là me rừng được rao bán "rầm rộ" trên các chợ online. (Ảnh chụp màn hình).
Là loại quả lạ, nhiều người chưa có cơ hội thưởng thức lại kèm hình ảnh đẹp, kích thích vị giác nên dưới mỗi bài bán quả mắc kham đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người bình luận, đặt hàng.
“Mắc kham hay còn gọi là me rừng ngọt, em đã ăn thử. Mọi người mua về chấm muối, ngâm rượu, dầm đều ngon, ăn giòn tan, 10 người thì cả 10 người khen. Giá 70 nghìn đồng/kg. Ai chưa ăn thì nên thử, để càng lâu càng ngon”, người bán hàng tên Phương rao.
Theo chị Phương, mắc kham năm nay chị nhập trên Lạng Sơn về Hà Nội, quả to, màu vàng nhạt, ăn ngọt hơn mọi năm nên nhiều người hỏi mua. Giá lẻ là 70 nghìn đồng/kg, sỉ thùng 10kg giá chỉ 500 nghìn/thùng. Mỗi ngày chị nhập về cả tạ cũng bán hết.
Mua 1kg me rừng với giá 59 nghìn đồng/kg, chị Vân, trú tại Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đây là năm đầu tiên chị thấy loại quả rừng này rao bán rầm rộ trên các chợ online, nhìn lạ và chưa được ăn bao giờ nên chị mua về ăn thử.
“Me rừng có giá là 59 nghìn đồng/kg nhưng tiền ship là 30 nghìn đồng. Tò mò nên tôi đặt thử về ăn. Cho vào miệng ban đầu có vị chát, chua, hơi đắng, sau đó là ngọt lờ lợ. Một lúc sau liếm môi vẫn thấy hơi ngọt ngọt”, chị Vân nói.
Mắc kham của chị Vân mua có vỏ xanh, quả nhỏ, mới ăn có vị chua và chát, hậu vị ngọt.
Chị Huệ, trú tại Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, thấy chợ chung cư mình đăng bán quả mắc kham với giá 65 nghìn đồng/kg. Vì từng được ăn rồi nên chị đặt 1kg về ăn thử nhưng phải bỏ luôn cả túi không dám ăn.
“Cách đây mấy năm, nhà tôi có anh em trên Lào Cai gửi mắc kham xuống cho. Cả nhà ăn đều thích vì ăn vừa giòn vừa chua chua, chát chát nhưng lại ngọt ngọt ở hậu vị nhưng mắc kham tôi đặt mua hôm qua thì liếm vỏ đã thấy ngọt lợ như mì chính, cắn vào trong thì vẫn có vị chua và chát sau đó ngọt ngọt nhưng tôi vẫn sợ, phải vứt đi luôn”, chị Huệ nói.
Loại mắc kham này ngọt từ ngoài vỏ, sau đó là chua và chát, hậu vị ngọt, quả to hơn được nhiều người tìm mua.
Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi tỉnh Hà Giang, chị Sùng Thị So cho biết, mắc kham là loại cây rừng mọc hoang khắp các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên. Trước đây, ít người hỏi mua, bà con muốn ăn chỉ cần vài phút đi rẫy có thể hái được cả rổ.
“Mắc kham thường ra hoa vào tháng 3-4, hoa màu vàng, mọc ở nách lá, quả thường chín vào tháng 9 tháng 10 âm lịch. Bà con đi rừng, đi nương rẫy hái quả mắc kham để ăn chơi, trộn với muối ớt hoặc nấu canh, kho cá, ngâm rượu chứ ít ai bán”, chị So nói.
Năm nay, mắc kham bỗng “lên cơn sốt”, có rất nhiều người đặt mua nên chị So nhờ bà con đi hái và mua với giá 10-20 nghìn đồng/kg, sau đó gửi hàng đi các tỉnh theo đơn đặt hàng.
Mắc kham rừng tự nhiên của Việt Nam.
Theo chị So, quả mắc kham rừng còn được gọi là quả “khổ trước sướng sau” vì khi ăn ban đầu sẽ thấy vừa chua vừa chát lại hơi đắng nhưng sau sẽ thấy ngọt dần ở đầu lưỡi và cuống họng. Tuy nhiên, trên thị trường năm nay xuất hiện rất nhiều người bán mắc kham Trung Quốc.
“Quả này ở Trung Quốc cũng nhiều lắm. Mắc Kham của mình quả nhỏ, vỏ xanh, cắn thì thấy chua chát sau đó mới ngọt. Mắc kham Trung Quốc quả to hơn, liếm vỏ ngoài sẽ thấy vị ngọt lờ lợ như mì chính, cắn vào trong sẽ thấy chua và chát, sau đó cũng ngọt”, chị So nói.
Tương tự, chị Chu Thị Thắng, trú tại Buôn Đôn (Đắk Lắk) cho biết, mắc kham trên các vùng rừng núi Tây Nguyên nhiều vô kể, giá chỉ từ 20-30 nghìn đồng/kg. Khi ăn sẽ có vị chua và chát, sau đó mới ngọt ở hậu vị. Loại mắc kham ngọt ngay từ vỏ chắc chắn là hàng Trung Quốc.
Theo chị Thắng, với một sản phẩm đang “hot” trên thị trường và được nhiều người quan tâm thì người bán nên nói rõ và nói đúng về xuất xứ sản phẩm mình đang bán để tạo lòng tin với khách hàng. Ngoài ra, người mua cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi xuống tiền để tránh mua phải hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt.
Hồng Cảnh