Nếu như hồng trứng, hồng giòn Mộc Châu là loại quả mùa thu rất quen thuộc với nhiều người, giá cũng khá rẻ, chỉ từ 25-50 nghìn đồng/kg thì hồng da tre lại là loại hồng “mới nổi” được dân sành ăn săn lùng với giá lên tới 130-170 nghìn đồng/kg.
Hồng da tre với lớp ruột trong như thạch, ăn mềm, mát, ngọt được nhiều người lùng mua.
Chị Nguyễn Thị Phượng, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, để mua được hồng da tre, chị phải đặt trước mối quen cả tháng, từ khi chưa biết giá cụ thể năm nay ra sao.
“Loại hồng này nghe nói là đặc sản của Thái Nguyên, chỉ có từ tháng 8 đến tháng 9 nên vào đợt rằm tháng 7 âm lịch, khi chợ gần nhà bán hồng trứng chín với giá 50 nghìn đồng/kg là tôi đã phải hỏi mối quen để đặt hàng trước vì sợ hết. Cuối tuần vừa rồi họ mới giao hàng với giá 135 nghìn đồng/kg”, chị Phượng chia sẻ.
Loại hồng này phải mua khi còn xanh và có cách ăn rất cầu kỳ.
Theo chị Phượng, hồng da tre có giá đắt gấp 4-5 lần loại hồng khác nhưng hương vị rất đặc biệt mà không loại hồng nào có được. Quả có lớp vỏ ngoài màu xanh nhẵn như thân cây tre, cứng ngắc, khi chín có màu hơi ửng vàng và lớp ruột trong như thạch.
“Mua hồng về phải úp ngược quả hồng xuống, đến khi lớp vỏ da tre trong veo, ruột trong như thạch, mềm mịn, ăn ngọt lịm mà không xơ như hồng trứng, giòn sần sật như thạch. Ngon lắm”, chị Phượng nói.
Hồng chín sẽ được bổ đôi, cho vào ngăn mát tủ lạnh và lấy thìa xúc ăn như thạch.
Bán hồng da tre được khoảng 4 năm tại Hà Nội, chị Vũ Thảo, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, mọi năm giá hồng da tre vào khoảng 100-110 nghìn đồng/kg nhưng năm nay mất mùa, giá cao hơn mọi năm.
“Loại hồng này là đặc sản chỉ có tại Thái Nguyên. Người Hà Nội gọi là hồng da tre nhưng thực chất ở Thái Nguyên gọi là hồng Việt Cường hoặc hồng vuông. Giá năm nay tôi bán là 135 nghìn đồng/kg, hàng về đến đâu đều được khách mua hết đến đó”, chị Thảo cho hay.
Loại quả này nếu ăn khi còn xanh sẽ chát chưa từng có.
Sở dĩ hồng da tre có giá cao là vì đây là loại hồng cực hiếm, được trồng rải rác mỗi nhà vài cây chứ chưa có vườn nào trồng quy mô lớn nên muốn có hồng bán phải mua cả cây và đặt cọc từ khi hồng mới ra hoa theo mấy năm liền.
Theo chị Thảo, hồng da tre có cách ăn rất “quý tộc”, không giống loại hồng khác nên mỗi đơn hàng giao cho khách, chị phải kèm một tờ giấy hướng dẫn sử dụng.
Cụ thể, loại hồng này nếu chưa chín kỹ thì chát “lè lưỡi”, thậm chí quả chín trên cây cũng không thể ăn được vì nó vẫn chát. Vì vậy, sau khi mua về cần bỏ ra ngoài và xếp úp cuống hồng xuống, khoảng 3 ngày là hồng bắt đầu chín đều.
Quả hồng khi chín sẽ chuyển sang màu vàng trong như thạch.
“Khi thấy mềm tay mọi người chớ vội ăn ngay mà nên để thêm 1 ngày nữa cho chín kỹ, quả hồng khi ấy trong veo, vàng ngà, rút được núm dễ dàng thì bỏ vào tủ lạnh rồi mang ăn như thạch, ngon ngọt xuất sắc, thịt quả mềm mướt chứ không xơ nhão”, chị Thảo phân tích.
Nói về nguồn gốc của hồng da tre đang làm mưa làm gió thời gian gần đây, anh Nguyễn Trọng Nghĩa, chủ cửa hàng hoa quả sạch tại Hà Nội cho biết, hồng da tre là loại hồng có nguồn gốc ở xóm Việt Cường, xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên).
Trước đây, hồng da tre không được nhiều người biết đến, chỉ được trồng rải rác ở quanh khu vực xóm Việt Cường nhưng thời gian mấy năm gần đây, hồng da tre được nhiều người biết đến và được thu mua với giá cao rồi vận chuyển xuống Hà Nội.
Lớp ruột trong, không có xơ và ăn ngọt lịm.
“Quả hồng da tre rất khó tính. Khi hồng bắt đầu hình thành quả, chủ vườn phải tiến hành treo đèn để chống ong và ruồi vàng châm quả vì chỉ cần 1 vết chích nhỏ cũng sẽ khiến quả hồng thối, hỏng. Ngoài ra, khi thu hái cũng thật cẩn thận từng quả và đóng thùng, chuyển đi các mối khi còn xanh”, anh Nghĩa phân tích.
Theo anh Nghĩa, năm nay do thời tiết nên hồng da tre có tỷ lệ đậu trái rất thấp, sản lượng hồng chỉ vằng 1/3 năm trước nên giá rất cao và rất khó mua. Khoảng nửa tháng nữa hồng mới vào vụ thu hoạch và đạt độ ngọt, khi đó, dự tính giá bán tại Hà Nội sẽ không dưới 170 nghìn đồng/kg.
Hồng Cảnh