Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới chỉ có 2 cá thể còn sống

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới chỉ có 2 cá thể còn sống

Thứ 7, 05/07/2025 05:00

Nếu các nỗ lực bảo vệ và nhân giống thất bại, thế giới sẽ mất mãi mãi loài động vật quý hiếm này.

Loài tê giác trắng phương Bắc (tên khoa học Ceratotherium simum cottoni) từng rất phổ biến ở các quốc gia thuộc khu vực Bắc Phi và Đông Phi. Tuy nhiên, số lượng của chúng đã bị sụt giảm nghiêm trọng do nạn săn trộm và những cuộc xung đột vũ trang tại khu vực mà chúng sinh sống.

Năm 2018, con tê giác trắng phương Bắc đực duy nhất còn lại trên thế giới đã chết do tuổi cao, khiến mọi nỗ lực bảo tồn loài động vật này lâm vào bế tắc.

Hiện tại, chỉ còn 2 cá thể tê giác trắng phương Bắc sống sót, đó là 2 mẹ con tê giác có tên Fatu và Najin, được chăm sóc đặc biệt tại Kenya. Tuy nhiên, theo tổ chức Ol Pejeta Conservancy, cả hai đã mất khả năng sinh sản tự nhiên do tuổi tác và sức khỏe.

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới chỉ có 2 cá thể còn sống- Ảnh 1.

Fujin và Najin ăn cỏ cùng nhau, chúng là 2 cá thể cuối cùng của một loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Ảnh: Justin Mott/Washington Post.

Najin, sinh năm 1989, đã được loại khỏi các nỗ lực nhân giống do vấn đề xương khớp. Trong khi đó, Fatu, sinh năm 2000, khó có thể mang thai do thoái hóa tử cung.

Vì cả Najin và Fatu đều không thể mang thai nên các chuyên gia đang chuyển sang đổi mới về di truyền và sinh sản.

Các nhà nghiên cứu tại Liên minh Động vật hoang dã Vườn thú San Diego ở California đã xem xét tế bào da lấy từ 12 con tê giác trắng phương Bắc khác nhau được lưu trữ trong Vườn thú đông lạnh (Frozen Zoo), một kho lưu trữ vật liệu di truyền từ hơn 1.000 loài khác nhau.

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới chỉ có 2 cá thể còn sống- Ảnh 2.

Najin và Fatu uống nước, chúng lần lượt là con gái và cháu gái của Sudan, con tê giác trắng phương bắc đực cuối cùng trên thế giới. Nó đã chết hồi tháng 3/2018. Ảnh: Justin Mott/Washington Post.

Họ đã sử dụng mô hình máy tính để xem sẽ như thế nào nếu vật liệu di truyền của những con tê giác này được dùng để tạo ra tế bào tinh trùng và trứng, sau đó chuyển thành phôi và cho loài tê giác trắng phương Nam có quan hệ gần gũi (Ceratherium simum simum) "mang thai hộ".

Các nhà khoa học cho rằng họ có thể phục hồi quần thể tê giác trắng phương Bắc qua nhiều thế hệ mà không cần đến Fatu và Najin.

"Việc có nguồn gene nhất quán trong Vườn thú đông lạnh giúp chúng tôi có thể liên tục tạo được các cá thể mới và đưa chúng trở lại quần thể", nhà nghiên cứu Aryn Wilder tại Liên minh Động vật hoang dã Vườn thú San Diego cho biết.

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới chỉ có 2 cá thể còn sống- Ảnh 3.

Ảnh: Justin Mott

Mô hình của họ tiết lộ rằng sau 10 thế hệ, những con tê giác trắng phương Bắc trong các mô phỏng này không phải là loài cận huyết, thay vào đó, chúng là một nhóm khỏe mạnh, đa dạng về mặt di truyền. Đó là tin tốt cho tương lai của phân loài vì những động vật cận huyết có xu hướng dễ mắc bệnh hơn và ít có khả năng sống sót hơn.

Tuy nhiên, trước mắt các nhà khoa học vẫn gặp phải thách thức không hề nhỏ đó là biến các tế bào da đông lạnh thành các tế bào gốc tinh trùng và trứng nhằm tạo nên phôi thai của loài tê giác trắng phương Bắc.

Cũng chưa có gì đảm bảo rằng những con tê giác trắng phương Nam có thể mang phôi của tê giác trắng phương Bắc thành công.

Ngay cả khi chuyển phôi thành công, quá trình mang thai cũng cần phải được theo dõi và nuôi dưỡng chặt chẽ, và kể cả khi một con tê giác khỏe mạnh được sinh ra, sẽ cần nhiều nỗ lực chăn nuôi hơn để thiết lập một quần thể khả thi.

Tuy nhiên, có một cách khác để phục hồi tê giác trắng là nhân bản: Các dòng tế bào được lưu trữ có thể được sử dụng để tạo ra bản sao di truyền của động vật đã chết.

Vì sao tê giác trắng phương Bắc quý hiếm?

Tê giác trắng phương Bắc (Ceratotherium simum cottoni) là một phân loài quý hiếm với nhiều đặc điểm độc đáo, khiến chúng trở thành biểu tượng quan trọng trong công cuộc bảo tồn động vật hoang dã.

Đây là một trong những loài động vật có vú lớn nhất trên cạn, chỉ đứng sau voi, với chiều dài cơ thể lên đến 4m và trọng lượng có thể đạt 2.300kg.

Đặc trưng nổi bật của loài này là hai chiếc sừng, trong đó sừng trước có thể dài tới 1,5m. Những chiếc sừng này không chỉ là vũ khí tự vệ mà còn là nguyên nhân chính khiến chúng bị săn trộm, do nhu cầu sử dụng trong y học cổ truyền và làm vật trang trí.

Tuổi thọ trung bình của tê giác trắng phương Bắc trong tự nhiên thường dao động từ 35 đến 40 năm. Khi được chăm sóc trong môi trường nuôi nhốt với điều kiện y tế và dinh dưỡng tốt, chúng có thể sống lâu hơn, đạt tới khoảng 45 năm.

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.