Nhiều tàu từng neo đậu gần Malta và Libya – khu vực bị nghi là trung tâm hoạt động của “hạm đội bóng tối” Nga. Ảnh: Euromaidan Press.
Trong một phân tích đăng trên báo Anh Telegraph và được tờ Euromaidan Press của Ukraine trích dẫn lại, ông Sharpe nhận định chuỗi vụ nổ bí ẩn nhằm vào các tàu liên quan đến xuất khẩu năng lượng của Nga dường như là kết quả của một chiến dịch phá hoại có tổ chức do các lực lượng đặc biệt Ukraine tiến hành. Dù chưa có xác nhận chính thức, tính chính xác và mô hình tấn công cho thấy chiến dịch đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng.
“Ai đó – và nói thẳng ra, đó chính là lực lượng đặc nhiệm Ukraine. Họ đang sử dụng rất hiệu quả loại mìn này”, ông Sharpe nhận định.
Theo truyền thông Ukraine, loại mìn mà ông Sharpe đề cập là mìn bám vào thân tàu sử dụng từ tính (mìn limpet), cụ thể là mẫu BPM-1 hoặc BPM-2 có nguồn gốc từ Nga. Đây là loại mìn được thiết kế để thợ lặn gắn thủ công vào thân tàu hoặc được triển khai bằng phương tiện không người lái dưới nước. Chúng được dùng trong các chiến dịch phá hoại cụ thể, không nhằm phong tỏa diện rộng trên biển.
Việc triển khai loại mìn này đòi hỏi kỹ năng cao, bao gồm người nhái phải thuần thục kỹ năng lặn bằng ống thở, phải có khả năng xác định phương hướng thủ công hoặc bằng thiết bị thu sóng âm, thậm chí cần sử dụng tàu ngầm mini để tiếp cận mục tiêu.
Mìn limpet thường được kích nổ bằng cách hẹn giờ. Chúng cũng có thể được trang bị tính năng chống tháo gỡ, nghĩa là mìn phát nổ ngay lập tức nếu bị thợ lặn đối phương tìm cách gỡ khỏi thân tàu.
Một dạng mìn limpet do Nga sản xuất. Ảnh: Euromaidan Press.
Các cơ quan đặc biệt của Ukraine thường công bố một số thông tin liên quan các vụ nổ tàu dầu, ám chỉ khả năng tình báo Ukraine đã âm thầm theo dõi hoạt động của các tàu này. Phía Ukraine không trực tiếp nhận trách nhiệm về các vụ nổ.
Vụ việc mới nhất xảy ra ngày 6/7, khi tàu Eco Wizard hứng chịu hai vụ nổ liên tiếp trong đang nạp amoniac dạng lỏng tại cảng Ust-Luga của Nga. Dù đây không phải chuyến hàng vận chuyển khí đốt, ông Sharpe nói “amoniac được sản xuất từ khí tự nhiên”, do đó vẫn có thể xem là hình thức xuất khẩu năng lượng.
Đây là vụ nổ thứ 6 trong năm nay đối với các tàu nghi thuộc “hạm đội bóng tối” của Nga. Các vụ nổ trước đó xảy ra gần Libya, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ và cũng tại Ust-Luga (Nga). Nhiều tàu từng neo đậu gần Malta và Libya – khu vực bị nghi là trung tâm hoạt động của “hạm đội bóng tối” Nga.
"Hạm đội bóng tối" là cụm từ chỉ các tàu dầu đăng ký dưới các quốc gia có luật hàng hải lỏng lẻo và danh tính chủ sở hữu mơ hồ. Đội tàu này được cho là giúp xuất khẩu 60% lượng dầu thô và các sản phẩm năng lượng của Nga.
Nga hiện chưa lên tiếng bình luận về khả năng Ukraine có chủ ý cài mìn nhằm vào các tàu dầu hoặc tàu hàng thường xuyên cập cảng nước này.
Đăng Nguyễn - Euromaidan Press