Luật sư bào chữa 'nước đôi', được không?

Luật sư bào chữa 'nước đôi', được không?

Thứ 5, 05/09/2013 | 15:00
0
Chuyện luật sư ra tòa bào chữa kêu oan cho thân chủ nhưng lại “thòng” thêm rằng “nếu tòa kết tội thì xin giảm nhẹ hình phạt” đang gây tranh cãi trong chính giới luật sư.

Người nói được vì luật không cấm, người lại bảo là không nên bởi  “chân lý chỉ có một”…

Như báo chí từng phản ánh, thời gian qua đã có nhiều luật sư ra tòa bào chữa theo hướng kêu oan cho bị cáo, sau đó nói thêm là “trong trường hợp tòa xác định bị cáo phạm tội thì xem xét các tình tiết giảm nhẹ để giảm án”. Đã có những vụ luật sư bào chữa theo kiểu này đã bị đại diện VKS hay hội đồng xét xử nhắc nhở.

Về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với nhiều luật sư và nhận được hai luồng quan điểm đối lập.

Ủng hộ: Vì lợi ích của thân chủ

Theo luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM), luật sư phải bảo vệ thân chủ một cách tốt nhất trong khuôn khổ pháp luật. Việc luật sư bào chữa như thế không vi phạm pháp luật, không phải là “hàng hai” mà là sự trình bày hết những ý tứ, lập luận, đưa ra hết các hướng để tòa xem xét. Trong phiên tòa hình sự, luật sư cần phải linh hoạt, đặt ra hết mọi tình tiết để ứng phó với việc tòa chấp nhận hướng bào chữa của mình hoặc chấp nhận quan điểm buộc tội của bên công tố.

Đồng tình, luật sưHuỳnh Văn Nông(Đoàn Luật sư TP.HCM) nói: “Cái chính là làm tốt nhất cho thân chủ. Trong khuôn khổ của phiên tòa phải nói cho đầy đủ, nêu tất cả tình tiết có lợi cho thân chủ, chỉ ra các điểm để nếu phạm tội thì thân chủ sẽ được giảm nhẹ”.

Luật sư - Luật sư bào chữa 'nước đôi', được không?

Luật sư đang tranh luận với VKS tại một phiên tòa. Ảnh chỉ mang tính minh họa: HTD

Tương tự, luật sư Trần Minh San(Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: “Việc bào chữa một hướng hay hai hướng là kỹ thuật của mỗi luật sư. Đâu có trường nào dạy bào chữa một hay hai hướng, luật không cấm, quy chế không cấm, đạo đức cũng không đề cập. Tùy thẩm định của luật sư về tài liệu, chứng cứ. Nếu chứng cứ bảo vệ cho thân chủ còn mỏng và yếu, “năm ăn năm thua” thì mới sử dụng cách bào chữa nhiều hướng. Ý thức chủ quan của luật sư là bị cáo không phạm tội nhưng quan điểm của tòa có tội thì sao. Khi đó, nếu không trình bày những tình tiết giảm nhẹ thì thân chủ sẽ bị thiệt thòi”.

Cũng nghiêng về quan điểm vì quyền lợi của thân chủ nhưng luật sưTrịnh Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại có sự phân biệt. Theo ông, trong một vài trường hợp, luật sư không thuyết phục được tòa đồng ý với việc bị cáo vô tội thì có thể chuyển sang đề nghị tòa xem xét theo hướng giảm nhẹ. “Khi bào chữa, phải lấy ra được những ý có lợi nhất cho thân chủ. Luật sư nếu có bị đụng chạm thì cũng phải chấp nhận. Như vậy còn hơn là luật sư được tiếng thơm mà thân chủ lại bị tội nặng”.

Tuy nhiên, theo luật sư Thanh, cần phải tư duy cho đúng, tùy tình huống chứ không phải tình huống nào cũng có thể “hàng hai”. “Nếu bản chất vụ án là oan thì phải theo hướng này tới cùng chứ không thể sao cũng được” - ông khẳng định.

Phản đối: Bào chữa phải rõ ràng

Ngược lại, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho biết: “Hiện không ít người trong giới luật sư không chấp nhận cách bào chữa này. Bởi lẽ luật sư có đưa ra quan điểm bào chữa rõ ràng, có tội hay không có tội thì công tố viên mới biết đường mà tranh luận, nhất là khi ta đang hướng tới một nền tố tụng tranh tụng”.

Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nói: “Chân lý thì chỉ có một. Theo quan điểm cá nhân tôi thì sự việc chỉ có một hướng để bào chữa. Kêu oan là khẳng định mình vô tội, lúc đó nếu bị tòa bác mà án có nặng thì cũng không được xem xét giảm án. Còn xin giảm án là thừa nhận mình phạm tội nhưng mức án quá nghiêm khắc”.

Luật sư Trần Chính Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: “Luật sư phải dứt khoát, bản lĩnh và nắm chắc vấn đề của thân chủ khi bào chữa. Chỉ luật sư nghiên cứu không kỹ mới bào chữa nhiều hướng hay nước đôi. Kêu oan là kêu oan, xin giảm án là xin giảm án, không thể nói nếu không được cái này thì yêu cầu cái kia.

Luật sư Cổ Hiệp (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì thẳng thắn: “Tôi cực lực phản đối. Không thể chấp nhận kiểu bào chữa nhiều hướng, nước đôi. Ngành luật là một ngành khoa học, căn cứ trên chứng cứ, lập luận. Đã là khoa học thì đúng là đúng, sai là sai. Nhiệm vụ của luật sư là ngoài việc bảo vệ cho thân chủ còn góp phần bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý. Mỗi người có một cách hành xử nghề nghiệp, cách để tạo uy tín và cá tính. Riêng tôi, chưa bao giờ tôi bào chữa nước đôi cả. Đối với tôi, hành nghề luật không thể có nước đôi. Bản lĩnh và đạo đức luật sư cũng không cho phép. Nếu chứng cứ và khoa học pháp lý cho phép mình làm theo hướng thân chủ vô tội thì mình phải bảo vệ tuyệt đối…”.

Ba cách bào chữa

Về cách tiếp cận bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân chủ, mỗi luật sư có ba cách tiếp cận:

Cách thứ nhất: Luật sư dứt khoát thân chủ có tội hay không. Nếu có tội thì đề xuất các tình tiết giảm nhẹ để tòa xem xét. Nếu không có tội thì đưa các chứng cứ chứng minh.

Cách thứ hai: Luật sư dứt khoát thân chủ không phạm tội mà VKS truy tố, đưa ra các lý lẽ bác bỏ, cho rằng nếu thân chủ có phạm tội thì phạm phải một tội khác nhẹ hơn và bỏ lửng. Song song đó, luật sư đề xuất các tình tiết giảm nhẹ để tòa xem xét (bào chữa nhiều hướng).

Cách thứ ba: Luật sư dứt khoát thân chủ không có tội, đưa ra các lý lẽ để bác bỏ tội danh VKS truy tố nhưng lại đề xuất các tình tiết giảm nhẹ để tòa xem xét (bào chữa nước đôi).

Tôi ủng hộ cách tiếp cận thứ nhất vì nó thể hiện được chính kiến và bản lĩnh của người luật sư. Để có thể thực hiện được cách này, đòi hỏi luật sư phải có bản lĩnh thuyết phục khách hàng cùng chấp nhận quan điểm của mình.

Vấn đề bào chữa nước đôi đang đặt ra câu hỏi cho lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam về quan điểm, về tư tưởng chỉ đạo trong định hướng đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ luật sư thời gian tới.

Luật sư PHAN THÔNG ANH, Trưởng cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP.HCM

Một số vụ luật sư bị nhắc

  Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử một vụ tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại phiên tòa, luật sư cho rằng bị cáo không phạm hai tội này. Tuy nhiên, luật sư cũng nói thêm là “trong trường hợp xác định bị cáo phạm tội thì xem xét các tình tiết giảm nhẹ để giảm án”. Kiểm sát viên đã tỏ thái độ không đồng tình với cách bào chữa của luật sư. Luật sư đối đáp rằng cách bào chữa này vẫn còn đang gây tranh cãi và luật cũng không cấm.

  Tháng 4-2013, TAND TP Đà Nẵng xử một vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Luật sư khẳng định thân chủ không phạm tội nhưng đến cuối phần tranh luận lại nói: “Trong trường hợp nếu tòa cho rằng thân chủ của tôi có tội thì tôi xin nêu các tình tiết giảm nhẹ sau để tòa xem xét”… Tòa hỏi đi hỏi lại: “Quan điểm của luật sư là bị cáo vô tội hay có tội nhưng xin giảm nhẹ?”. Luật sư cứ đáp: “Tôi nêu các luận cứ chứng minh bị cáo vô tội nhưng nếu khi nghị án, tòa không tuyên bị cáo vô tội thì tòa phải xem xét tới phần giảm án cho bị cáo”...

Theo Phương Loan (Pháp luật TP HCM)

Đại diện Viện kiểm sát phải ngồi ngang hàng luật sư

Thứ 3, 03/09/2013 | 09:50
Việc để kiểm sát viên ngồi ngang hàng với HĐXX vừa thể hiện sự bất bình đẳng về vị thế giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, vừa dễ tạo cảm giác thiếu khách quan khi tòa xử án.

Luật sư 'phản' thân chủ, được không?

Thứ 5, 29/08/2013 | 10:55
Ra tòa, luật sư bất ngờ đề nghị tòa bác yêu cầu xin ly hôn của thân chủ vì cho rằng chưa phù hợp với đạo đức. Hành động “xưa nay hiếm” này đã gây nhiều tranh cãi…

Luật sư giải án oan cho một cô gái trẻ

Thứ 4, 28/08/2013 | 14:49
Cô gái bị truy tố về tội giết người, nạn nhân lại là con của cô tuy nhiên bằng tài năng của mình, luật sư đã giải oan cho cô gái.

Luật sư danh tiếng bị thân chủ trả thù

Thứ 4, 28/08/2013 | 14:36
Phiên toà xử luật sư Robert George gây nhiều tranh cãi. Nó bắt đầu từ một cuộc gặp của Robert tháng 3/2009 với Ronald Dardinski - một trong các thân chủ cũ của mình, đã đưa Robert George vào vào lao lý. George cho rằng ông bị các cơ quan điều tra và công tố Mỹ "gài bẫy" để trả thù.

Phải tốt nghiệp đào tạo luật sư mới được 'học' giúp pháp lý?

Thứ 3, 27/08/2013 | 08:56
Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Khánh Hòa có đăng bài “Về điều kiện tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Trợ giúp pháp lý” phản ánh sự bất cập giữa điều kiện để tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Trợ giúp pháp lý (TGPL)với điều kiện để bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý.

Bút ký luật sư: Về với mẹ

Thứ 5, 22/08/2013 | 10:14
Nghe tin mẹ anh vừa mất, tôi lặng người không nói được thành lời. Những ngày cuối năm đầy biến động, một đồng nghiệp thân thiết cùng cơ quan cũ cách đây ba mươi năm hay người mới quen cũng đột ngột rũ bỏ cuộc chơi mà ra đi mãi mãi…