Hán Vũ Đế - hoàng đế nổi tiếng hà khắc, độc đoán (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Hoàng đế hà khắc, đạo tặc nổi lên
Hán Vũ Đế (156 TCN – 87 TCN), tên thật Lưu Triệt, là hoàng đế thứ 7 của nhà Hán. Năm 141, Hán Vũ Đế lên ngôi khi mới 16 tuổi. Ông cai trị 54 năm, là một trong số hoàng đế tại vị lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Hán Vũ Đế được giới nghiên cứu lịch sử Trung Quốc đánh giá là hoàng đế tài giỏi. Dưới thời ông trị vì, nhà Hán nhiều lần đánh bại tộc Hung Nô, mở rộng biên giới phía bắc đến tận vùng sa mạc Gobi.
Hán Vũ Đế cũng rất chú trọng tới phát triển kinh tế, thương mại và đối ngoại.
Năm 138 TCN, Hán Vũ Đế cử Trương Khiên làm sứ giả, dẫn phái đoàn đi về phía tây. Trong vòng 20 năm, Trương Khiên đã kết nối giao thương giữa nhà Hán với nhiều nước Tây Vực như Yên Kỳ, Quy Từ, Sơ Lặc, Đại Uyển, Đại Nguyệt Chi, Ô Tôn. Trong đó, có nhiều nước Tây Vực ủng hộ nhà Hán chiến tranh với tộc Hung Nô.
Theo Sohu, các chuyến đi sứ của Trương Khiên đã góp phần hình thành Con Đường Tơ Lụa nổi tiếng, mở mang giao thương Đông – Tây.
Mặc dù tài năng, có tầm nhìn xa trông rộng, nhưng Hán Vũ cũng nổi tiếng là hoàng đế hà khắc, đa nghi. Nhiều người thậm chí so sánh ông với Tần Thủy Hoàng, theo Sohu.
Hán Vũ Đế quyết diệt trừ mối họa Hung Nô (ảnh: Sohu)
Tư trị thông giám (bộ chính sử do Tư Mã Quang, thời Tống, biên soạn) đánh giá Hán Vũ Đế là người chuyên chế, nóng nảy, nhưng cũng rất mưu lược, tài ba. Ông sùng đạo Nho và ưa thích cai trị đất nước theo lối Pháp gia (đề cao pháp luật) như Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ (Lưu Bang).
Hán sử chép, thời Hán Cao Tổ, tộc Hung Nô cường thịnh ở phía bắc. Nhà Hán đánh dẹp không được, phải dùng chính sách hòa thân, cống nộp của cải. Hán Cao Tổ thậm chí còn phải gả con gái (có tài liệu chép là con gái nuôi) cho Thiền vu (vua) Hung Nô. Chính sách hòa thân với Hung Nô được nhà Hán áp dụng suốt hàng chục năm.
Tới thời Hán Vũ Đế, nhà Hán giàu mạnh, ông quyết tâm diệt trừ “kẻ thù truyền kiếp” Hung Nô.
Từ năm 133 TCN đến năm 90 TCN (43 năm) nhà Hán liên tục thực hiện các chiến dịch quy mô lớn nhằm vào Hung Nô và đa phần giành thắng lợi. Tuy nhiên, nguồn lực của nhà Hán cũng bị tổn thất nặng nề.
Hán sử chép, năm 112 TCN, quân Hung Nô tấn công quận Ngũ Nguyên (khu vực thuộc vùng Nội Mông, Trung Quốc ngày nay). Hán Vũ Đế điều 18 vạn quân chống đỡ.
Năm 99 TCN, tướng Lý Quảng Lợi dẫn 30 vạn quân Hán lên phía bắc, tấn công Hung Nô. Một tướng khác của nhà Hán là Lý Lăng dẫn 5.000 quân tinh nhuệ tiến sâu vào đất Hung Nô, ý đồ đột kích Thiền vu đình (nơi Thiền vu Hung Nô trị vì, nay thuộc Mông Cổ) nhưng thất bại.
5.000 quân của Lý Lăng bị 8 vạn quân Hung Nô vây khốn. Hết lương ăn mà quân cứu viện không đến, Lý Lăng buộc phải đầu hàng.
Thất bại của Lý Lăng khiến Hán Vũ Đế nổi giận. Ông ra lệnh xử tử cả nhà Lý Lăng. Tư Mã Thiên (sử gia nổi tiếng thời Hán) can ngăn cũng bị Hán Vũ Đế bắt bỏ ngục và bị xử cung hình (thiến).
Năm 90 TCN, Lý Quảng Lợi lại đem quân chống Hung Nô ở quận Ngũ Nguyên. Ở kinh thành Trường An, Hán Vũ Đế nghi ngờ Lý Quảng Lợi có mưu đồ tạo phản, nên bắt giam vợ con ông. Lý Quảng Lợi bị sốc, mất tinh thần chiến đấu khiến quân Hán đại bại.
Sau thất bại này, Hán Vũ Đế phải giảng hòa với Hung Nô, cống nạp cho Hung Nô 5.000 đấu lương thực, 10.000 vò rượu.
Theo Sohu, phần lớn thời gian trị vì của Hán Vũ Đế dành cho tham vọng chinh phạt. Hơn 40 năm chiến tranh liên miên với Hung Nô khiến kinh tế nhà Hán gần như kiệt quệ, sưu thuế đè nặng lên đầu người dân.
Cuối thời Hán Vũ Đế, giặc cướp nổi lên như ong, quan lại không thể khống chế.
Nạn đạo tặc hoành hành, nhà Hán bất ổn (ảnh: Sohu)
Tư trị thông giám chép:
“Chúa thượng (Hán Vũ Đế) dùng phép tắc khống chế thiên hạ, rất xem trọng hình phạt hà khắc. Mà quan Nhị thiên thạch (quan đứng đầu một quận thời Hán) đa phần dùng thủ đoạn tàn khốc cai trị, dân gian vì vậy càng xem thường chống đối.
Đạo tặc từ phương đông nổi dậy, lớn thì quần tụ tới mấy nghìn người, đánh thành chiếm ấp, cướp binh khí trong phủ khố, thả phạm nhân, bắt trói làm nhục Quận thú, Đô úy, giết cả quan Nhị thiên thạch. Nhỏ thì tụ tập mấy trăm người, cướp bóc ở làng xóm, đông không tính xuể. Chúa thượng sai quan Ngự sử, Thừa tướng, Trưởng sử đốc xét, cũng không thể ngăn cấm được”.
Trước tình hình giặc cướp làm loạn nhà Hán, Hán Vũ Đế phải thành lập lực lượng đặc biệt để đánh dẹp, gọi là Trực chỉ sứ giả.
Hán Vũ Đế lập ra Trực chỉ sứ giả, phái đi dẹp loạn (ảnh: Sina)
"Cẩm Y vệ" của nhà Hán
Theo Sohu, khác với những sứ giả thông thường, Trực chỉ sứ giả không phải cơ quan ngoại giao. Họ hành động như một lực lượng cảnh sát mật và chỉ nghe lệnh hoàng đế. Nhiệm vụ chính của Trực chỉ sứ giả là giữ gìn trị an trong nước, tiêu diệt đạo tặc và trộm cướp.
Thành viên của Trực chỉ sứ giả đông tới hàng nghìn người. Họ mặc áo gấm thêu hoa (vì thế còn gọi là Tú y sứ giả), cưỡi ngựa và đeo hổ phù (lệnh bài hình hổ). Vũ khí tiêu chuẩn của Trực chỉ sứ giả khá gọn nhẹ, chủ yếu là kiếm và rìu.
Tư trị thông giám chép:
“Hán Vũ Đế phái Quang lộc đại phu Phạm Côn và quan Cửu khanh Trương Đức mặc áo gấm thêu, cầm cờ tiết, hổ phù, dùng phép tắc phát binh đánh dẹp đạo tặc. Ở các quận lớn chém giết hàng vạn người. Người nào giúp đỡ đạo tặc đi qua, cung cấp đồ ăn, đều mắc tội liên đới và bị giết. Có quận chém giết đến mấy nghìn người. Qua mấy năm, bắt được gần hết đám cầm đầu của bọn đạo tặc. Chỉ còn một số ít (đạo tặc) chiếm giữ nơi núi sông hiểm trở”.
Hành động của Trực chỉ sứ giả khiến Hán Vũ Đế rất hài lòng. Để diệt tận gốc nạn đạo tặc và trừng trị đám quan lại “vô năng”, ông ra chiếu:
“Đạo tặc nổi dậy, quan phủ không phát giác được hoặc phát giác nhưng không diệt được hết, thì từ quan Nhị thiên thạch xuống đến chủ sự, nha lại đều phải xử chết”.
Theo Tư trị thông giám, mệnh lệnh này đã nâng tầm quyền lực của Trực chỉ sứ giả, cho phép họ “trảm” cả quan lại địa phương. Tuy nhiên, nó cũng khiến quan lại địa phương sợ “vỡ mật”. Từ đó, dù đạo tặc có hoành hoành, họ cũng không báo lên triều đình nữa để tránh bị phạt.
Trực chỉ sứ giả - lực lượng được ví như Cẩm Y vệ thời Minh (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Theo Sohu, hành động và hình ảnh của Trực chỉ sứ giả thời Hán có nét tương đồng với lực lượng Cẩm Y vệ thời Minh. Những người này đều mặc áo gấm, được trang bị vũ khí và có quyền bắt giữ, hành quyết quan lại phạm tội.
Tư trị thông giám chép:
“Thời Bạo Thắng Chi làm thủ lĩnh Trực chỉ sứ giả, quan lại từ Nhị thiên thạch trở xuống bị ông ta giết rất nhiều. Danh tiếng của Bạo Thắng Chi uy chấn khắp châu quận”.
Tư trị thông giám cũng có đoạn chép:
“Người quận Tế Nam tên Vương Hạ từng làm thủ lĩnh Trực chỉ sứ giả, đuổi bắt đạo tặc ở Ngụy Quận, tha cho rất nhiều người. Hán Vũ Đế cho là làm việc không xứng chức, liền bãi miễn. Hạ than:
Ta nghe nói cứu sống hàng nghìn người, con cháu được phong tước. Mà ta đây cứu sống đến hơn vạn, con cháu ta đời sau có lẽ được hưng vượng chăng?”.
Chi tiết này cho thấy lực lượng Trực chỉ sứ giả giết hại quá nhiều người, ngay cả thủ lĩnh của họ cũng có lúc cảm thấy “ghê tay”, theo Sohu.
Theo Tư trị thông giám, Trực chỉ sứ giả hoạt động mạnh nhất vào thời Hán Vũ Đế, đến các hoàng đế đời sau của nhà Hán, lực lượng này không còn được trọng dụng.
Năm 8, Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, lập ra nhà Tân. Vương Mãng áp dụng nhiều chính sách sai lầm, khiến người dân oán thán, nổi loạn khắp nơi. Lúc này, Trực chỉ sứ giả lại được Vương Mãng đề cao, phái đi đánh dẹp.
Tuy nhiên, dưới quyền Vương Mãng, Trực chỉ sứ giả đã trở nên tham lam và biến chất.
Theo Tư trị thông giám, Trực chỉ sứ giả làm đủ trò xằng bậy, “nhiễu loạn châu quận, nhận hối lộ công khai, cướp bóc lừa gạt bách tính”. Vương Mãng ra chiếu nghiêm phạt, nhưng tình hình vẫn không thay đổi.
Năm 23, nhà Tân diệt vong, lực lượng Trực chỉ sứ giả cũng bị giải tán.
Giang Sung hãm hại thái tử (tranh minh họa)
Trực chỉ sứ giả lộng quyền
Hán sử chép, cuối thời Hán Vũ Đế, Giang Sung (? – 91 TCN) được phong làm thủ lĩnh Trực chỉ sứ giả.
Theo mô tả trong Tư trị thông giám, Giang Sung “vóc người cao lớn, y phục tinh tế, đẹp đẽ, chúa thượng cho là lạ, cùng Sung nói chuyện thấy rất hợp ý, bởi thế sủng ái, phong làm thủ lĩnh Trực chỉ sứ giả”.
Dưới quyền Hán Vũ Đế, Giang Sung “tra xét hành vi xa hoa, lãng phí” của quý tộc và quan lại, bẩm tấu không hề né tránh. Hán Vũ Đế khen ông ta là người trung thực.
Tuy nhiên, Giang Sung thực chất lại là con người xảo trá, thích vu oan giá họa cho người khác để tâng công.
Năm 92 TCN, vụ án Vu cổ (dùng độc trùng, tà thuật hại người) nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa xảy ra, cả nhà thừa tướng Công Tôn Hạ bị xử tử. Hán Vũ Đế giao cho Giang Sung mở rộng điều tra.
Hán sử chép, Giang Sung dẫn quân xông vào phủ thái tử Lưu Cứ, rao ầm lên là có cổ khí (cổ trùng do tà thuật luyện thành) trong cung. Giang Sung vốn có hiềm khích với thái tử, nên nhân việc này giá họa.
Lưu Cứ sợ bị hại, dẫn quân bắt Giang Sung và chiếm cứ các vị trí quan trọng trong thành Trường An. Cuộc nổi loạn nhanh chóng bị Hán Vũ Đế dập tắt. Thái tử Lưu Cứ uất ức phải tự tử.
Sau khi Lưu Cứ chết, Hán Vũ Đế vô cùng hối hận. Lúc này ông mới nhận ra bộ mặt thật của Giang Sung và ra lệnh xử tử cả nhà ông ta.
Hán sử chép, năm 90 TCN, Hán Vũ Đế cho xây Tử Tư cung (cung nhớ con) để tưởng nhớ Lưu Cứ. Năm 89 TCN, Hán Vũ Đế viết “Luân đài hồi chiếu” để tạ lỗi trước thần dân về những sai lầm trong quá khứ.
Vương Nam – tổng hợp