Cuộc thử nghiệm này đã được lên kế hoạch nhằm thể hiện khả năng của Hệ thống Kiểm soát Vũ khí và Thiết bị Điều phối Năng lượng của Lục quân Mỹ. Đây cũng được kỳ vọng là cuộc thử nghiệm đầu tiên trên hệ thống vận chuyển-nâng-phóng của Lục quân Mỹ.
Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trên tờ Florida Today đã cho biết: “Vào ngày 6 tháng 9, Bộ đã lên kế hoạch thực hiện phóng thử tại căn cứ Lực lượng Không gian Cape Canaveral, Florida, nhằm báo cáo về quá trình phát triển vũ khí siêu thanh. Sau khi thực hiện các kiểm tra trước khi phóng, cuộc phóng thử đã được trì hoãn. Bộ đã thu thập thành công các dữ liệu về hiệu năng trên mặt đất của phần cứng và phần mềm, góp phần tiếp tục phát triển các vũ khí tấn công siêu thanh. Mục tiêu mang lại các hệ thống vũ khí siêu thanh tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng”.
Cuộc phóng thử với mã hiệu JFC-2 đã bị trì hoãn tới nay là ba lần. Cuộc phóng thử ban đầu được dự kiến sẽ được thực hiện vào cuối năm 2022, tuy nhiên tên lửa đã gặp phải một số vấn đề trước khi phóng, và cuộc phóng thử đã được dời sang đầu năm 2023.
Cuộc phóng thử này tiếp tục được trì hoãn từ đầu năm 2023 tới thời điểm hiện tại do vấn đề liên quan tới ắc quy được phát hiện trước cuộc thử nghiệm.
Mặc dù chương trình này chưa gặp phải phóng thử thất bại từ năm 2022, những quyết định trì hoãn này đang cản trở khả năng trang bị các tên lửa này, nhất là khi Washington đang chạy đua bắt kịp Trung Quốc sau khi nước này bắt đầu sử dụng tên lửa DF-17, loại tên lửa siêu thanh đầu tiên của Trung Quốc, trong năm 2019.
Cuộc thử nghiệm nhiều vấn đề
LRHW có nguồn gốc từ chương trình Tấn công Chớp nhoáng Phổ thông (CPS), một chương trình hợp tác giữa Lục quân Mỹ và Hải quân Mỹ. Hiện tại chương trình CPS được thực hiện dưới vai trò chương trình MTA thuộc Mục 804. Dưới chiến lược phát triển này, chương trình sẽ được thực hiện trên nhiều giai đoạn. Bước thứ nhất hướng tới phát triển và trình diễn một hệ thống phóng tên lửa bằng khí gas lạnh với tốc độ siêu thanh.
Theo báo cáo thường niên DOT&E 2022, Hải quân Mỹ chịu trách nhiệm phát triển Chiến lược Thử nghiệm Chủ đạo (MTS) cho Giai đoạn 1 của chương trình CPS. Hải quân cần thực hiện năm cuộc phóng thử trong Chương trình Phóng Tác chiến cùng với Lục quân Mỹ. Cuộc phóng thử đầu tiên, JFC-1, đã được thực hiện trong tháng 6/2022 và kết thúc trong thất bại sau khi tên lửa gặp phải biến cố trên đường bay.
Theo sau thất bại này, cuộc phóng thử thứ hai, JFC-2 được dự kiến sẽ được thực hiện vào cuối năm 2022, và được di dời sang 2023. Theo MTS của Hải quân Mỹ, bốn lần phóng thử JFC khác cần được thực hiện trước quý 4 năm 2024 để hoàn thiện Giai đoạn 1.
Cuộc phóng thử JFC-2 và JFC-3 sẽ được thực hiện nhằm hỗ trợ chương trình LRHW của Lục quân Mỹ, trong đó cuộc phóng thử sẽ sử dụng Hệ thống Kiểm soát Vũ khí Quân đội, Thiết bị Điều phối Năng lượng và một mẫu thử hệ thống vận chuyển-nâng-phóng. Để được đưa từ MTA sang bước POR, LRHW cần được thử nghiệm trong ba cuộc phóng thử.
Hải quân Mỹ cũng sẽ cần phải thực hiện những cuộc thử nghiệm này để trang bị sớm cho Tiểu đoàn 5, Trung đoàn Pháo binh số 3 tại Căn cứ Tác chiến Lewis-McChord, Washington. Đơn vị này nằm trong Lực lượng Đặc nhiệm Đa miền thứ Nhất của Lục quân Mỹ.
JFC-4 và JFC-5 được kỳ vọng sẽ thể hiện khả năng phóng bằng khí gas lạnh của Hải quân Mỹ. JFC-4 được dự kiến sẽ được thực hiện tại một cơ sở thử nghiệm Phóng Trên không sử dụng một Bệ phóng Dạng hộp trong quý 2 năm 2024. Cuộc thử nghiệm này được dự kiến sẽ thể hiện khả năng phóng bằng khí gas lạnh cho phép trang bị trên các tàu cấp Zumwalt.
JFC-5 được lên kế hoạch thực hiện trong quý 4 năm 2024 và được dự kiến sẽ là chiến dịch phóng đôi, nghĩa là cuộc thử nghiệm này sẽ bao gồm hai loạt phóng. Cuộc thử nghiệm này cũng được dự kiến sẽ là cuộc phóng thử bằng khí gas lạnh nhằm hỗ trợ trang bị sớm trên các tàu cấp Zumwalt.
Tuy nhiên, những mốc thời điểm này rất có thể sẽ được dời lại theo sau những trì hoãn gần đây. Kế hoạch thử nghiệm của chương trình này đã bị đẩy lùi lại tới gần 1 năm rưỡi. Những vấn đề xung quanh các cuộc thử nghiệm này ảnh hưởng không chỉ tới kế hoạch trang bị sớm cho Lục quân Mỹ mà cả kế hoạch của Hải quân Mỹ về việc trang bị trên tàu Zumwalt và thậm chí sẽ ảnh hưởng cả kế hoạch liên quan tới các tàu cấp Virginia.
Sau khi JFC-2 và JFC-3 bị trì hoãn, JFC-4 và JFC-5 rất có thể sẽ bị đẩy lùi sang năm tài chính 2025, JFC-6 sẽ được thực hiện cùng năm từ tàu USS Zumwalt và JFC-7 trong năm 2026 từ tàu USS Michael Monsoor.
Chương trình Tấn công Chớp nhoáng Phổ thông (CPS)
Chương trình CPS là một chương trình tác chiến giữa Hải quân Mỹ và Lục quân Mỹ, cung cấp tên lửa siêu thanh tầm xa mang theo bộ phận tái thâm nhập khí quyển mang tên Bộ phận Lướt Siêu thanh Thông thường (C-HGB). Bộ phận tái thâm nhập khí quyển này có nguồn gốc từ Phương tiện Tái thâm nhập Khí quyển Năng lượng cao Có cánh của Sandia (SWERVE) do Phòng Thí nghiệm Quốc gia Sandia.
Như tên, C-HGB là một hệ thống thông thường được Hải quân Mỹ sử dụng trong chương trình CPS và Lục quân Mỹ trong LRHW. Vai trò của Hải quân trong chương trình này là thiết kế và phát triển C-HGB và bộ phận đẩy hai giai đoạn, và tích hợp C-HGB với bộ phận đẩy thành một tên lửa tổng hợp All-up Round (AUR). Lục quân Mỹ sẽ chịu trách nhiệm sản xuất C-HGB.
Lục quân Mỹ dự kiến sẽ đưa hệ thống LRHW đầu tiên vào Điều phối trong năm 2023 và đưa hệ thống thứ hai vào Điều phối trong năm 2025, cùng với hệ thống thứ ba trong năm 2027. Bộ phận chính của các hệ thống này sẽ là bốn Bệ phóng Nâng và Vận chuyển (TEL), mỗi bệ phóng trang bị hai tên lửa và một Thiết bị Điều phối Năng lượng. LRHW sẽ được đưa vào hoạt động trong Lực lượng Đặc nhiệm Đa miền mới của Lục quân Mỹ. Tại đây, các hệ thống LRHW sẽ được trang bị cho các Tiểu đoàn Hỏa lực Chiến lược, cùng với các hệ thống HIMARS và Hệ thống Hỏa lực Tầm trung.
Hải quân Mỹ dự kiến sẽ đưa vào hoạt động tàu USS Zumwalt (DDG-1100) trang bị CPS trong quý 4 năm 2025, sau đó là USS Michael Monsoor (DDG-1001) trong quý 4 năm 2026, và tàu cuối cùng trong cấp Zumwalt, USS Lyndon B. Johnson (DDG-1002) trong quý 4 năm 2027.
Trang bị trên các tàu cấp Virginia được dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2029 trên một tàu ngầm thuộc Block V, và sẽ mang theo Mô-đun Hỏa lực Virginia.
Nguyễn Quang Minh (Theo Naval News)