Tam quốc diễn nghĩa nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam quốc với 120 chương hồi, theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu). Tiểu thuyết này được xem là một trong Tứ đại danh tác của văn học Trung Hoa.
Trong Tam quốc diễn nghĩa nhà văn La Quán Trung mô tả nhân vật Lưu Bị giống như một vị thư sinh trói gà không chặt, không thích đọc sách, chỉ thích cưỡi ngựa, ca hát và mặc quần áo đẹp. Vóc người cao lớn, dung mạo nổi bật và khác thường. Tính tình thuộc trầm mặc ít nói, mừng giận không lộ ra mặt. Đồng thời là một nhân kiệt có chí lớn, thích kết giao với anh hùng hào kiệt trong thiên hạ để mong được nghiệp lớn, khôi phục tòng thất nhà Hán.
Tuy nhiên La Quán Trung cũng hư cấu khá nhiều tình tiết về ông so với ngoài đời thật, vì vậy một số hành động thể hiện tính cứng rắn và chiến tích quân sự của ông được gán cho nhân vật khác trong truyện. Trong đó, vũ khí Lưu Bị sử dụng trong tiểu thuyết là song kiếm (có tên là Tam xích thanh phong) nhưng trong Tam quốc chí lại không ghi lại cảnh Lưu Bị cầm kiếm.
Tam quốc diễn nghĩa có đoạn, Lưu Bị giao đấu đô đốc Hạ Hầu Đôn ở gò Bác Vọng Ba: Lưu Bị lao ra, cầm song kiếm đánh tay đôi với Hạ Hầu Đôn một hồi. Sau đó, vì phải diễn theo đúng kế của quân sư, nên Lưu Bị giả thua bỏ chạy thục mạng”.
Trong khi đó, sử sách có hai cách ghi lại vũ khí của Lưu Bị, một là dùng đao, hai là dùng kích.
Lưu bị dùng đao. Theo sử liệu năm 208, khi Tào Tháo mang quân đánh chiếm Kinh Châu. Lưu Tông quyết định đầu hàng Tào Tháo nhưng không dám báo ý định này cho Lưu Bị biết. Tào Tháo tiếp nhận thư hàng của Lưu Tông, liền thúc quân tiến vào Uyển Thành thuộc quận Nam Dương. Lúc đó Lưu Tông mới sai Tống Trung sang Phàn Thành báo cho Lưu Bị biết.
Lưu Bị giận dữ rút đao chỉ thẳng vào Tống Trung nói: “Nay cắt đầu ngươi, không đủ để giải nỗi căm phẫn, cũng hổ thẹn đại trượng phu sắp chia tay lại phải giết quân thần!”.
Lưu Bị dùng kích. Trong Triệu Vân biệt truyện có viết: “Bất chấp nguy hiểm Triệu Vân một mình cứu chủ qua lại trong trận địa nhiều lần, có người nói Triệu Vân đầu hàng, Lưu Bị không tin, tiên chủ dùng thủ kích viết: Tử Long không bỏ ta đi".
Triệu Vân tên tự là Tử Long, cây “thủ kích” được nói đến có thể là đồ trang sức cũng có thể là vũ khí.
Sự kiện này diễn ra vào lúc Lưu Bị giao tranh với Tào Tháo ở Đương Dương, Tràng Bản bị thua lớn, bỏ chạy về phía nam. Quân dân Lưu Bị chạy tan tác. Trong lúc hoảng loạn nhiều người nói Triệu Vân đã bỏ sang hàng Tào nhưng Lưu Bị một mực tin tưởng ông.
Thực ra lúc này, Triệu Vân còn xông pha trận địa, cứu vợ con của Lưu Bị ra khỏi vòng vây. Lưu Bị vô cùng cảm kích, còn những người nghĩ sai về ông rất xấu hổ.
Theo đó, nhiều nhà nghiên cứu nhận định, binh khí của Lưu Bị dùng một là đao, hai là kích, và chắc chắn không phải là song kiếm. Tuy nhiên, việc Lưu Bị thực chất đã dùng binh khí gì vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn. Và do ảnh hưởng từ tiểu thuyết cũng như phim ảnh nên nhiều người đã quen thuộc với hình ảnh Lưu Bị mang song kiếm.
Quốc Tiệp (t/h)