Lý do Qatar bằng mọi giá giành quyền tổ chức World Cup

Thứ 4, 23/11/2022 00:24

Đối với quốc gia sở hữu nguồn khí đốt dồi dào ở vùng Vịnh như Qatar, bóng đá không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, mà còn là một nhân tố không thể thiếu trong chiến lược an ninh quốc gia.

img

Anh đưa phi đội máy bay quân sự tới Qatar hỗ trợ đảm bảo an ninh vùng trời trong suốt thời gian diễn ra World Cup.

Đối với Mariam al-Anezi, công dân Qatar, thường gặp khó khăn khi giải thích với người nước ngoài về nơi mình sinh sống. Cô nói với mọi người rằng mình ở một nơi gần Dubai, dù Dubai cách Qatar khoảng 7 giờ lái xe, theo New York Times.

Hiện tại, hàng triệu cổ động viên trên khắp thế giới đã và đang tới Qatar để xem World Cup 2022. Al-Anezi đi bộ trên con phố ở thủ đô Doha, gặp gỡ những người nước ngoài đến từ châu Âu hay Ấn Độ. Cô cảm nhận thấy niềm tự hào khi đất nước được biết tới trên trường quốc tế.

“Mọi người bây giờ đã biết tới Doha nhiều hơn”, al-Anezi, 35 tuổi, nói. “Những người tới đây và có những trải nghiệm thực tế ở Qatar sẽ đưa ra đánh giá chân thực nhất”.

Trong hàng thập kỷ qua, Qatar đã đổ hàng tỉ USD vào thể thao quốc tế, mua các câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng, tài trợ cho các giải đấu, tổ chức giải đấu tầm cỡ.

Chiến lược này không chỉ đơn thuần nhằm kích cầu du lịch, thu hút ngoại tệ, mà còn để củng cố an ninh quốc gia và giúp người dân trên thế giới biết Qatar ở đâu trên bản đồ thế giới.

World Cup 2022 đã bắt đầu khởi tranh ở Qatar từ ngày 20/11. Quốc gia với dân số chưa tới 3 triệu đã có 12 năm chuẩn bị cho World Cup và chi số tiền hơn 200 tỉ USD, con số chưa từng có trong các kỳ World Cup.

Với hơn một triệu du khách dự kiến tới Qatar trong những tuần tới, đặc biệt khi giải đấu trở nên hấp dẫn hơn nhờ các đội bóng lớn thi đấu, hoàng gia Qatar đã biến quốc gia Hồi giáo bảo thủ trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu. Chiến lược được tài trợ bởi nguồn khí đốt tự nhiên với trữ lượng hàng đầu thế giới.

Ở vùng Vịnh hiện nay, có những lời kêu gọi về việc thúc đẩy thể thao trong cộng đồng cư dân, đối phó với tình trạng béo phì và tiểu đường ở trẻ em.

Mua một câu lạc bộ bóng đá cũng mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani là người sở hữu câu lạc bộ Paris Saint German, một trong những câu lạc bộ bóng đá hàng đầu thế với các tên tuổi nổi tiếng thi đấu như Neymar, Messi và Mbappe.

Bóng đá được nhiều cổ động viên trên thế giới yêu thích, trở thành phương tiện hoàn hảo để hoàng gia Qatar nâng cao vị thế quốc gia.

Simon Chadwick, giáo sư thể thao và kinh tế địa chính trị tại trường kinh doanh Skema, nói: “Qatar tổ chức World Cup là một phần trong chiến lược an ninh quốc gia và củng cố vị thế của đất nước”.

Khi Qatar giành quyền đăng cai World Cup cách đây hơn 10 năm, quốc gia này không có bất cứ điểm nhấn nào. Giờ đây, Qatar sở hữu sân bay quốc tế Doha - một trong những trạm trung chuyển hàng đầu của ngành hàng không thế giới, Mỹ đặt căn cứ quân sự lớn nhất Trung Đông ở Qatar và quốc gia này cũng sở hữu Al-Jazeera, một trong những đài truyền hình đang ngày càng mở rộng tầm phủ sóng trên thế giới.

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Carnegie, chi nhánh ở Trung Đông, Qatar đã từng bước thực hiện chiến lược từ đầu những năm 1990, sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh.

img

Al Udeid ở Qatar là căn cứ quân sự lớn nhất binh sĩ đồn trú ở Trung Đông.

Các nhà lãnh đạo Qatar nhận ra rằng, quốc gia nhỏ bé sở hữu tài nguyên dồi dào nhưng vây quanh là các nước đối thủ mạnh mẽ hơn nhiều, có thể sẽ chịu chung số phận như Kuwait – đó là bị nước lớn hơn xâm lược.

Sau khi lên nắm quyền năm 1995, quốc vương Qatar khi đó là Hamad bin Khalifa Al Thani đã cụ thể hóa các chiến lược bằng hành động.

Năm 1996, ông đạt thỏa thuận với Mỹ về việc xây căn cứ quân sự cho các lực lượng Mỹ đồn trú. Sau này, căn cứ không quân Al-Udeid trở thành căn cứ lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông.

Hoàng gia Qatar đầu tư một lượng lớn tiền của vào các công ty nổi tiếng trên thế giới như Shell, Porsche… Năm 2010, quốc vương Hamad là người đã đi đầu trong các nỗ lực để Qatar giành quyền đăng cai World Cup.

Liên kết với cộng đồng quốc tế là cách để Qatar giảm bớt các mối đe dọa từ các nước láng giềng, Danyel Reiche, phó giáo sư tại Đại học Georgetown ở Qatar, người chuyên nghiên cứu về thể thao chính trị, nói.

Ở Trung Đông, hai thế lực mạnh nhất luôn so kè nhau là Ả Rập Saudi và Iran. Qatar dĩ nhiên muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với cả hai nước này.

Nhưng không có gì đảm bảo về một mối quan hệ ổn định vĩnh viễn. Năm 2017, Ả Rập Saudi và các đồng minh gồm UAE, Bahrain, Ai Cập đồng loạt cắt quan hệ ngoại giao, ngừng giao thương với Qatar, cáo buộc Doha can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này và tài trợ khủng bố.

Qatar được Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hậu thuẫn, bác bỏ các cáo buộc và không chịu khuất phục trước sức ép. Đến đầu năm ngoái, Ả Rập Saudi cùng các quốc gia Ả Rập khác chính thức thông báo dỡ bỏ các hạn chế và ngừng tẩy chay Qatar.

Thông qua đầu tư số tiền khổng lồ giúp câu lạc PSG ở Paris trở thành một trong những câu lạc bộ bóng đá lớn nhất thế giới, Qatar đã có được sự ủng hộ của Pháp trong cuộc khủng hoảng ngoại giao với các nước láng giềng. 

Tháng 7/2017, Ngoại trưởng Pháp khi đó là Jean-Yves Le Drian có chuyến thăm Qatar, khẳng định sự ủng hộ của Pháp với quốc gia vùng Vịnh. Ông Drian bày tỏ quan điểm rằng Pháp sẵn sàng đóng vai trò trung gian châm dứt mâu thuẫn giữa Qatar và các nước láng giềng.

img

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia đảm bảo an ninh trong suốt giai đoạn Qatar tổ chức World Cup.

Đối với Anh, Qatar đầu tư số tiền không nhỏ, thúc đẩy sự phát triển ngành bất động sản ở Anh. Qatar mua làng Olympic London 2012, sau đó cải tạo thành các căn hộ cao cấp. Qatar cũng là nhà tài trợ đầu tiên cho sự kiện đua ngựa Royal Ascot ở Anh vào năm 2014.

Tương tự như Pháp, trong cuộc khủng hoảng ngoại giao năm 2017, Anh đã đứng về phía Qatar và kêu gọi các quốc gia vùng Vịnh hạ nhiệt căng thẳng. Tháng 10/2022, Anh đã điều phi đội chiến đấu cơ sang căn cứ quân sự ở Qatar với mục đích hỗ trợ đảm bảo an ninh cho quốc gia này trong suốt thời gian tổ chức World Cup.

Qatar hiểu rằng nếu nước này bị tấn công, các nguồn đầu tư ở Pháp và Anh sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến London và Paris. Từ đó, Pháp và Anh có trách nhiệm lên tiếng ủng hộ Qatar cả bằng lời nói và hành động.

Hôm 20/10/2022, các binh sĩ lục quân và hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tới Qatar nhằm đảo bảo rằng đồng minh vùng Vịnh sẽ tổ chức một kỳ World Cup an toàn và thành công. Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar, Mustafa Goksu đón chào các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch "Lá chắn World Cup". Thổ Nhĩ Kỳ luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Qatar vì sự thành công của World Cup", đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Doha cho biết.

Một số nhà quan sát cho rằng, World Cup 2022 và các hoạt động đầu tư về thể thao của Qatar đã góp phần không nhỏ khiến các quốc gia vùng Vịnh thay đổi thái độ, ngừng phong tỏa và cấm vận.

img

Quốc vương Qatar (giữa) duy trì ảnh hưởng đáng kể ở Pháp nhờ sự đầu tư không nhỏ vào câu lạc bộ bóng đá PSG.

Sau những nỗ lực tước quyền đăng cai của Qatar nhưng không thành, các quốc gia vùng Vịnh đã phải nối lại quan hệ với Qatar để thu hút nguồn thu khổng lồ mà giải đấu đem lại cho khu vực.

Trước khi World Cup 2022 khởi tranh, Ả Rập Saudi và UAE đã thông báo miễn visa cho các cổ động viên có thẻ Hayya mà Qatar phê duyệt, bất kể các cổ động viên này đã từng nhập cảnh vào Qatar hay chưa.

Thẻ Hayya có chứa mã định danh được chính phủ Qatar cấp cho những cổ động viên đã mua vé xem các trận đấu tại World Cup. Ả Rập Saudi hay UAE kì vọng, các cổ động viên cũng có thể sang hai quốc gia này du lịch và từ đó có thêm nguồn thu.

Khi World Cup kết thúc, Qatar sẽ cần tính tới những cách mới để nuôi dưỡng tham vọng cải thiện hình ảnh quốc tế và đảm bảo an ninh quốc gia.

Một “chiến lược hậu FIFA” sẽ là điều mà quốc vương Tamim phải tính tới, từ việc cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, cho tới khắc phục tình trạng khan hiếm khí đốt ở châu Âu và hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng xanh của khu vực.

Trước mắt, Qatar vẫn sẽ đầu tư cho thể thao, với việc nước này đăng cai Cúp bóng đá châu Á 2023 và Đại hội thể thao châu Á 2030, theo Viện Carnegie.

________________________

Số tiền khổng lồ hơn 200 tỷ USD được Qatar chi cho World Cup 2022 phần nào làm thay đổi bộ mặt nước này. Qatar đã biến đổi ra sao? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 3 xuất bản sáng sớm ngày 24.11 trên mục Thế giới.

Đăng Nguyễn - Tổng hợp

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.