Mắc bệnh thời hiện đại, nhiều người tự tử bằng cách... rơi tự do

Mắc bệnh thời hiện đại, nhiều người tự tử bằng cách... rơi tự do

Thứ 6, 16/08/2013 | 13:53
0
Chỉ trong vài ngày qua, hàng loạt vụ tự tử nhảy lầu, nhảy cầu..., gây rúng động dư luận. Điều đáng nói, những nạn nhân chọn cách... rơi tự do để tìm đến cái chết này có tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã sớm mắc những chứng bệnh của xã hội hiện đại: Trầm cảm, tự kỷ...

Hai ngày, bốn vụ tự tử đau lòng

Thông tin về vụ tự tử ngày 11/8 của nam thanh niên P.V.K. (SN 1989, ngụ huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) nhảy từ tầng 9 trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tử vong ngay tại chỗ chưa kịp lắng xuống thì ngày 12/8, tại khu chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nam thanh niên Vương Quốc N. (SN 1991, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) nhảy từ tầng thứ 16 của tòa nhà xuống đất, trước sự chứng kiến của hàng trăm người.

Xã hội - Mắc bệnh thời hiện đại, nhiều người tự tử bằng cách... rơi tự do

Hàng loạt vụ tự tử khiến dư luận bàng hoàng, đau xót

Cả hai vụ tự tử kinh hoàng này đều bắt nguồn từ nguyên nhân của chứng trầm cảm, có biểu hiện tự kỷ. Trong đó, Vương Quốc N. trong mắt của những người hàng xóm là một thanh niên ngoan ngoãn, từng học rất giỏi nhưng không hiểu vì lý do gì mà chỉ học hết cấp 2 thì N. nhất định không đi học nữa. Còn rất trẻ nhưng N. không hề có bạn, suốt ngày chỉ chơi với đồ chơi siêu nhân của trẻ con. Khoảng nửa tiếng đồng hồ trước khi xảy ra vụ việc đau lòng, N. còn trả lời hàng xóm rằng buồn quá nên không muốn ăn cơm. Có lẽ vì nỗi buồn, nỗi cô đơn thăm thẳm trong lòng, mà N. đã tìm lên tầng cao nhất của chung cư và gieo mình xuống như một sự giải thoát.

P.V.K. lại ở trong một trạng thái tâm lý bi quan, bế tắc khác. Người nhà của K. cho hay, K. đã tốt nghiệp ĐH Công nghiệp TP.HCM năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa xin được việc. Ngoài ra, K. còn có dấu hiệu mắc bệnh trầm cảm, có những biểu hiện bất thường trong sinh hoạt: Người thường ủ rũ, mệt mỏi, nhiều lúc hay ngồi lặng một mình. Lo lắng cho tương lai của con nên gia đình bắt K. từ quê (tỉnh Bến Tre) lên TP.HCM chữa bệnh.

Thời gian này, K. vẫn đang điều trị bệnh trầm cảm tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5). Trước ngày tự tử, K. xin phép bác sỹ được ra ngoài có việc riêng. Khoảng 8h30 ngày 11/8, K. tới trường ĐH Công nghiệp, đi lang thang trong sân trường, vừa đi vừa hát. Chỉ 10 phút sau, K. gieo mình xuống đất từ tầng 9, trước sự chứng kiến và ánh mắt kinh hoàng của các sinh viên trong trường.

Xã hội - Mắc bệnh thời hiện đại, nhiều người tự tử bằng cách... rơi tự do (Hình 2).

 Hiện trường vụ tự tử của nam thanh niên P.V.K. nhảy từ tầng 9 trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Cũng trong ngày 12/8, tại TP.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), nhiều người dân bàng hoàng khi chứng kiến cảnh một người phụ nữ đi xe máy tới cầu Hùng Vương, bắc qua sông Đà Rằng thẳng tay bế đứa con (3 tuổi) ném xuống sông giữa dòng nước chảy xiết rồi lao theo. Thông tin từ cơ quan chức năng, người phụ nữ này tên là Nguyễn Thị Búp S. (SN 1984, ngụ huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Rất may, khi cả hai mẹ con vừa tiếp nước thì có vợ chồng ngư dân đang chèo lưới đánh cá gần đó kịp thời cứu vớt, đưa lên bờ an toàn. Một người thân của chị S. cho biết, nguyên nhân chị ôm con lên cầu tự tử có thể do chị mâu thuẫn với chồng nên tâm lý bất ổn, dẫn đến hành động dại dột.

Chiều ngày 12/8, trên kênh Tàu Hũ, đoạn qua cầu Calmette nối liền quận 4 và quận 1 (TP.HCM), nam thanh niên Đăng Lê V. (SN 1984, ngụ quận 4) điều khiển xe máy chạy lên giữa cầu thì bất ngờ dừng lại rồi nhảy xuống kênh. Khoảng 30 phút sau, thi thể nạn nhân được nhóm người nhái đưa lên bờ, trên đầu còn đội nón bảo hiểm. Kiểm tra người nạn nhân, cơ quan chức năng phát hiện nhiều ống kim tiêm. Nguyên nhân ban đầu được xác định, khoảng 16h30, lực lượng tuần tra quận 4 đi qua khu vực Bến Vân Đồn (Q.4) phát hiện V. có dấu hiệu sử dụng ma túy nên dừng lại kiểm tra. Phát hiện lực lượng dân phòng tiến tới chỗ mình, V. vội bỏ chạy đến cầu Calmette thì dừng lại nhảy xuống sông và tử vong.

Vì đâu nên nỗi?

Thiếu các chương trình phòng chống tự tử

Nhiều chuyên gia nghiên cứu về các chương trình phòng chống tự tử tại Việt Nam cho biết: Hiện nay, Việt Nam chưa có một hệ thống phòng chống tự tử một cách chuyên nghiệp, cũng như chưa có các chương trình đào tạo kỹ năng phòng chống tự tử. Bên cạnh đó, đội ngũ các chuyên gia làm nhiệm vụ giảng dạy, tư vấn cũng vô cùng thiếu. Đây là một thực tế rất đáng báo động tại Việt Nam. Do đó, việc trang bị các hệ thống, chương trình phòng chống tự tử là yêu cầu bức thiết, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều ban, ngành và sự ủng hộ của người dân.

Tiến sĩ Nguyễn Công Thoại, chuyên gia tâm lý (giám đốc công ty Tâm Lý Việt) chia sẻ: "Thực tế cho thấy, con người mang nặng bản năng sống, bản năng tồn tại với xã hội. Thậm chí, trong rất nhiều trường hợp, con người gặp những khó khăn không thể vượt qua hoặc cái chết gần kề nhưng bằng mọi cách con người đều vượt qua được. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người tự tử, vậy nguyên nhân của vấn đề này là do đâu? Tôi cho rằng, nguyên nhân cốt lõi là người tự tử không có kỹ năng để vượt khó khăn, không biết cách khắc phục khó khăn đang gặp phải... Ngoài ra, thực trạng xã hội, điều kiện gia đình, các mối quan hệ cá nhân... cũng là một trong những nhân tố khiến con người đang gặp khó khăn trong cuộc sống".

Lý giải cho hiện tượng chỉ trong thời gian ngắn, mà xảy ra khá nhiều vụ tự tử nghiêm trọng, trong đó đều chọn cách nhảy từ trên cao xuống mà không phải là cách tự tử khác, GS.TS Vũ Gia Hiến (chuyên gia tâm lý, hội Tâm lý - Giáo dục TP.HCM) cho rằng: "Trong tâm lý có hiện tượng tâm lý lây lan, rất dễ thấy ở tâm lý đám đông và hiện tượng lan truyền cảm xúc. Ngoài ra trong một khoảng thời gian, có thể có nhiều người rơi vào trạng thái tâm lý tự kỷ, trầm cảm, lo buồn... được xem như "bệnh lý tương tự". Khi có một hiện tượng tự tử, nó tạo ra làn sóng kích thích thông qua thông tin truyền thông, báo chí, dư luận đến người khác. Trong đó, nếu tin đó đến với người có tâm trạng tương tự, thì nó "gợi ý" cho hành vi của họ, và dẫn đến có tính chất dây chuyền".

Xã hội - Mắc bệnh thời hiện đại, nhiều người tự tử bằng cách... rơi tự do (Hình 3).

GS.TS Vũ Gia Hiền.

Những vụ tự tử nêu trên đều rơi vào những người tuổi đời còn rất trẻ. Tuy nhiên, họ tự tử không phải vì nông nổi, mà bởi họ sớm mắc chứng bệnh của xã hội hiện đại: Bệnh trầm cảm. GS.TS Vũ Gia Hiền phân tích: "Cuộc sống hiện đại đã buộc con người ta phải khai thác triệt để nội lực cho cuộc sống hàng ngày, trong công việc và sự cạnh tranh. Vì thế nội lực suy giảm, khả năng tự cân bằng, tự điều chỉnh bị giảm tối thiểu. Khi nỗ lực và những dự định của họ không đạt được dễ làm họ thất vọng, rơi vào những khoảng trống tâm lý nguy hiểm. Khi người ta rơi vào khoảng trống tâm lý mà không có sự cảnh tỉnh, lúc đó sẽ xuất hiện tâm lý tìm đến cái chết, như một sự giải thoát khỏi mọi buồn phiền, vô nghĩa trên đời".

Tuy nhiên, GS.TS Vũ Gia Hiền cũng cho rằng, ngoại trừ một số trường hợp cá biệt, chọn cách tự tử từ trên cao với ý nghĩ thử một lần cảm giác được bay tự do trên không, thì hầu hết mọi người không chọn cách tự tử trên cao vì một lý do đặc biệt. Cũng không vì chứng bệnh trầm cảm, tự kỷ mà họ chọn cách tự tử này. Đơn giản vì nhảy từ độ cao của các tòa nhà là lựa chọn của người tự tử nhanh nhất. Vì không phải chuẩn bị công cụ như "thắt cổ", không ghê bằng “tự sát có vũ khí”. Chứng trầm cảm, tự kỷ chỉ khiến con người rơi vào khoảng trống muốn tự tử, còn tự tử bằng "nhảy lầu" là do yếu tố thuận lợi của người muốn tự tử.

Khác với tưởng tượng của nhiều người, tự tử là hành động có thể ngăn chặn và đề phòng. Nhiều chuyên gia cho biết, tự tử là vấn đề có thể phòng tránh được nếu như được phát hiện và can thiệp kịp thời. Nhưng một thực tế đáng cảnh báo là nhiều người chưa có đủ kỹ năng để phát hiện, ngăn chặn ý định này.

Trao đổi với PV, thạc sĩ Hoàng Phương Anh, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề xã hội tại TP.HCM bày tỏ: "Trong rất nhiều trường hợp, người tự tử luôn thể hiện nhiều hành động hoặc bày tỏ bằng lời nói cho những người bên cạnh mình. Một nghiên cứu xã hội học cho thấy cứ 10 người tự tử thì có đến 7 người thể hiện bằng hành động, lời nói cho bạn bè, người thân là mình sắp tự tử. Tuy nhiên, hầu như rất ít người nhận ra được những ám chỉ trên. Chính điều này đã đẩy người có ý định tự tử thực hiện hành vi của mình". 

Áp lực xã hội dễ khiến con người có những hành động dại dột

Càng ngày con người càng dễ rơi vào khủng hoảng và những sang chấn tâm lý tiềm ẩn nguy cơ tự tử cao. Hàng loạt các vụ tự tử diễn ra trong thời gian gần đây khiến chúng ta không khỏi giật mình trước những bế tắc của xã hội hiện đại.

Đó là ý kiến nhận định của nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Ở góc độ tâm lý, tiến sĩ Nguyễn Công Thoại cho rằng: "Không thể phủ nhận áp lực từ xã hội ngày càng nặng nề. Mỗi ngày con người phải "quay cuồng" với đủ mọi lo toan trong cuộc sống. Thêm vào đó là căng thẳng đến từ bên ngoài như giao thông, giá cả, những mối quan hệ phức tạp ngoài xã hội..., khiến thần kinh chúng ta lúc nào cũng "căng như dây đàn". Chúng ta đang sống trong một xã hội cởi mở, thỏa sức thể hiện mình, có thể kết nối giao lưu với mọi người trên khắp hành tinh. Nhưng dường như cuộc sống của ai cũng bận rộn với những mối quan tâm cá nhân. Ngay cả trong gia đình, những bữa cơm chung giữa các thành viên, để có thể trò chuyện, tâm tình chia sẻ cùng nhau cũng không có, thì ai có đủ thời gian để lắng nghe tâm tư của một ai đó. Điều này khiến con người đôi lúc ở trong trạng thái cô đơn, bơ vơ, dù đi giữa muôn người".

Trong tất cả những bất ổn do xã hội mang lại, bất ổn về kinh tế dễ khiến con người rơi vào trạng thái trầm cảm và nảy sinh những mâu thuẫn, buồn lo khác. Hẳn chúng ta còn nhớ cách đây không lâu, anh Thành Xuân Th. (25 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận) đã tẩm xăng tự thiêu trước cổng một công ty giới thiệu việc làm ở TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Từ quê vào Đồng Nai kiếm việc làm, anh Th. đã thông qua công ty giới thiệu việc làm này xin việc, nhưng không được như ý muốn. Cùng quẫn vì không thể tay trắng về quê, không thể ngày này qua ngày khác ngồi chờ việc, trong khi bản thân không có tiền, anh Th. đã chọn cách tự tử đau lòng.

Nhắc lại câu chuyện này, thạc sỹ Nguyễn Ngọc Anh (chuyên viên nghiên cứu xã hội học tại TP.HCM) nhấn mạnh tới yếu tố kinh tế trong khoảng thời gian cả thế giới đang lâm vào khủng hoảng về kinh tế, giá cả thị trường thì bấp bênh. Trong hoàn cảnh này, con người phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, nguy cơ vỡ nợ, nguy cơ bị cô lập, lòng tự trọng bị tổn thương...

Luật sư Phạm Văn Phúc (căn phòng Tư vấn luật Phúc & Đồng sự) cho hay: "Con người hiện đang phải đối mặt với nhiều chuyển biến phức tạp của xã hội. Trong đó, các yếu tố về cộng đồng, nhà trường, nơi sinh sống... là một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất. Bên cạnh những yếu tố tích cực thì có quá nhiều thông tin tiêu cực đã tạo ra cho con người, nhất là người trẻ có những đánh giá, nhìn nhận bi quan về cuộc sống. Khi gặp khó khăn, trở ngại trong cuộc sống sẽ dễ khiến con người tìm đến cái chết, thay vì tìm cách cân bằng tâm lý, hoặc giải quyết khó khăn của mình. Vì vậy, xã hội cần phải quan tâm, tìm hiểu, tạo điều kiện tốt để con người hoàn thiện những kỹ năng ứng phó với cuộc sống để có thể đương đầu, vượt qua được những khó khăn, trở ngại. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước cần phải ban hành những quy định, dự thảo về việc cần có những cảnh báo tự tử ở những nơi công cộng, những chỉ dẫn phát hiện những hành vi của người có ý định tự tử".

Hương Lam - Thanh Nguyễn

Ban tư vấn đạo đức kiến nghị thay trưởng BTC giải V-League

Thứ 6, 16/08/2013 | 09:54
Với lý do BTC giải đã “phớt lờ” những văn bản yêu cầu vào cuộc làm rõ các nghi án tiêu cực ở mùa giải năm nay, Ban tư vấn đạo đức khẳng định sẽ kiến nghị lên VFF, VPF về việc cách chức trưởng BTC giải Trần Duy Ly.

Tiếng khóc bé trai chứng kiến thảm cảnh bố tự vẫn

Thứ 4, 14/08/2013 | 14:46
Những cơn mưa nặng hạt ào ào trút xuống cũng không thể làm vơi bớt đi không khí ngột ngạt, nặng nề tại gia đình chị Nguyễn Thị Th. ở xã Xuân Lôi (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Mấy hôm nay, sau khi chồng chị là anh Hoàng Văn Tr. treo cổ tự vẫn, chị Th. và các con của chị phải đối diện với những điều tiếng không hay từ dư luận.

Bị người yêu cũ hại đời, nữ sinh treo cổ tự vẫn

Thứ 5, 08/08/2013 | 06:24
Không muốn mất người yêu, Lưu hẹn Minh gặp và nói chuyện lần cuối, nhưng tối đó là buổi tối định mệnh đầy oan nghiệt với cả hai.

Bị phát hiện ngoại tình, bạn gái tự vẫn

Thứ 4, 31/07/2013 | 15:26
Em đã biến cảm giác bị phản bội của tôi thành cảm giác có tội của một người bạn trai đã phá hoại đời người yêu mình.

Kí ức kinh hoàng của người vợ bị chồng truy sát rồi tự vẫn

Thứ 3, 16/07/2013 | 10:48
Mặc dù biết chồng có những thay đổi bất ngờ về tính nết nhưng chị Vi Thị L.(SN 1980), trú tại xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cũng đành phải chấp nhận cũng chỉ vì kinh tế gia đình quá túng thiếu.

Đánh hàng xóm nhập viện rồi ra vườn thắt cổ tự vẫn

Thứ 6, 21/06/2013 | 13:33
Không kiềm chế được cơn nóng giận, ông Khải đã ra tay đánh ông Khoái nhập viện trong tình trạng nguy kịch rồi sau đó tìm đến cái chết để giải thoát…

Đầu 'tháng cô hồn', hàng loạt thanh niên tự tử ở Sài Gòn

Thứ 5, 15/08/2013 | 10:12
Chỉ trong vòng hai ngày, hàng loạt vụ tự sát khiến ba thanh niên tử vong liên tiếp xảy ra trên địa bàn TP HCM đã gây xôn xao dư luận.

Nổ súng tự tử trong bệnh viện sau khi vợ sinh con

Thứ 4, 14/08/2013 | 11:01
Một ông ở Houston nổ súng tự tử trong bệnh viện vào chiều ngày Chủ nhật, chỉ ít giờ sau khi bà vợ sinh con. Các giới chức y tế quận Harris cho biết ông này tên là Michael Carl Nobles.