Thời điểm này, mận hậu, mận cơm hay đã hết mùa nhưng trên thị trường lại xuất hiện loại mận “siêu to khổng lồ”, to gấp 3-4 lần mận hậu được bày bán với giá từ 50-120 nghìn đồng/kg.
Đi dọc tuyến đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội), không khó để bắt gặp hàng chục chiếc xe thồ bày bán những quả mận màu tím đỏ đẹp mắt kèm với biển quảng cáo “mận tím Sa Pa”.
Mận tím được bày bán trên xe thồ dọc đường Nguyễn Xiển.
Dừng xe lại hỏi, một người bán mận cho biết, đây là mận Sa Pa, quả tím thì ăn ngọt, quả đỏ thì 7 phần ngọt, 3 phần chua, giá bán là 50 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, khi hỏi loại mận này trồng ở địa chỉ nào của Sa Pa thì người này không trả lời được.
Tiếp tục di chuyển sang tuyến đường Đại lộ Thăng Long, thuộc địa phận huyện Hoài Đức (Hà Nội), cũng không khó để bắt gặp những chiếc xe tải và xe thồ xếp la liệt các loại hoa quả với biển quảng cáo như “mận Sa Pa”, “nho Ninh Thuận”.
Những sạp bán mận tím di động dọc đường Đại lộ Thăng Long.
Thấy biển báo ghi giá 12K bên cạnh chiếc xe tải chất đầy mận, phóng viên dừng lại hỏi thì được biết, giá bán thực sự của loại mận này là 120 nghìn đồng/kg. “Nó là đặc sản Sa Pa mà, đặc sản thì phải đắt chứ! Ăn đi, ngọt lắm”, người bán mời chào.
Cùng một loại mận nhưng chỉ trong bán kính 10km đã có sự chênh lệch lên tới 70 nghìn đồng/kg.
Nhìn kỹ, chiếc biển ghi giá mận là 12K/lạng, tức là 120 nghìn đồng/kg.
Với màu sắc đẹp, bắt mắt, kích thước lớn, chỉ từ 6-7 quả/kg, mận tím khi bổ ra có lớp thịt màu vàng khá bắt mắt. Tuy nhiên, khi ăn thử, cả 2 loại mận này đều có vị chua dôn dốt giống hệt nhau, không hề ngọt như quảng cáo. Đặc biệt, loại mận này cũng không có mùi thơm hay hậu vị ngọt như mận hậu.
Tại chợ đầu mối phía Tây Hà Nội, mận tím cũng được bán buôn từng thùng, nặng từ 15-18kg/thùng với giá chỉ từ 20-25 nghìn đồng/kg. Khi được hỏi về nguồn gốc loại mận này, chị Hoa, tiểu thương ở đây cho biết, toàn bộ mận tím là hàng Trung Quốc, giá nhập rất rẻ nhưng nhiều nhập về bán lẻ, gắn mác đặc sản Sa Pa để bán với giá “cắt cổ” nhằm kiếm lời.
Loại mận này có kích thước khá lớn, chỉ từ 6-8 quả/kg.
“Giờ này mận Việt hết mua rồi, chỉ còn mận Trung Quốc thôi. Mận Việt Nam nhìn cái biết ngay vì quả nhỏ hơn, có phấn trắng bên ngoài, ăn giòn, thơm và có hậu vị ngọt. Mùa mận Việt Nam hết từ 2 tháng trước. Dân buôn hoa quả nhìn cái là biết ngay”, chị Hoa nói.
Tương tự, là người chuyên bán trái cây theo mùa, chị Vũ Thanh Phượng, trú tại Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội) khẳng định, mận tím này chắc chắn là hàng Trung Quốc, không phải hàng Lào Cai.
Ngoài mận tím, trên thị trường, các loại hoa quả, rau củ có nguồn gốc Trung Quốc đang được bày bán với giá khá rẻ như nho sữa chỉ từ 89.000 đồng/kg; nho đỏ, nho tím, nho xanh chỉ từ 50 nghìn đồng/kg; lê đường chỉ 20 nghìn đồng/kg; hồng giòn từ 15-20 nghìn đồng/kg; lựu Mông Tự chỉ từ 20-25 nghìn đồng/kg…
Tại chợ đầu mối, giá mận này chỉ từ 20-25 nghìn đồng/kg.
Báo cáo sơ bộ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, ước tính giá trị nhập khẩu rau quả trong tháng 9 đạt hơn 204 triệu USD, tăng 63,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, cập nhật đến tháng 8, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp rau quả lớn nhất của Việt Nam với giá trị gần 473 triệu USD, tăng 74% so với 8 tháng đầu năm 2021, chiếm gần 38% thị phần.
Hồng Cảnh