Mạo danh người nổi tiếng lừa tiền sẽ đối mặt với hình phạt nào?

Mạo danh người nổi tiếng lừa tiền sẽ đối mặt với hình phạt nào?

Đinh Lạc Thành

Đinh Lạc Thành

Chủ nhật, 27/03/2022 07:00

Mới đây, ca sĩ Đức Phúc, Hoa hậu Đỗ Thị Hà, Trà Ngọc Hằng đã bị lừa, thậm chí số tiền lên đến 500 triệu với cùng một chiêu thức khiến ai nấy đều hoang mang...

Mới đây, ca sĩ Đức Phúc đã lên tiếng chia sẻ về việc mình đã bị nhóm đối tượng giả danh 2 người bạn là Nguyễn Minh Hải (bạn trai cũ Hòa Minzy) và Erik lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 32 triệu đồng. Toàn bộ kịch bản đều được trao đổi thông qua tin nhắn Viber và nam ca sĩ bị "sập bẫy".

Góc nhìn luật gia - Mạo danh người nổi tiếng lừa tiền sẽ đối mặt với hình phạt nào?

Kẻ gian tạo tài khoản giả mạo danh anh Nguyễn Minh Hải và ca sĩ Erik để lừa Đức Phúc.

Đức Phúc cho biết: "Nhìn nhận lại sự việc thì Phúc thấy rằng, trách các đối tượng lừa đảo thì Phúc cũng sẽ phải tự trách bản thân mình nhiều hơn vì đã quá tin người và chủ quan không kiểm tra kĩ lại toàn bộ thông tin trước khi hành động. Đây sẽ là một bài học đắt giá để Phúc rút kinh nghiệm, cẩn trọng hơn từ nay về sau".

Đức Phúc cho rằng, đối tượng cũng tìm hiểu về mình và những người bạn của mình rất kỹ mới có thể nắm nhiều thông tin đến vậy, chứ không đơn thuần chỉ là nói chuyện rồi lừa đảo. Đối tượng đã gọi rồi tắt để tạo ra những cuộc gọi nhỡ làm tăng thêm độ tin cậy nhưng khi Đức Phúc gọi lại thì không nghe máy. 

Vụ việc đã được Đức Phúc trình báo với Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.Thủ Đức, nơi anh đang cư trú về vụ việc trên và mong mọi người nên cẩn trọng hơn vì các hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi.

Ngay sau câu chuyện của Đức Phúc, diễn viên Trà Ngọc Hằng cũng chia sẻ và cho biết bản thân đã gặp phải trường hợp tương tự, số tiền bị lừa mất lên đến 500 triệu đồng. Cô cũng đã trình báo công an và vẫn đang chờ kết quả. Còn trước đó, bà Phạm Kim Dung cảnh báo mọi người về đối tượng giả mạo mình và Hoa hậu Đỗ Thị Hà thông qua tin nhắn Viber mượn tiền để lừa gạt nhân viên trong công ty chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, chuyên gia Công nghệ thông tin Hoàng Lê Minh (Công ty ZTech) cho hay: "Thời gian gần đây, kẻ xấu có một chiêu thức lừa đảo mới là chuyển từ Facebook sang Zalo, Viber... Để  nạn nhân "sập bẫy" kẻ xấu đã phải mất thời gian tìm hiểu khổ chủ, từ số điện thoại, các mối quan hệ để lập các nick giả và lân la làm quen.

Nghệ sĩ, người nổi tiếng là những người có mối quan hệ rộng, nhiều người biết nên nhiều người đã cả tin, bị kẻ xấu lừa tiền. Quan trọng nhất là để tránh được những bẫy lừa đảo này, mọi người cần thực hiện động tác xác thực lại trước khi chuyển tiền, giao dịch bằng cách gọi điện thoại lại ngay cho chính chủ. Việc xác thực này không mất nhiều thời gian nhưng sẽ giúp cá nhân không bị mất tiền.

Với các ứng dụng như Facebook, Zalo, Viber... đều có các cuộc gọi video, nhưng chúng ta không nên dùng bởi có những kẻ đã tạo những cuộc gọi video giả, rồi nói mạng bị ngắt, yếu nhằm tạo niềm tin cho người chuyển tiền. Nên xác thực bằng điện thoại là tốt nhất".

Góc nhìn luật gia - Mạo danh người nổi tiếng lừa tiền sẽ đối mặt với hình phạt nào? (Hình 2).

Đức Phúc trình báo vụ việc tại Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Thủ Đức.

Nói về câu chuyện pháp lý khi ngưởi nổi tiếng bị lợi dụng chuyển tiền, luật sư Trần Ngọc Hùng (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ với Người Đưa Tin: "Không chỉ người nổi tiếng, nghệ sĩ mà thời gian qua, nhiều cá nhân cũng bị những chiêu lừa đảo này "qua mặt". Mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng với những chiêu thức tinh vi, thủ đoạn nên vẫn có nhiều người "ăn trái đắng", khi tỉnh ra thì mới bị mất số tiền lớn mà khi điều tra cũng khó lấy lại số tiền đã mất.

Bởi điều này phụ thuộc nhiều vào sự tinh thông nghiệp vụ của cơ quan an ninh mạng, công an công nghệ cao cũng như những cá nhân được phân công tiếp nhận điều tra. Nếu như cơ quan công an có sự quyết tâm cao thì cũng sẽ phát hiện được ra vì hầu hết đều là cá nhân ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc này phải có thời gian và cũng phải dùng nhiều kỹ năng để phá án, nhất là nhiều đối tượng đã sử dụng các công nghệ cao để lừa".

Theo luật sư Ngọc Hùng, khi chiếm đoạt tài sản dưới 2 triệu và không thuộc một trong các trường hợp đặc biệt, người thực hiện hành vi lừa đảo sẽ bị phạt hành chính.

Mức phạt hành chính với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác là phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP)

Người thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tùy vào số tiền chiếm đoạt cũng như các tình tiết liên quan, người thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng có thể bị áp dụng mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân trong các trường hợp: Như chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.