Mặt trận Donbass khó khăn, xung đột Nga-Ukraine bước sang giai đoạn 3

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Chủ nhật, 15/05/2022 13:05

Xung đột Nga-Ukraine tròn 80 ngày: Sau khi rút khỏi Kharkiv và Kiev, quân Nga cố gắng giữ vững thành quả của mình ở miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong bài phát biểu vào đêm muộn hôm 14/5, nhận định rằng tình hình ở Donbas, miền Đông đất nước vẫn "rất khó khăn".

"Các lực lượng Nga vẫn đang cố gắng để ít nhất có thể giành được một số chiến thắng", ông Zelensky đưa nhận định khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã tròn 80 ngày.

Tuy nhiên, ông khẳng định người Ukraine sẽ từng bước đánh bật người Nga khỏi đất nước.

Các quan chức Ukraine cho rằng cuộc xung đột đã bước vào "giai đoạn thứ ba", nơi quân Nga cố gắng giữ vững thành quả của mình ở miền Nam và miền Đông đất nước sau khi rút khỏi Kharkiv và Kiev.

Ông Zelensky trước đó, hôm 14/5, đã hội đàm với một phái đoàn gồm các thượng nghị sĩ Mỹ. Nhà lãnh đạo Ukraine đã kêu gọi "chính thức công nhận Nga là một quốc gia tài trợ khủng bố" trong cuộc thảo luận với các nhà lập pháp Mỹ.

Thế giới - Mặt trận Donbass khó khăn, xung đột Nga-Ukraine bước sang giai đoạn 3

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp các thượng nghị sĩ Mỹ tại thủ đô Kiev, ngày 14/5/2022. Ảnh: DW

Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị giúp sơ tán lính Ukraine ở Azovstal bằng đường biển

Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất tiến hành một cuộc sơ tán bằng đường biển đối với những binh sĩ Ukraine bị thương đang mắc kẹt trong nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol, miền Nam Ukraine, người phát ngôn của Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết hôm 14/5.

Ông Ibrahim Kalin nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng ông đã đích thân thảo luận về đề xuất này với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev 2 tuần trước; giờ nó vẫn là một lựa chọn ở “trên bàn” nhưng Moscow chưa đồng ý.

Theo kế hoạch, những người sơ tán khỏi nhà máy thép Azovstal sẽ được đưa bằng đường bộ tới cảng Berdyansk, một trong 2 cảng của Ukraine trên Biển Azov, từ đó một con tàu của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa họ qua Biển Đen đến Istanbul, ông Kalin giải thích.

“Nếu có thể thực hiện việc sơ tán theo phương án trên, chúng tôi rất vui và sẵn sàng giúp đỡ. Trên thực tế, tàu của chúng tôi đã sẵn sàng khởi hành và đưa những người lính bị thương và những thường dân thường khác đến Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Kalin, người đồng thời là cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Erdogan, cho biết.

Ukraine và Nga chưa đưa ra bình luận ngay lập tức về khả năng thực hiện sơ tán bằng đường biển.

Sau nhiều tuần giao tranh, thành phố cảng Mariupol về cơ bản đã nằm trong tay quân Nga, chỉ trừ khu liên hợp cán thép Azovstal nơi hàng trăm binh sĩ Ukraine vẫn đang cầm cự trong hệ thống đường hầm như mê cung bên dưới khu vực này.

Một số người dân trú ẩn trong nhà máy đã được sơ tán đến nơi an toàn trong tháng này với sự giúp đỡ của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và Liên hợp quốc.

Đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bao gồm việc sơ tán những thường dân vẫn còn mắc kẹt ở đó.

Thế giới - Mặt trận Donbass khó khăn, xung đột Nga-Ukraine bước sang giai đoạn 3 (Hình 2).

Bản đồ đánh giá tình hình thực địa trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, tính đến ngày 14/5/2022. Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW). Đồ họa: Al Jazeera

Các cuộc đàm phán phức tạp

Tổng thống Zelensky hôm 14/5 cho biết các cuộc đàm phán phức tạp đang được tiến hành để sơ tán một số lượng lớn binh sĩ Ukraine bị thương khỏi nhà máy thép để đổi lấy việc trả tự do cho các binh sĩ Nga bị bắt.

Phía Nga ngay từ đầu đã yêu cầu các binh sĩ bên trong nhà máy Azovstal đầu hàng và rất ít đề cập công khai về các cuộc đàm phán sơ tán.

Ông Kalin nhận định, quan điểm của Nga được thiết lập dựa trên tình hình an ninh trên thực địa và các động lực khác, các cuộc đàm phán, sự phối hợp nội bộ...

"Vì vậy, đôi khi rất khó để nhận được phản hồi chắc chắn (hoặc) cam kết từ một trong hai bên", ông Kalin cho biết.

Tàu Vsevolod Bobrov của Hải quân Nga ở Biển Đen vẫn nguyên vẹn

Moscow hôm 14/5 đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Kiev rằng Ukraine đã làm hư hại một tàu hậu cần hiện đại của Hải quân Nga ở Biển Đen và công bố các bức ảnh được cho là chụp con tàu đang trong tình trạng nguyên vẹn và không có dấu hiệu bị hư hại gì.

Chính quyền Quân sự khu vực Odessa hôm 12/5 tuyên bố Hải quân Ukraine đã tập kích tàu hậu cần Vsevolod Bobrov của Nga, khiến con tàu này bị hư hại và bốc cháy.

Trong một bài đăng trực tuyến, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố những bức ảnh được cho là chụp con tàu hôm 14/5 tại quân cảng Sevastopol ở Crimea.

"Các bức ảnh cho thấy rõ ràng rằng con tàu không bị hư hại gì cả", Bộ này tuyên bố.

Tháng trước, tàu tuần dương tên lửa Moskva, soái hạm trong Hạm đội Biển Đen của Nga, đã chìm sau khi bốc cháy. Ukraine tuyên bố đã bắn trúng con tàu bằng một tên lửa phóng từ bờ biển trong khi Moscow đổ lỗi cho một vụ nổ kho đạn.

Thế giới - Mặt trận Donbass khó khăn, xung đột Nga-Ukraine bước sang giai đoạn 3 (Hình 3).

Moscow phủ nhận thông tin các lực lượng Ukraine làm hư hại tàu Vsevolod Bobrov của Hải quân Nga ở Biển Đen. Ảnh: Quick Telecast

Tiêm kích cơ Sukhoi Su-27 của Nga tập trận ở Biển Baltic

Các máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27 của Nga đã tham gia diễn tập đẩy lùi một cuộc không kích giả định vào Kaliningrad, vùng lãnh thổ tách rời của Nga trên Biển Baltic, hãng thông tấn Interfax đưa tin hôm 14/5, trích dẫn Hạm đội Biển Baltic Nga.

Cuộc tập trận diễn ra 2 ngày sau khi Phần Lan công bố kế hoạch xin gia nhập NATO, một động thái mà Moscow cho rằng sẽ đe dọa an ninh quốc gia Nga và buộc Moscow phải thực hiện các bước trả đũa.

Bộ phận truyền thông của Hạm đội Biển Baltic Nga cho biết, các tiêm kích cơ Su-27 đã "tiêu diệt" các máy bay của đối thủ mô phỏng trong cuộc tập trận, Interfax đưa tin.

Theo Interfax, hơn 10 phi hành đoàn Su-27 của Hạm đội Biển Baltic đã tham gia cuộc tập trận.

Ông Putin: Phần Lan gia nhập NATO sẽ là "sai lầm"

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14/5 đã nói với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinistö rằng việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ là "một sai lầm".

“Ông Putin nhấn mạnh rằng việc Phần Lan chấm dứt chính sách trung lập quân sự truyền thống sẽ là một sai lầm vì hiện đang không có mối đe dọa nào đối với an ninh của Phần Lan”, Điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố hôm 14/5.

"Sự thay đổi như vậy trong định hướng chính trị của đất nước có thể có tác động tiêu cực đến quan hệ Nga-Phần Lan được phát triển trong nhiều năm trên tinh thần láng giềng tốt và hợp tác song phương", tuyên bố cho biết.

Cuộc điện đàm “do Phần Lan khởi xướng… được đánh giá là trực tiếp và thẳng thắn và được tiến hành mà không làm trầm trọng thêm tình hình. Việc tránh căng thẳng được coi là quan trọng”, ông Niinistö được dẫn lời cho biết trong một tuyên bố do Văn phòng Tổng thống Phần Lan công bố.

Xung đột quân sự Nga - Ukraine đã làm chao đảo dư luận và chính trị ở Phần Lan và nước láng giềng Thụy Điển theo hướng ủng hộ việc trở thành thành viên NATO như một biện pháp răn đe chống lại sự gây hấn của Nga.

Tổng thống Niinistö, người đã liên lạc thường xuyên với Tổng thống Putin trong những năm gần đây, cho biết quốc gia Bắc Âu “muốn giải quyết các câu hỏi thực tế nảy sinh từ việc trở thành một nước láng giềng của Nga một cách chính xác và chuyên nghiệp”.

Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto nhấn mạnh rằng, việc giao tiếp với nước láng giềng là quan trọng, và đó không phải là “xin phép bất kỳ bước đi chính trị nào của mình”.

Các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Phần Lan hôm 15/5 đã bày tỏ ủng hộ việc gia nhập liên minh NATO sau lời kêu gọi gia nhập "không chút trì hoãn" của Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan.

Với đa số ủng hộ của Quốc hội cho động thái này, Phần Lan dự kiến sẽ sớm nộp đơn.

Thế giới - Mặt trận Donbass khó khăn, xung đột Nga-Ukraine bước sang giai đoạn 3 (Hình 4).

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Al Jazeera

Moscow đã tuyên bố coi tư cách thành viên Phần Lan “chắc chắn” là một mối đe dọa, đồng thời cảnh báo rằng họ sẽ “buộc phải thực hiện các biện pháp quân sự - kỹ thuật và các biện pháp khác, để giải quyết các mối đe dọa theo sau”.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin hôm 14/5 cho biết đất nước của bà đã “chuẩn bị cho các loại hành động khác nhau” từ Moscow. Bà nói: “Nhưng không có thông tin nào cho thấy Nga sẽ tiến hành các hành động quân sự chống lại Phần Lan”.

Các quan chức NATO đã từng tuyên bố rằng đơn xin gia nhập của Phần Lan có thể được xử lý một cách suôn sẻ và nhanh chóng.

Tuy nhiên, hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên NATO đầu tiên lên tiếng bày tỏ không ủng hộ Phần Lan gia nhập liên minh này.

Công ty Nga ngừng cấp điện cho Phần Lan

Nhà điều hành lưới điện Phần Lan Fingrid hôm 14/5 cho biết, Nga đã đình chỉ cung cấp điện cho Phần Lan sau khi công ty năng lượng RAO Nordic của họ đe dọa cắt nguồn cung do vấn đề về thanh toán.

Tuy nhiên, Phần Lan - nước chỉ nhập khẩu khoảng 10% điện từ Nga - cho biết sự thiếu hụt đã được bù đắp bởi lượng nhập khẩu từ Thụy Điển.

RAO Nordic cho biết họ đã không được thanh toán tiền điện kể từ ngày 6/5 nhưng vẫn chưa xác định chính xác nếu điều này có liên quan đến các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga.

Minh Đức (Theo DW, Al Jazeera, Reuters, Arab News)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.