Tác chiến điện tử là thế mạnh của Nga, có thể vượt trội hơn NATO.
Các vũ khí mà Mỹ và phương Tây cung cấp cho Ukraine cho đến nay gồm xe tăng, xe bọc thép thiết giáp, pháo tự hành, tên lửa dẫn đường chiến thuật và các tổ hợp phòng không. Phương Tây gần như chưa bao giờ đề cập đến phương án giúp Ukraine cải thiện năng lực tác chiến điện tử, theo báo Anh Economist.
Seth Jones, chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Mỹ, nói về việc Nga đã dành nguồn lực khổng lồ suốt nhiều năm để phát triển và chế tạo hàng loạt các hệ thống tác chiến điện tử uy lực nhằm đối phó mạng lưới liên lạc công nghệ cao của NATO.
Đầu tháng này, Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine, đại tướng Valery Zaluzhny thừa nhận Kiev chỉ sở hữu một số tổ hợp tác chiến điện tử đời cũ và hoàn toàn lép vế trước Nga trong "mặt trận vô hình" này.
Ukraine bắt đầu nhận thấy các vũ khí dẫn đường tấn công kém hiệu quả hơn từ đầu năm nay. Tháng 3/2023, đạn pháo dẫn đường Excalibur do Mỹ cung cấp cho Ukraine bắt đầu bắn trượt mục tiêu vì bị Nga gây nhiễu. Các vũ khí như bom thông minh, đạn tên lửa HIMARS cũng không còn tấn công mục tiêu một cách chính xác như cách đây một năm.
Trong những tháng qua, Nga cũng bắt đầu trang bị hàng loạt hệ thống gây nhiễu cho lực lượng ở tiền tuyến nhằm ngăn chặn máy bay không người lái (UAV) tự sát của Ukraine. Những UAV này bị áp chế tín hiệu liên lạc và hệ thống định vị, dẫn tới tình trạng mất lái và lao xuống đất.
Theo báo Anh, Ukraine đã đào tạo một đội quân gồm 10.000 người, chuyên điều khiển UAV. Các UAV giá rẻ chỉ từ 1.000 USD giúp trang bị hàng loạt cho các lực lượng ở tiền tuyến.
Nhưng đối mặt với mạng lưới tác chiến điện tử của Nga, số lượng UAV mà Ukraine tổn thất có thời điểm lên tới hơn 2.000 UAV/tuần. Các giải pháp chống gây nhiễu hay trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) để UAV tự động tấn công mục tiêu khi người điều khiển mất khả năng kiểm soát hiện chưa thành công.
Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine đã kêu gọi Mỹ và phương Tây hỗ trợ vũ khí công nghệ cao để có thể phá vỡ thế bế tắc.
Ngoài ra, Nga cũng đẩy mạnh sản xuất và trang bị UAV cho lực lượng ở tiền tuyến. Tại một số mặt trận, số lượng UAV mà Nga triển khai được cho là gấp đôi Ukraine. Các mẫu UAV của Nga như Geran-2 hay Lancet đang "làm mưa làm gió" trong xung đột ở Ukraine.
Nga có thể triển khai hàng loạt UAV một phần nhờ mật độ tổ hợp tác chiến điện tử bố trí dọc tiền tuyến. Theo Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), các đơn vị tác chiến điện tử Nga hiện được triển khai theo cấp trung đội, trong đó cứ 10km phòng tuyến lại có một hệ thống chủ chốt và Nga liên tục thay đổi phương án hoạt động. Các hệ thống tác chiến điện tử hoạt động cách tiền tuyến khoảng 6 km và chịu trách nhiệm vô hiệu hóa UAV đối phương.
Một trong những hệ thống uy lực nhất được Nga triển khai ở Ukraine là đài gây nhiễu Shipovnik-Aero. Hệ thống này có thể vô hiệu hóa hai UAV cùng lúc, chiếm quyền điều khiển chỉ trong 25 giây và truy ngược lại nguồn phát tín hiệu điều khiển từ phía Ukraine.
Chuyên gia Seth Jones nhận định, phương Tây hoàn toàn không có động thái giúp tăng cường năng lực tác chiến điện tử. Một phần vì đây là lĩnh vực Nga chiếm ưu thế so với NATO, một phần vì tác chiến điện tử nằm trong diện hạn chế chuyển giao công nghệ và Mỹ không sẵn sàng cung cấp cho Ukraine. Washington luôn lo ngại các công nghệ quân sự hàng đầu có thể rơi vào tay Nga, từ đó giúp Moscow phát triển vũ khí đối phó Mỹ và NATO.
Nico Lange, chuyên gia về Ukraine tại Hội thảo An ninh Munich, cũng cho rằng năng lực tác chiến điện tử của NATO hiện đang thua kém Nga và phương Tây không muốn bộc lộ điểm yếu này. Những thông tin như tần số hoạt động và kỹ thuật tác chiến điện tử của NATO có thể bị Nga thu thập và phân tích, chuyên gia Lange cho biết.
Vũ khí mà Mỹ có thể hỗ trợ, giúp Ukraine cải thiện năng lực trong "mặt trận vô hình" này là các UAV trinh sát tầm xa. UAV hiện đại của Mỹ có thể giúp Kiev thu thập dữ liệu về hoạt động gây nhiễu của Nga và từ đó xây dựng phương pháp đối phó, chuyên gia Lange đề xuất.
Đăng Nguyễn - The Economist