Hải quân Mỹ đang chuyển từ tên lửa chống hạm tàng hình sang mẫu tên lửa chống hạm siêu vượt âm.
Đầu tuần này, hải quân Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 116 triệu USD để tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin và hãng Raytheon phát triển hai mẫu tên lửa chống hạm siêu vượt âm riêng biệt. Các tên lửa được thiết kế để phóng từ chiến đấu cơ của hải quân và được gọi là HALO.
Các nguyên mẫu đầu tiên dự kiến sẽ được chế tạo từ nay cho đến cuối năm 2024. Nếu các thiết kế được đánh giá tin cậy thì quá trình thử nghiệm sẽ được bắt đầu và sau đó là sản xuất đại trà.
Mặc dù có cơ chế giống với tên lửa chống hạm siêu vượt âm Zircon của Nga hay YJ-21 của Trung Quốc, tên lửa siêu vượt âm mới có điểm khác biệt là được được phóng từ máy bay chiến đấu của hải quân. Tiêm kích hạm FA-18E/F và F-35 Lightning là các mẫu máy bay có thể được trang bị tên lửa siêu vượt âm mới.
Hải quân Nga đưa vào biên chế chiến đấu tên lửa chống hạm siêu vượt âm Zircon từ tháng 1/2023.
Để được coi là vũ khí siêu vượt âm, tên lửa cần đạt tốc độ tối đa vượt 6.174 km/giờ. Theo kế hoạch mà hải quân Mỹ đề ra, mẫu tên lửa mới sẽ giống như tên lửa hành trình nhưng được trang bị động cơ đẩy ramjet hoặc scramjet. Tên lửa Zircon của Nga cũng sử dụng loại động cơ này. Hải quân Nga đã đưa tên lửa Zircon vào biên chế chiến đấu từ tháng 1/2023.
Mục tiêu của hải quân Mỹ là sở hữu loại tên lửa đạt tốc độ cực cao, đủ sức xuyên thủng lưới phòng không nhiều lớp của các tàu chiến đối phương. Vũ khí siêu vượt âm phù hợp để tấn công phủ đầu, vô hiệu hóa tàu chiến trước khi đối phương có thể sử dụng vũ khí tấn công đáp trả.
Tên lửa chống hạm siêu vượt âm YJ-21 của Trung Quốc.
Theo kế hoạch, Hải quân Mỹ muốn sở hữu tên lửa chống hạm siêu vượt âm HALO vào năm 2028 nhằm đối phó vũ khí chống hạm và vũ khí phòng không uy lực của Nga và Trung Quốc.
Trước mắt, hải quân Mỹ sẽ nâng cấp các tên lửa chống hạm tàng hình LRASM, trong khi chờ nhận mẫu tên lửa siêu vượt âm hoàn chỉnh, theo tạp chí Popular Mechanic.
Đăng Nguyễn - Popular Mechanic