Xe tăng T-80BVM được đánh giá là chiến đấu hiệu quả trong xung đột ở Ukraine.
Theo trang mạng quốc phòng Nga Zvezda TV, quân đội Nga muốn ngành công nghiệp quốc phòng khôi phục dây chuyền sản xuất hàng loạt xe tăng chủ lực T-80. Quyết định được đưa ra sau khi các xe tăng T-80BVM chứng minh năng lực chiến đấu hiệu quả trong xung đột ở Ukraine.
"Đây là nhiệm vụ mà quân đội đặt ra cho chúng tôi", Alexander Potapov, giám đốc điều hành Uralvagonzavod - nhà sản xuất xe tăng Nga, hôm 10/9 cho biết. "Chúng tôi đang phối hợp với các bên liên quan cho dự án mới".
Các xe tăng T-80 sẽ được Uralvagonzavod sản xuất mới hoàn toàn thay vì nâng cấp từ xe tăng được quân đội Nga cất giữ trong kho dự trữ.
Theo tạp chí Forbes, đây được coi là diễn biến đáng chú ý vì nhà máy chế tạo xe tăng của Uralvagonzavod ở Omsk, vùng Siberia, đã không sản xuất xe tăng T-80 kể từ năm 1991. Uralvagonzavod sẽ phải khôi phục dây chuyền sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng vật tư mới để lắp ráp xe tăng T-80.
Trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, xe tăng T-80 từng bị hoài nghi vì động cơ phản lực có tiếng là hao xăng.
Khi được đưa vào biên chế năm 1976 dưới thời Liên Xô, T-80 trở thành mẫu xe tăng chủ lực đầu tiên trên thế giới được trang bị động cơ turbine phản lực. 3 năm sau, Mỹ công bố mẫu xe tăng M1 Abrams được trang bị động cơ tương tự.
Tháp pháo xe tăng T-80 được sản xuất ở nhà máy của Uralvagonzavod.
Ưu điểm của xe tăng T-80 là sức mạnh động cơ và chỉ cần 3 phút để khởi động, chuyển sang trạng thái chiến đấu thay vì 30 phút như các mẫu xe tăng T-72, T-90 sử dụng động cơ diesel. Xe tăng T-80 lúc tăng tốc phát ra tiếng gầm giống như trực thăng hoặc máy bay phản lực.
Khi mới ra mắt, T-80 được mô tả là mẫu xe tăng đối đầu trực diện với xe tăng NATO trên những bình nguyên rộng lớn ở châu Âu. T-80 đóng vai trò mũi đột kích thọc sâu phòng tuyến đối phương thay vì tác chiến cùng đội hình cơ giới như các mẫu xe tăng T-72 hay T-90.
Hiện chưa rõ Nga có thể sản xuất hàng loạt xe tăng T-80 thuộc phiên bản nào. Phiên bản nâng cấp T-80BVM mới nhất hiện nay được bổ sung hệ thống quang học và điều khiển hỏa lực hiện đại.
Theo Forbes, Uralvagonzavod nhiều khả năng chưa thể khôi phục ngay lập tức dây chuyền sản xuất xe tăng T-80 mà cần thời gian. General Dynamics, nhà sản xuất xe tăng M1 Abrams của Mỹ, hiện cũng chỉ nâng cấp các mẫu Abrams có sẵn trong kho trự trữ. Mỹ đã không sản xuất xe tăng Abrams mới kể từ năm 1996.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ từng công bố báo cáo cho biết, khởi động lại dây chuyền sản xuất xe tăng Abrams sẽ mất tới 56 tháng và tiêu tốn khoảng 1,1 tỷ USD.
Ngành công nghiệp xe tăng Nga không giống với Mỹ, nhưng báo cáo phần nào cho thấy cần thời gian và nguồn lực để khởi động dây chuyền sản xuất xe tăng sau nhiều thập kỷ.
Đăng Nguyễn - Zvezda TV, Forbes