Trang SF thông tin về một đợt tấn công mới của quân đội Nga nhằm vào lực lượng Ukraine. Theo đó, tối 13/5, các tên lửa hành trình của Nga đã được phóng về phía Ivano-Frankivsk, Lviv và Ternopil của Ukraine. Ít nhất 6 máy bay ném bom chiến lược Tu-95 đã cất cánh từ lãnh thổ Nga để hướng tới Ukraine. Được biết, các kho quân sự ở Ternopil đã bị tấn công.
Trước đó, trong đêm 12/5, kho vũ khí của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở gần thị trấn Khmelnitsky đã bị tấn công. Các mục tiêu bị tấn công đã tạo ra một vụ nổ cực lớn, có thể nhìn thấy cách điểm va chạm hàng chục km. Hậu quả là, kho vũ khí của Ukraine đã bị phá hủy hoàn toàn. Theo SF, kho vũ khí bị phá hủy ở Khmelnitsky trị giá khoảng 500 triệu USD.
Kho vũ khí của Ukraine bốc cháy dữ dội sau khi bị tấn công.
Thời gian gần đây, quân đội Nga liên tiếp thực hiện các đợt tấn công. Trang SF thông tin, trong khoảng thời gian từ ngày 4/5 đến 13/5, các nguồn tin tức của Nga đã chia sẻ các video ghi lại 15 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Lancet của Nga. Mục tiêu là các thiết bị quân sự của lực lượng Ukraine trong khu vực hoạt động quân sự đặc biệt.
Các cuộc tấn công chính xác đã phá hủy hoặc làm hư hỏng các thiết bị quân sự gồm: 5 pháo tự hành 2S1 Gvozdika 122 mm do Liên Xô sản xuất, 3 khẩu pháo M777 do Mỹ sản xuất, 2 pháo tự hành M109 do Mỹ sản xuất, một pháo tự hành 2S3 Akatsiya do Liên Xô sản xuất, một pháo tự hành Krab do Ba Lan sản xuất, một xe tăng chiến đấu chủ lực T-64 do Liên Xô sản xuất, một xe chiến đấu BMP-2 do Liên Xô sản xuất, một hệ thống phòng không tầm ngắn Stormer HVM do Anh sản xuất.
Máy bay không người lái cảm tử Lancet được phát triển bởi Tập đoàn ZALA Aero, một công ty con của Tập đoàn khổng lồ Kalashnikov. Công ty sản xuất hai phiên bản máy bay cảm tử Lancet gồm: Izdeliye-52 có thời gian hoạt động 30 phút và đầu đạn nặng 1 kg. Izdeliye-51 lớn hơn có thời gian hoạt động 40 phút và được trang bị đầu đạn nặng 3 kg.
Máy bay không người lái Lancet sẽ bay về khu vực được chỉ định bằng hệ thống quán tính có sự hỗ trợ của GLONASS. Khi đến nơi, người điều khiển sử dụng hệ thống quang điện để phát hiện, theo dõi và khóa mục tiêu. Sau đó, một hệ thống đo phạm vi laser sẽ điều khiển quá trình kích nổ đầu đạn.
Khoảnh khắc máy bay không người lái Lancet khóa mục tiêu và tấn công.
Tiết diện radar nhỏ và tín hiệu hồng ngoại tối thiếu của máy bay không người lái Lancet khiến nó khó bị đánh chặn. Theo Lostarmour.info, một trang web chuyên theo dõi và ghi lại các tổn thất quân sự cho biết, đã có ít nhất 254 cuộc tấn công bằng Lancet kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
HÒA AN (Theo SF, SH)