MB nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng, dự kiến tăng vốn mạnh

Trần Thu Thảo

Trần Thu Thảo

Thứ 5, 07/04/2022 16:33

MB kỳ vọng việc chuyển giao bắt buộc này sẽ mở ra cơ hội tăng tốc từ 1,5 - 2 lần để phát triển quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB, HoSE: MBB) vừa công bố tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên. Theo đó, MB sẽ trình đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay xem xét phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Tên tổ chức tín dụng này không được MB nêu cụ thể trong các dự thảo báo cáo.

Nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng

Theo đó, MB sẽ thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhằm tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém, lành mạnh hóa hoạt động ngành ngân hàng theo hướng an toàn bền vững, trên cơ sở tự nguyện đề xuất từ phía MB và phù hợp quy định pháp luật.

Việc này được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như giúp MB tận dụng các cơ hội tăng trưởng quy mô nhanh chóng so với tốc độ hiện nay, củng cố và nâng hạng vị thế trên thị trường.

4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Đầu tháng 2/2022, Thủ tướng cũng thúc giục triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại hai ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương và tiếp tục xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại cho hai ngân hàng yếu kém còn lại.

MB cho biết đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban triển khai đề án để đánh giá tính khả thi, hiệu quả của phương án tái cơ cấu tổ chức tín dụng và phối hợp các cơ quan thực hiện thủ tục theo quy định. 

Tài chính - Ngân hàng - MB nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng, dự kiến tăng vốn mạnh

Ngân hàng Quân Đội - MB sẽ trình đại hội cổ đông xem xét phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng, sau khi MB nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng thì MB trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc. Tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập với MB. 

MB được áp dụng một số quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật như: MB không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của  tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc; MB được loại trừ tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc khi tính tỉ lệ an toàn vốn hợp nhất; khoản góp vốn vào tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của MB; MB và tổ chức tín dụngđược chuyển giao bắt buộc được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.

MB kỳ vọng sẽ thực hiện thành công phương án này, mở ra cơ hội tăng tốc từ 1,5-2 lần tốc độ phát triển quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới.

Mục tiêu lợi nhuận 20.300 tỷ đồng

Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ năm nay, HĐQT MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với 2021. Trong trường hợp kinh tế vĩ mô diễn biến khó khăn, lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng đạt 19.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với 2021.

Về tăng vốn điều lệ, năm nay ngân hàng trình ĐHĐCĐ kế hoạch tăng vốn thêm 9.100 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 46.882 tỷ đồng.

Cụ thể, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thông qua năm 2021, gồm phát hành cổ phiếu riêng lẻ 70 triệu cổ phần cho Viettel, phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP. 

Ngoài ra, MB sẽ phát hành 755,6 triệu cổ phần để chia cổ tức với tỉ lệ 20% bằng cổ phiếu. Đây là cổ phiếu phổ thông phát hành cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng.

Nhà băng này cũng dự kiến chào bán riêng lẻ 65 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính, có năng lực kinh doanh, công nghệ, có thể hợp tác phát triển các hoạt động kinh doanh phù hợp chiến lược của MB.

Nếu phát hành thành công, số vốn tăng thêm là 8.206 tỷ đồng. Với số vốn này, ngân hàng sẽ dùng 5.811 tỷ đồng đều đầu tư năng lực, bao gồm đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư trụ sở của MB tại khu vực Tp.HCM và đầu tư khác cần thiết cho việc ổn định phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Ngoài ra, 3.288 tỷ đồng còn lại, ngân hàng sẽ dùng để bổ sung vốn đầu tư kinh doanh.

Trong báo cáo phân tích mới đây, SSI Research cho rằng, MB sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Các chuyên gia phân tích ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 của MB có thể đạt 22.300 tỷ đồng.

Cùng với đó, theo SSI Research, CASA của ngân hàng vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng nhưng MB có thể tăng huy động vốn dài hạn để duy trì tỉ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn ở mức tốt hơn. Do đó, chi phí vốn có thể sẽ tăng lên 2,8%.

Về kết quả kinh doanh, năm 2021, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng và lãi từ dịch vụ của MB lần lượt tăng 29% và 22% lên tương ứng 26.200 tỷ đồng và gần 4.370 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động bán chéo bảo hiểm làm ăn tốt mang về cho nhà băng khoản thu tăng hơn 40% lên 8.386 tỷ đồng, đóng góp chủ yếu cho doanh thu mảng dịch vụ.

Lãi từ ngoại hối và mua bán chứng khoán kinh doanh đầu tư cũng tăng trưởng tốt ở mức 70-75%. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hoạt động thu hồi nợ cũng giúp MB ghi nhận khoản lãi khác gần gấp đôi năm ngoái, đạt 3.254 tỷ đồng.

Cả năm, tổng thu nhập hoạt động của nhà băng tăng 35% trong khi trích chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tăng lần lượt 17% và 31% so với năm ngoái. MB lãi trước thuế 16.527 tỷ đồng, tăng 55% so với năm ngoái.

Với kết quả này, MB sẽ là á quân lợi nhuận nhóm ngân hàng tư nhân, chỉ sau Techcombank.

Cuộc đua lợi nhuận ngân hàng năm 2021, ai giữ ngôi vương?

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.