Thấy bánh chưng là thấy Tết! Vậy nên người Việt dù ở đâu, làm gì, vẫn luôn mong ngóng được trở về quây quần bên gia đình. Từ ngàn đời nay, bánh chưng trong mâm cỗ ngày Tết mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Không chỉ thế, bánh chưng ngày Tết còn được bày lên bàn thờ cúng để thể hiện lòng hiếu kính của con cháu với tổ tiên cùng những người đã khuất. Bánh chưng cũng là món quà biếu Tết ý nghĩa mà người Việt thường dùng để đi biếu người quen, họ hàng.
Theo quan niệm từ thời xa xưa, bánh chưng có hình vuông, tượng trưng cho đất. Loại bánh này được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt, tiêu… Tất cả được bọc trong lớp lá dong xanh mướt và được buộc chặt bằng những sợi lạt mềm dẻo với tạo hình vuông vức, nhìn rất đẹp mắt.
Để có được một chiếc bánh chưng ngon thì lá dong và các nguyên liệu là yếu tố quan trọng nhất. Nếu bạn vẫn chưa biết cách chọn nguyên liệu làm bánh ngon thì bỏ túi mẹo hay sau đây:
Chọn lá dong xanh đẹp
Bí quyết đầu tiên giúp bạn luộc bánh chưng xanh và ngon là cách chọn lá dong. Vì vậy bạn nên chọn lá dong không to quá cũng không nhỏ quá. Lá dong không non quá mà cũng đừng già quá. Nhìn lá bóng, xanh đậm, cuống nhỏ.
Lá dong để gói bánh chưng nên chọn lá bánh tẻ (không quá già hoặc quá non), khổ lá rộng vừa phải, mỗi bánh chưng chọn 4 chiếc lá để gói.
Trước khi gói bánh chưng, cần ngâm lá dong vào một chiếc chậu to khoảng từ 30 đến 45 phút. Tiếp đó, dùng khăn mềm để cọ rửa cả hai mặt lá dong cho sạch. Sau khi rửa lá xong, dựng lá lên cho ráo nước rồi dùng khăn sạch lau lá thật khô. Khi gói bánh, mọi người hãy dùng dao sắc để cắt bớt gân lá như vậy lá sẽ mềm hơn và dễ gói hơn.
Chọn gạo nếp thơm gói bánh chưng
Gạo nếp để gói bánh chưng ngon phải là loại nếp mùa hay nếp cái hoa vàng, hạt bóng mẩy và đều nhau. Gạo ngâm khoảng 10 - 12 giờ bằng nước lạnh sau đó vo qua, để ráo nước và xóc muối trắng lượng vừa phải cho thêm vị đậm đà. Đặc trưng của bánh chưng là vị mặn của gạo nếp, vị thơm của đỗ, vị thơm và béo ngậy của thịt… vì vậy cần chú ý cho lượng muối vừa đủ với số lượng gạo và đồng đều với đỗ, thịt. Nếu bạn muốn gạo nếp được xanh, và thơm hơn, bạn có thể dùng lá nếp xay nhỏ lấy nước cốt màu xanh để ngâm gạo nếp.
Trước khi gói bánh chưng, phải ngâm gạo ít nhất là 8 tiếng rồi mới đãi sạch sạn rồi để ráo nước sau đó mới gói bánh. Đặc biệt, gạo nếp được ngâm nước lá nếp sẽ trở nên thơm và xanh cực đẹp khi gói bánh chưng. Mỗi chiếc bánh có thể gói từ 0,5 đến 1kg gạo tùy vào kích cỡ mà gia đình thích.
Chọn đỗ xanh thơm bùi
Đỗ xanh là phần nhân nằm gần tâm bánh chưng (phần thịt). Bạn có thể mua đỗ đã tách vỏ hoặc chưa tách vỏ. Nếu mua đỗ đã tách vỏ bạn chỉ cần ngâm đỗ, nhưng đỗ chưa tách thì bạn cần ngâm để đỗ tróc vỏ và đãi sạch vỏ đỗ. Mặc dù phải tách vỏ và mất thời gian, nhưng một trong những bí quyết để gói bánh chưng ngon là bạn nên dùng đỗ xanh còn nguyên vỏ để có độ thơm, ngon và vệ sinh. Mầu vàng óng của hạt đỗ tượng trưng cho một năm mới tràn trề tài lộc, thịnh vượng. Tỷ lệ thông thường là "8 gạo : 2 đỗ". Loại đỗ này bạn có thể mua tại các chợ quê thì chất lượng sẽ tốt hơn.
Chọn lạt buộc mềm dẻo
Chọn những đốt giang dài từ 70-90 cm, cạo vỏ ngoài, sau đó chẻ từng miếng đều nhau. Nên ngâm ống giang trước khi chẻ để có độ mềm, còn khi chẻ thành lạt thì phơi khô để khi gói bánh sẽ chắc tay, mềm và dễ buộc. Chọn lạt giang giúp cho bánh chưng được buộc mềm dẻo mà chắc, đó cũng chính là bí quyết gói bánh chưng ngon mà bạn cần biết.
Chọn lạt giang giúp cho bánh chưng được buộc mềm dẻo mà chắc, đó cũng chính là bí quyết gói bánh chưng ngon mà bạn cần biết.
Chọn thịt gói bánh chưng tươi ngon
Thịt dùng để làm nhân bánh chưng ngon nhất đó là thịt ba chỉ hoặc thịt vai sấn chứ không nên chọn loại thịt quá nạc. Thịt lợn khi mua về hãy rửa sạch rồi thái thành các miếng dài khoảng 5 đến 7cm, dày 0,5cm. Hãy ướp thịt với hạt tiêu khoảng 15 phút trước khi gói bánh.
Trúc Chi (t/h)