Sẽ có rất nhiều cuộc tranh luận, tranh cãi gay gắt, vang vọng trong nhiều năm sau nữa, về việc liệu Messi có cần vô địch World Cup để được coi là vĩ đại nhất hay không. Mọi người sẽ so sánh La Pulga với Pele, với Zinedine Zidane, và nhất là với tiền bối Diego Maradona. Cũng sẽ có những so sánh với Cristiano Ronaldo, cuộc tranh luận gay gắt cũ kỹ vẫn sẽ diễn ra trên một con tàu vũ trụ nào đó, ở đâu đó rất lâu sau khi mặt trời của chúng ta nổ tung và Trái đất bị thiêu rụi bởi ngọn lửa của ngày tận thế.
Nhưng thay vì nói chuyện tương lai, hãy quay về quá khứ bên bàn bên trong nhà Maradona. Lionel Messi có cần chức vô địch World Cup để trở thành cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử không? “Cái gì? Không!”, El Diego nói.
Huyền thoại vĩ đại người Argentina luôn phủ cái bóng lên sự nghiệp cấp đội tuyển quốc gia của Messi, nhưng chính ông khẳng định rằng danh hiệu cao quý nhất của thế giới bóng đá “chẳng liên quan gì đến điều này. Đừng nhầm lẫn hai vấn đề… World Cup sẽ không tước đi bất kỳ điều gì cậu ấy đã làm”.
Những lời vàng ngọc này của Maradona đã được xuất bản trong Diego Maradona: Cuộc phỏng vấn cuối cùng và những cuộc trò chuyện khác, lại vang lên trước trận chung kết World Cup giữa Pháp đấu với Argentina.
Ở tuổi 35, có lẽ đây là trận đấu lớn cuối cùng của Messi trong màu áo đội tuyển Argentina. Nhưng nếu La Pulga không giành danh hiệu anh còn thiếu trong bộ sưu tập, kết quả ấy không làm suy chuyển vị thế Cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá hay viết tắt là GOAT.
Hai yếu tố tạo nên bất kỳ huyền thoại bóng đá nào là tài năng và cá tính. Messi chỉ được ghi nhận ở phẩm chất đầu tiên, như thể The Beatles trong bộ trang phục nhân viên văn phòng.
Trong khi Maradona thể hiện cá tính trên sân thì Messi luôn gò bản thân vào khuôn khổ mực thước. La Pulga chỉ nhắm đến hiệu quả. Không có những động tác phô diễn hoa mỹ khoa trương, nói cách khác là không chút hàm lượng nghệ thuật vị nghệ thuật trên sân cỏ.
Từ khi bắt đầu sự nghiệp, Messi đã hướng tới vị thế GOAT một cách có ý thức. Anh tập luyện chăm chỉ, sinh hoạt điều độ để duy trì thể trạng chơi bóng đỉnh cao dài lâu. Anh ghi bàn và kiến tạo đều đặn để chinh phục những kỷ lục cá nhân. Và anh giành mọi danh hiệu cao quý nhất có thể cùng đồng đội.
Kylian Mbappe, đồng đội tại PSG nhưng sẽ là đối trọng của Messi trong trận chung kết trước mắt, tin rằng Messi và Cristiano Ronaldo đã thúc đẩy lẫn nhau trong cuộc tranh chấp ngôi vị ông vua của thế giới bóng đá: “Người này nếu không có người kia sẽ không thể vượt xa phần còn lại suốt 15 năm như vậy”.
Thói quen của Messi trong những năm tháng ấy là tỏa sáng trong màu áo Barca ở Camp Nou, rồi tản bộ nửa giờ đồng hồ về nhà vào lúc nửa đêm trên còn đường vắng hoe tại Castelldefels.
Cây bút Santiago Segurola từng viết: “Đôi khi Maradona là Maradona. Messi là Maradona hàng ngày”. Nhưng sự rực rỡ đều đặn ấy gây nên sự nhàm chán.
Messi đã đánh bại Ronaldo. Theo ứng dụng Messi vs Ronaldo, siêu sao người Argentina có 791 bàn trong sự nghiệp với hiệu suất 0,79 bàn/trận; Ronaldo ghi 819 bàn nhưng hiệu suất “chỉ” 0,72 bàn/trận. Loại trừ các bàn thắng từ chấm phạt đền, sự vượt trội của Messi càng rõ rệt. Anh cũng thực hiện 0,35 kiến tạo/trận, so với 0,2 của Ronaldo. Sự so sánh này không làm giảm giá trị của Ronaldo. CR7 sẽ là cầu thủ vĩ đại nhất trong hầu hết thời đại khác. World Cup 2022 mới đánh dấu sự sa sút của Ronaldo, nhưng anh đã 37.
Tất nhiên, so sánh giữa các thời đại khác nhau là điều bất khả. Những cầu thủ vĩ đại trong quá khứ luôn bị đối phương triệt hạ, trong khi những siêu anh hùng ngày nay là vedette để bán bản quyền truyền hình và được trọng tài bảo vệ tới tận chân răng. Đó là một phần nguyên nhân để Messi và Ronaldo chơi bóng đỉnh cao lâu dài. Pele, Johan Cruyff và Maradona, cả ba huyền thoại vĩ đại này chỉ thi đấu vỏn vẹn 2 trận tại World Cup khi đã bước qua tuổi 30. Đó là 2 trận của Maradona tại World Cup 1994, trước khi tiền bối của Messi bị cấm thi đấu vì sử dụng ma túy.
Messi đã giành 7 Quả bóng vàng và tái tạo bản thân khi gần đến tuổi trung niên. Anh lừa bóng qua anh chàng hậu vệ 20 tuổi người Croatia nhưng thiếu tốc độ để bứt phá, và liên tục phải tung hư chiêu để đánh lừa đối phương. Đòn vô ảnh cước cuối cùng khiến Gvardiol trôi tuột, và Messi đột nhập vòng cấm để kiến tạo cho Julian Alvarez.
Ngày nay, Messi dành phần lớn thời gian để đi bộ, tiết kiệm chút sức lực ngày càng hạn chế của bản thân cho công việc quan trọng nhất trên sân: tạo đột biến phá vỡ hàng thủ đối phương. Javier Pastore, đồng đội của của Messi ở Albiceleste, nhận xét: “Anh ấy biết khai thác những không gian hẹp nhất, bằng cử động ít nhất.
Tất cả những gì Messi thiếu là cá tính đủ lớn. Lớn lên ở khu ổ chuột ngoại ô Buenos Aires, Maradona tắm mình trong văn hóa bụi bặm Nam Mỹ. Ông dùng tay “đánh đầu” vào lưới tuyển Anh tại World Cup 1986, và trí trá gọi đó là hành động móc túi đất nước đã gây chiến với Argentina tại Falklands 4 năm về trước.
Messi di cư đến Barca từ năm 13 tuổi, là hiện thân của một Argentina khác: một thế hệ đào tẩu khỏi sự sụp đổ kinh tế của quốc gia. La Pulga lớn lên bên ngoài xã hội, trong “ngôi trường” La Masia của Barcelona.
Và Maradona là người đi đầu. Sự nghiệp của Messi được người Argentina đánh giá là lặp lại của Maradona. Messi luôn hiểu vị tiền bối có tầm ảnh hưởng khủng khiếp như thế nào. “Triệu năm nữa tôi cũng không sánh được với Maradona”, La Pulga đã nói khi mới bắt đầu sự nghiệp. Đến hoàng hôn sự nghiệp, Messi mới học được cánh biểu hiện cảm xúc mãnh liệt. Sau khi đánh bại Hà Lan ở tứ kết, anh bỏ mặc cuộc phỏng vấn và máy quay để chửi thắng vào mặt Wout Weghorst. Nhưng so về nghệ thuật sử dụng câu từ, Messi chỉ đáng học việc cho Maradona, người đã gọi bàn thắng vào lưới tuyển Anh là “cái đầu của Maradona và bàn tay của Chúa”.
Tất nhiên, những phát ngôn không khiến Maradona vĩ đại hơn trên sân cỏ. Cho dù ông đã vô địch World Cup còn Messi thì có thể không bao giờ. Chính Maradona đã chỉ ra yếu tố đột biến khắc nghiệp của thể thức đấu loại trực tiếp mang đến. Nếu trọng tài phát hiện ra Maradona chơi bóng bằng tay và Higuain không biến bàn thắng thành cơ hội bị bỏ lỡ một cách khó hiểu tại chung kết World Cup 2014, Messi có thể đã vượt qua Maradona rồi. Có lẽ do kém may mắn nên anh chưa mang đến cho đồng bào khoảnh khắc bất tử.
Đánh giá Maradona là thủ lĩnh vĩ đại hơn cũng hoàn toàn sai. Messi là kiểu thủ lĩnh khác. Một cầu thủ giỏi chịu trách nhiệm về màn trình diễn của chính mình. Messi nhận trách nhiệm về kết quả. Argentina cần anh để đánh bại tuyển Pháp. Anh cảm thấy gánh nặng, nên đôi khi nôn mửa vì căng thắng, nhưng anh chấp nhận thực tế ấy. Các đồng đội tại tuyển Argentina tôn trọng Messi hết mực vì phẩm chất này. Thế nên từ khắp nơi trên thế giới, họ bay đến Ibiza vào tháng 6 để ăn mừng sinh nhật thủ lĩnh.
Chiến thắng trong trận chung kết sẽ đem lại cảm giác được định trước cho sự vượt qua Maradona cho Messi. Nhưng ngay cả khi anh rời sân theo kịch bản ê chề nhất, Messi vẫn là cầu thủ vĩ đại nhất – có lẽ mọi thời đại.