Khoảng hai năm trở lại đây, mía tím từ loại cây giải khát dân dã được đưa vào chậu trồng, trở thành cây cảnh chơi tết độc lạ, cực hút khách. Ông Nguyễn Văn Hoàn (Thanh Sơn, Phú Thọ) một người trồng mía chậu cho biết, tuy cùng loại nhưng mía trồng để chơi Tết sẽ được chăm sóc đặc biệt hơn.
Thông thường, mía được trồng vào tháng hai âm lịch hàng năm. Thời điểm này người nông dân bắt đầu vào giống, nếu vào giống sớm cây sẽ bị cao quá hoặc muộn thì cây không đáp ứng được yêu cầu về chiều cao. Sau khoảng 1 tháng, mía bị cắt bỏ để lấy mầm mới. Cây mía trong chậu lúc này được chia thành từng khóm, dùng dây thép cuốn lại để cây mọc thẳng, tập trung, không đổ nghiêng ngả.
Mía cảnh chơi Tết bán trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội). Mỗi chậu mía có giá dao động từ 2 – 2,5 triệu đồng/chậu, trên dưới 10 cây mía.
Cây mía đạt chuẩn cao từ 1 – 2m, các cây trong chậu phải mọc đều nhau, thân cây mập, không sâu bệnh, lá xanh, tán rộng và rủ đều.
Trung bình một chậu mía đạt chuẩn thường từ 9 đến 18 cây, có chẵn có lẻ, hoặc số lượng theo yêu cầu của khách đặt trước. Các cây trong chậu phải mọc đều nhau, thân cây mập, không sâu bệnh, lá xanh, tán rộng và rủ đều. Để đảm bảo tiêu chí này, đến giai đoạn cây phát triển ổn định, người trồng tiến hành tỉa các cành nhỏ trong chậu, cắt lá, tưới nước…
“Thậm chí đến khi đem bán tôi vẫn thường xuyên phải chăm sóc từng chậu mía, vì để chơi tết nên từng đốt mía phải đẹp hoàn hảo nhất có thể”, anh Hoàn nói. Cũng theo anh Hoàn, vụ Tết 2023, gia đình anh trồng được hơn 300 chậu mía, số mía này phần lớn được chuyển đi bán ở Hà Nội, số nhỏ còn lại phục vụ thị trường ở địa phương.
Trung bình mỗi ngày, tại điểm bán trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) anh Hoàn bán được từ 10 – 20 chậu mía. Khách hàng thường mua theo cặp, tuỳ vào số mía trong chậu, giá bán dao động từ 2 – 2,5 triệu đồng/chậu.
Cây mía tượng trưng cho sự khoẻ khắn, vươn lên của người Việt, mong muốn một năm thuận lợi, ngọt ngào.
“Gia đình tôi mỗi năm sẽ trưng một loại cây chơi Tết khác nhau để thay đổi không khí. Đây cũng là lần đầu tiên tôi chơi mía cảnh, mong một năm mới sẽ ngọt ngào như mía”, chị Bích Huệ (34 tuổi, Cầu Giấy) vui vẻ chia sẻ.
Thông thường, khách mua mía cảnh chơi Tết tin vào ý nghĩa cây mía mang lại. Mía thể hiện sự vươn cao, khoẻ khoắn, tượng trưng cho tinh thần vươn lên của người Việt nhưng cũng có vị ngọt, để một năm thuận lợi ngọt ngào. Ngoài ra, cây mía còn được trưng bày cạnh bàn thờ như một loại gậy ông quản, là đòn gánh cho các cụ “gánh” đồ con cháu cúng…
Mía cảnh có “tuổi thọ” khoảng 6 tháng, người chơi chỉ việc tưới nước 2 – 3 ngày/lần. Sau khi chơi Tết, khách có thể ăn mía hoặc trồng lại cho vụ tiếp theo.
Châu Dương