Theo Vnexpress, chiều 1/9, tại lễ phát động phong trào thi đua đặc biệt cho năm học 2021-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết với tình hình dịch hiện tại, mức giảm học phí là 50%. Sang học kỳ II, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ngành sẽ tiếp tục tham mưu để có thể miễn giảm 100% học phí cho người học.
Cụ thể trong thời gian tới, ngành giáo dục thủ đô cũng sẽ rà soát, hỗ trợ cán bộ, giáo viên, học sinh khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19, đảm bảo mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau". Một số phong trào tiếp tục được đẩy mạnh như "Máy tính cho em" nhằm hỗ trợ học sinh về thiết bị học tập trực tuyến.
Bên cạnh việc miễn giảm học phí, hỗ trợ thiết bị học tập, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chỉ đạo các trường đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học, có phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của người học nhằm ứng phó với tác động của Covid-19.
Hà Nội hiện có khoảng 2,1 triệu học sinh, chiếm 10% tổng số học sinh của cả nước. Các em sẽ bắt đầu năm học mới với buổi học trực tuyến đầu tiên vào ngày 6/9, riêng lớp 1 là 13/9.
Không chỉ có Hà Nội, các địa phương Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng đã quyết định miễn 100% học phí năm học 2021 - 2022.
Tại Đà Nẵng, học phí sẽ được hỗ trợ trong 9 tháng của năm học 2021-2022, dự kiến hơn 87 tỷ đồng từ ngân sách. Học sinh được giảm học phí theo các chính sách của Trung ương và thành phố sẽ được cấp bù phần hỗ trợ bằng 100% mức thu học phí công lập.
Tp.Hồ Chí Minh cũng quyết định không tăng học phí ở các cấp học trong năm học mới để chia sẻ với phụ huynh, học sinh trong lúc khó khăn do dịch bệnh.
Hiện tại đia phương này có khoảng 1,71 triệu học sinh từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT (chưa tính hệ giáo dục thường xuyên). So với năm học trước, học sinh tăng thêm 31.000, trong đó khối trường công lập tăng 28.000 em.
Thông tin trên báo Tiền Phong, hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh thống nhất miễn 100% học phí trong năm học 2021 - 2022 cho học sinh các trường công lập và ngoài công lập từ bậc mầm non đến THPT (trừ các trường vốn đầu tư nước ngoài). Dự kiến kinh phí khoảng 138 tỷ đồng.
Số tiền này được lấy từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 được quy định tại Nghị quyết 326 của Hội đồng nhân dân tỉnh và nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ.
Năm học 2021 - 2022, học sinh bậc THPT ở Hải Phòng sẽ được miễn 100% học phí. Năm học trước 2020 - 2021, địa phương này cũng miễn học phí cho học sinh mầm non và THCS. Lộ trình này được thực hiện theo nghị quyết do Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng thông qua cuối năm 2019.
Theo đó, học sinh có hộ khẩu, đăng ký tạm trú hoặc xác nhận của công an sinh sống thực tế tại Hải Phòng đều được miễn học phí. Việc hỗ trợ theo số tháng thực học tại trường, tối đa không quá 12 tháng/năm học với trẻ mầm non và không quá 9 tháng/năm học với Tiểu học, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên. Đây là mức hỗ trợ tất cả gia đình có con trong độ tuổi đi học.
Ngoài ra, đến nay đã có hàng trăm trường đại học trên cả nước thông báo không tăng học phí trong năm học mới, thậm chí có nhiều trường còn thông báo giảm, với các gói hỗ trợ từ 30-100% học phí cho người học có gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường giữ ổn định học phí trong năm học 2021-2022. Theo Bộ GD&ĐT, Nghị định 86/2015 về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 sẽ hết hiệu lực. Dự thảo nghị định mới đã được xây dựng, áp dụng từ năm học tới, Chính phủ đang xem xét, ban hành.
Để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh và các đợt thiên tai cuối năm 2020, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương về dự thảo nghị định và báo cáo Chính phủ cho phép giữ học phí năm học 2021-2022 như năm liền kề trước đó.
Học phí từ năm học 2022-2023 sẽ được điều chỉnh tăng theo lộ trình, phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong tương lai, học phí sẽ được tính đủ chi phí theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giá và Nghị định 16/2015 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương kiểm tra khoản thu, chi trong cơ sở giáo dục, phát hiện và xử lý sai phạm; kiểm tra việc niêm yết, công khai giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa; có chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn, vùng miền núi, hải đảo để đảm bảo tất cả có sách cho năm học mới.
Đây là những giải pháp của ngành Giáo dục và các địa phương, để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến với Covid-19.
Trúc Chi (t/h)