Cá voi răng thuổng (Mesoplodon traversii) thuộc họ Cá voi mõm khoằm (Ziphiidae) và được coi là loài cá voi hiếm nhất thế giới, đến nay mới chỉ tìm thấy 7 mẫu vật và chưa ai từng bắt gặp cá thể sống.
Cá voi răng thuổng được đặt tên dựa trên hình dạng răng giống với lưỡi dao mổ truyền thống từng được sử dụng để bóc mỡ cá voi. Kể từ thế kỷ 19 đến nay, chỉ có 7 mẫu vật của loài này được ghi nhận, trong đó 6 mẫu tại New Zealand.

Vào tháng 7/2024, một con cá voi đực dài 5m đã dạt vào bờ biển Otago, phía nam đảo Nam, New Zealand. Đây là mẫu vật thứ bảy được biết đến trên thế giới. Sự kiện này đã gây phấn khích lớn cho các chuyên gia nghiên cứu cá voi, bởi trước đây toàn bộ thông tin về loài này chỉ dựa trên các mảnh xương và mô được phát hiện cách nhau hàng thập kỷ.
Đến đầu tháng 12 cùng năm, các nhà khoa học quốc tế và địa phương đã tập trung tại Trung tâm Nghiên cứu Agresearch Invermay ở Mosgiel, gần thành phố Dunedin, cùng với người Māori địa phương, bắt đầu cuộc giải phẫu. Đây cũng là lần đầu tiên khoa học được nghiên cứu trên một mẫu vật nguyên vẹn của loài này.
Cá voi răng thuổng được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1874 và những gì tìm được chỉ là hàm dưới và hai chiếc răng được thu thập từ đảo Pitt, Rēkohu.
Cho đến khi tìm thấy xác của 2 mẫu vật khác, các nhà khoa học mới có thể khẳng định đây là một loài cá voi mới. Sau đó, 2 mẫu vật tiếp theo đã giúp các nhà nghiên cứu lần đầu tiên xác định màu sắc của loài này. Vì vậy, việc mổ xẻ xác con cá voi dài 5 m này là rất quan trọng.

Mặc dù chưa ai từng nhìn thấy loài này khi nó còn sống nhưng những mẫu xác chết đã giúp các nhà khoa học cuối cùng tìm ra được điều khác biệt ở loài cá voi cực hiếm. Những gì tìm thấy lần này rất kỳ lạ và đáng kinh ngạc.
Khi quan sát kỹ hơn, nhóm nghiên cứu phát hiện loài cá voi này có những chiếc răng nhỏ còn sót lại ở hàm trên - bộ phận có xu hướng biến mất ở nhiều loài cá voi trong quá trình tiến hóa bởi nó không cần thiết cho sự sinh tồn ngày nay.
Họ cũng suy đoán trước đây cá voi vừa đi trên cạn vừa sống dưới đại dương vì chi sau của chúng đã bị tiêu biến. Họ tin rằng cách đây 50 triệu năm, những chi này có thể là chân, song hiện nay chúng là công cụ để quan hệ tình dục, giúp cải thiện lực đẩy.

Một điều thú vị khác thu được từ cuộc khám nghiệm tử thi là con cá voi này có tới 9 ngăn trong dạ dày.
Cố vấn khoa học biển và chuyên gia về cá voi, Anton van Helden, cho biết: "Trong một số ngăn dạ dày đó, chúng tôi tìm thấy mỏ mực và một số thủy tinh thể từ mắt mực, một vài con giun ký sinh và có thể là một số bộ phận khác của sinh vật mà chúng tôi chưa chắc chắn".
Được biết, sau khi quá trình nghiên cứu hoàn tất, bộ xương cá voi được trao tặng cho Bảo tàng Otago, nhưng hàm dưới sẽ được địa phương giữ lại cho mục đích văn hóa.
Minh Hoa (t/h)