Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch Việt Nam bắt đầu tái khởi động với nhiều tín hiệu vui.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, thời điểm hiện tại là thời điểm "vàng" để du lịch mở toang cánh cửa đón khách.
"Sự đình trệ của du lịch khiến cho các ngành kinh tế cũng bị ảnh hưởng 2 năm qua. Vì thiếu khách, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng phục vụ du lịch không thể hoạt động. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn với nhiều ngành khác và có vị thế quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Suốt 2 năm dịch bệnh, cộng đồng hơn 40.000 doanh nghiệp du lịch, hơn 1 triệu lao động trực tiếp và 2 triệu lao động gián tiếp bị ảnh hưởng lớn về việc làm và cuộc sống. Việc phục hồi lần này sẽ là cột mốc quan trọng để ngành du lịch được vực dậy", ông Bình nhận định.
Tuy nhiên, lãnh đạo hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng cần tháo gỡ một số vấn đề vẫn đang còn ngổn ngang và cần được giải quyết: Như việc truyền thông, chính sách thị thực, quy định linh hoạt về cách ly dịch bệnh, vắc -xin...
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nói về mốc mở cửa 15/3 tới đây cũng không phải là sớm: "Các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng mở của du lịch từ sớm. Họ chủ trương thực hiện chính sách thông thoáng, đi lại trong khối. Nhiều đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á đã sớm gia nhập "đường đua" mở cửa từ nhiều tháng trước. Thái Lan với với chủ trương “Test and Go”, khách chỉ cần xét nghiệm là có thể đi du lịch một cách tự do, không cần điều kiện ràng buộc.
Mới đây, Singapore mở hành lang du lịch cho khách quốc tế. Chương trình này đã đón xấp xỉ 500.000 người chỉ với yêu cầu khách đã tiêm vắc-xin, thực hiện xét nghiệm. Philippines, Indonesia, Campuchia cũng đã tiến hành mở cửa du lịch".
"Đặc biệt chúng tôi rất mừng khi các chuyên gia y tế đã đề cập đến những biện pháp nới lỏng hơn rất nhiều. Bởi vì nguy cơ lây nhiễm hay những biện pháp mà chúng ta có thể chữa trị được đã khác hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đây, khi chưa tiêm chủng, do đó, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm mở cửa trở lại.
Không chỉ trong khu vực mà các nước châu Âu đã mở cửa rất sớm, có chính sách thông thoáng, đi lại trong khối, họ cũng chỉ quy định là đã có thẻ xanh Covid-19, đã tiêm vắc-xin đầy đủ là được tự do đi lại mà không có điều kiện gì. Họ cũng đã mở cho tất cả các khách du lịch ở ngoài khối, trên toàn thế giới đều có thể tới với châu Âu với điều kiện đã tiêm vắc-xin, thì không có lý gì mà Việt Nam không mở cửa hoàn toàn”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chia sẻ.
Từ bài học thí điểm, có thể thấy đâu là nút thắt, rào cản ngăn khách đến Việt Nam. Ông Tuấn đề xuất các bộ, ngành chung tay với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tháo gỡ, kiến nghị để có phương án mở cửa an toàn, linh hoạt, tạo điều kiện thật sự thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai.
Bà Lê Mai Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cũng cho hay: "Công tác tuyên truyền tới khách du lịch quốc tế nên đẩy mạnh, cần nhấn mạnh với du khách Việt Nam là điểm đến an toàn về dịch bệnh, về an ninh. Hơn hết, ngành du lịch cần chuẩn bị kỹ, nâng cao chất lượng phục vụ để tạo ấn tượng tốt với du khách.
Thời gian vừa qua, tỷ lệ lao động nghỉ việc tương đối cao, có thời điểm lên đến 80%. Khi mở cửa, số lượng lao động quay lại làm việc thấp dẫn đến tình trạng phải làm việc luân phiên, đổi ca. Cần hoàn thiện và bố sung nhân lực để lấp đầy chỗ trống này".
Các cơ sở lưu trú du lịch dừng hoạt động trong thời gian dài phải đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất để đi vào hoạt động. Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, bà Khanh kiến nghị Nhà nước cần có chế độ hỗ trợ thiết thực về chính sách giảm giá điện, hỗ trợ tài chính tín dụng, cho vay lãi suất thấp.
Tin tưởng về mốc mở cửa du lịch ngày 15/3, nhưng cũng không khỏi lo lắng về những chính sách chưa đồng bộ, ông Vũ Thế Bình băn khoăn: "Hiện nay, du lịch gặp rất nhiều khó khăn, chúng ta lại đưa ra chính sách visa theo quy định mới thì rất khó khôi phục.
Chúng tôi đề nghị một điều rất đơn giản, là hãy triển khai các chế độ visa của Việt Nam như trước năm 2020, những nước nào miễn visa song phương thì tiếp tục miễn, nước nào miễn đơn phương cũng vẫn cứ miễn. Trong khi chúng ta cần khôi phục mà lại đưa ra chính sách khó hơn cả trước thì rất khó để hồi phục".
Ông Bình cho biết thêm, vấn đề cách ly y tế cũng đang là một trở ngại. Các chuyên gia đã đưa ra quan điểm rõ ràng rằng dịch bệnh lây đến đâu xử lý đến đó, làm phạm vi hẹp nhất có thể để đảm bảo không ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội.
Vừa qua, sau nhiều ý kiến về việc thắt chặt các biện pháp kiểm soát y tế với người nhập cảnh, Bộ Y tế lại đưa ra đề xuất mới, nới lỏng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều này lại không hẳn là tốt.
"Theo đề xuất này, chúng ta không áp quy định những người đã tiêm vắc-xin mới được vào Việt Nam. Như thế coi như không còn quan tâm đến việc đã tiêm vắc-xin hay chưa, trong khi cả thế giới vẫn đang dùng "hộ chiếu vắc-xin" với du khách, sao Việt Nam lại bỏ? Nếu bỏ hết thì chúng ta kiểm soát như thế nào?" - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam băn khoăn.
Thêm vào đó, ông Bình nhấn mạnh những chính sách ban hành cần phải dễ hiểu, dễ thực thi và tương đồng với các nước khác, đặc biệt là những nước đang phát triển du lịch.
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho biết, trong khi Việt Nam vẫn chưa thể đưa ra hướng dẫn chính thức cho hoạt động mở cửa du lịch thì các nước như Thái Lan, Singapore, Philippine, Indonesia, Campuchia đều đã có những thông tin rất rõ ràng, công khai, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Theo ông Duy, không phải cứ mở cửa ra là có khách quốc tế ngay, mà doanh nghiệp cần thời gian để làm thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm, chào bán tour… Đặc biệt là doanh nghiệp cần có hướng dẫn chính thức về các chính sách nhập cảnh mới để làm việc với đối tác.