Theo báo của Cục Thống kê Tp.Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021, nhiều địa phương trên cả nước trong đó có Hà Nội phải giãn cách xã hội khiến nền kinh tế có dấu hiệu đứt gãy chuỗi cung ứng.
Từ đó, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp (DN) không phản ứng kịp khi thiếu lao động, thiếu nguyên vật liệu, không thể vận chuyển và gặp khó trong xuất khẩu hàng hoá. Ngoài ra là tình trạng nhiều lao động có trình độ cao sống tại các nơi bị phong tỏa nên không thể đến nơi làm việc.
Thành phố chịu nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế
Theo Báo cáo, sản xuất công nghiệp tháng 8 của Hà Nội giảm mạnh so với tháng 7 và cùng kỳ năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính giảm 8% so với tháng trước và giảm 6.7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 25 nghìn tỷ đồng, giảm 32% so với tháng trước và giảm 51.2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 1.283 triệu USD, giảm 0.7% so với tháng trước và giảm 34.6% cùng kỳ 2020. Kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 2.976 triệu USD, giảm 2.5% so với tháng trước và tăng 36.6% so với cùng kỳ năm trước.
Giải ngân vốn đầu tư là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển nền kinh tế nhưng đến nay tại Hà Nội vẫn diễn ra khá chậm và chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của thành phố đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, mới đạt 31% kế hoạch TƯ giao và thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.
"Do vậy, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch Covid-19", báo cáo nhận định.
Thị trường lao động tuột dốc
Tại Hà Nội, thị trường lao động phải đối diện với nhiều nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất từ đầu năm đến nay. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động dưới 20-30% công suất do phải đảm bảo công tác giãn cách xã hội.
Đây cũng là tình trạng chung của cả nước, xu thế tăng lực lượng lao động hằng năm trước khi có dịch thì lực lượng lao động thực tế đang thấp hơn trạng thái bình thường mới là 1.7 triệu lao động. Số người thất nghiệp trong quý II/2021 là 1.2 triệu người (2.62%).
Tính riêng trong tháng 8, Hà Nội có 1.077 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó có 244 doanh nghiệp giải thể, giảm 1%; 833 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 9%. Trung bình mỗi ngày có hơn 33 doanh nghiệp rút lui.
Trước tình hình khó khăn trên, các doanh nghiệp phải chống đỡ bằng nhiều biện pháp, trong đó có cả các biện pháp giảm lao động như: Cắt giảm, nghỉ luân phiên, tuyển lao động thời vụ, lao động tạm thời để duy trì hoạt động. Gây ra hệ luỵ lao động có việc làm tiếp tục gặp phải đối mặt nguy cơ rất cao phải nghỉ việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tiếp tục gia tăng, kéo theo tình trạng suy giảm lực lượng lao động khi một bộ phận người lao động mất việc.
Theo báo cáo này, chịu tác động mạnh nhất là các khu công nghiệp, khu chế xuất, những nơi tập trung lượng lao động lớn. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là những công nhân đang thuê trọ ở các khu nhà trọ trong khu bị cách ly, phong toả, người lao động trong các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ…
Thực trạng trên dẫn tới, nhiều lao động phải tìm những công việc tạm thời nhằm duy trì sinh hoạt thường ngày. Theo số liệu của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), số lao động phi chính thức Quý II/2021 là 20.9 triệu người (57,4%), tăng 1,4 triệu người (1.6%) so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ người lao động phi chính thức hiện nay được ghi nhận là cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh
Nhiều DN thuộc nhiều lĩnh vực đã phải tạm hoãn việc tuyển dụng mới hoặc tuyển rất ít. Có thể nhận thấy rằng, nhiều doanh nghiệp dù đã có những sự chuẩn bị và tính toán trước để ứng phó với tình hình dịch bệnh, song vẫn gặp nhiều khó khăn và từ đó nhu cầu tuyển dụng giảm xuống đáng kể.
Theo Trung tâm Dịch vụ Việc làm (DVVL) Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng có xu hướng giảm ở ngành công nghiệp, gia công, lắp ráp hàng hóa, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và nhóm lao động giản đơn. Các DN chú trọng tuyển dụng ở nhóm vị trí nhân viên văn phòng, các nhóm lao động đã qua đào tạo và có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Bên cạnh việc giảm hoặc không có nhu cầu tuyển dụng ở một số ngành nghề thuộc lĩnh vực không thiết yếu, thì một số ngành nghề ở lĩnh vực khác như: Công nghệ thông tin, ngân hàng, dịch vụ… nhu cầu tuyển dụng vẫn có xu hướng tăng nhẹ, nhân sự trong các lĩnh vực này vẫn có cơ hội việc làm mới.
Tuy nhiên, thị trường lao động Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới vẫn phải phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, công tác tiêm vắc-xin cho người dân và hiệu quả của các gói cứu trợ, kích thích kinh tế.
Nỗ lực cải thiện tình hình
Trong tháng 8 cũng cần ghi nhận những cố gắng của Thành phố để cải thiện tình hình. Hà Nội đã tập trung, triển khi đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, đẩy mạnh giải quyết việc làm nhằm từng bước phục hồi và phát triển kinh tế. Tổng kinh phí chi trả hỗ trợ các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn thành phố đạt 460 tỷ đồng.
Đồng thời, giải quyết việc làm cho 3.284 lao động, có 180 lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay vốn với tổng số tiền là 8.6 tỷ đồng. Có 2.422 lao động được cung ứng dịch vụ việc làm tại các doanh nghiệp và qua các hình thức khác.
Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, và hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm, nhất là hoạt động hỗ trợ giải quyết chính sách BHTN. Trung tâm tiếp nhận 2.499 hồ sơ đề nghị hưởng BHTN, giảm 3881 hồ sơ so với tháng trước, tương ứng giảm 60,83%. Có 4243 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền hơn 106.8 tỷ đồng.
Cuối cùng, báo cáo cho rằng, trước việc Thành phố dần mở cửa trở lại, cần đặt ra yêu cầu về việc quản lý điều hành và xác định mục tiêu tăng trưởng phải hết sức linh hoạt.
Chuẩn bị sẵn các biện pháp, phương tiện, thiết bị để ứng phó kịp thời với các tình huống dịch bệnh diễn ra để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp phục hồi, vượt qua dịch bệnh. Tiếp tục triển khai, xây dựng các dự án hỗ trợ người lao động đăng ký hưởng BHTN.
Tăng cường rà soát, thu thập thông tin, dữ liệu, cập nhật tình trạng việc làm của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các Doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt biến động của thị trường lao động.
Từ đó dự báo và xây dựng các phương án kết nối, phục hồi trong bối cảnh tình hình mới. Tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong kết nối cung-cầu lao động và thực hiện các nhiệm vụ của TT DVVL.