Cuối năm 2022, khi ngành du lịch Huế đã bắt đầu sôi động trở lại sau 2 năm "đóng băng" do đại dịch Covid-19, tại hội thảo xây dựng môi trường du lịch “Văn minh- Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc” do Thành uỷ Huế phối hợp với sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức, ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành uỷ Huế từng nhấn mạnh: Để du lịch, dịch vụ Huế phát triển, mỗi người dân Huế phải thực sự là một “đại sứ du lịch”, phải yêu quý, tôn trọng và cung cấp dịch vụ cho khách du lịch một cách chu đáo.
Tuy nhiên, từ những câu chuyện xảy ra gần đây, có thể thấy rằng, vẫn còn đó hai mảng sáng-tối trái ngược trên hành trình hoàn thiện mục tiêu này.
Cụ thể, sáng nay (18/5), trước nghĩa cử đẹp của chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (trú ở phường Hương Long, TP.Huế) và ông Trương Đình Hà (trú ở phường Xuân Phú, TP.Huế) khi nhặt được của rơi của du khách đến Huế đã tìm người trả lại, Trưởng Công an TP.Huế đã tổ chức tặng thư khen.
Trước đó vào đầu tháng 5/2023, anh Điền Văn Bắc (trú tại xã Hương Lộc, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) khi đến Huế tham quan du lịch không may đánh rơi túi xách bên trong có 02 điện thoại Samsung Galaxy A50 và Samsung Galaxy A51 tại quán nước giải khát của chị Nhung.
Không tham của rơi, chị Nhung đã nhanh chóng trình báo Công an phường Hương Long. Đến 15 giờ cùng ngày, Công an phường Hương Long xác định người đánh rơi và trao trả lại tài sản.
Ông Trương Đình Hà cũng vậy. Thấy 1 chiếc điện thoại Iphone 11 trước địa chỉ nhà của mình, ông đã mang đến Công an phường Xuân Phú trình báo. Ngay sau đó, Công an phường Xuân Phú xác định người đánh rơi là bạn Nay H’ Luyên, hộ khẩu tại Easol, Ea H’leo, Đăk Lăk và làm thủ tục trao trả.
Nghĩa cử đẹp của chị Nhung và ông Hà không chỉ giúp lực lượng Công an nhanh chóng tìm lại tài sản cho người đánh rơi mà còn góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người Huế, đồng thời lan toả những điều thiện cảm về du lịch Huế trong cộng đồng.
Dù vậy, 2 nghĩa cử đẹp ấy, cũng khó mà khoả lấp sự “mất điểm” của du lịch Cố đô về câu chuyện nài ép du khách của một tài xế xích lô ở Huế sôi nổi trên các group du lịch Việt Nam mấy ngày qua.
Cụ thể, trước đó, vào ngày 15/5, ông bà Glover - Quốc tịch Australia đến Huế du lịch. Tại đây, khi đi du lịch các địa điểm quanh thành phố, ông bà này gặp ông Dương Văn Cu (SN 1976, trú tại phường An Đông, TP.Huế) là tài xế xích lô.
Tuy nhiên, trong quá trình thoả thuận giá về hành trình di chuyển, tài xế Cu đã có hành “nài ép khách du lịch mua dịch vụ” nhằm chiếm đoạt tài sản của ông bà Glover. Quá bức xúc, bà Glover đã chia sẻ lên các nhóm du lịch của mạng xã hội và nhận được nhiều sự chỉ trích về hành vi xấu xí của vị tài xế xích lô đáng trách trên.
Dù sau đó, Công an TP.Huế phối hợp với sở Du lịch Thừa Thiên-Huế vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm tài xế Cu, yêu cầu trả lại số tiền chiếm đoạt và xin lỗi vợ chồng ông bà Glover, thế nhưng, đâu đó, trong suy nghĩ của nhiều du khách từng đến Huế hay đang ý định đến Huế, hình ảnh đẹp về du lịch Cố đô vẫn bị ảnh hưởng rất nhiều.
Xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, an toàn, giàu bản sắc là một mục tiêu mà chính quyền TP.Huế đang hướng đến, trong đó, phải hoàn thiện tốt các quy tắc ứng xử chung của người dân thành phố, ứng xử của hộ, cá nhân kinh doanh dịch vụ có liên quan đến du lịch, ứng xử đối với người làm dịch vụ vận chuyển hành khách du lịch…
Tuy nhiên, qua hai câu chuyện trái ngược về “người xây, kẻ phá” nói trên, thì việc muốn “mỗi người dân Huế phải thực sự là một đại sứ du lịch” là điều không phải dễ.
Lê Kông