Đại biểu Phạm Xuân Thường: Đưa một bị án tử hình từ Lào Cai về Sơn La, từ Thái Bình vào Nghệ An để thi hành án tốn 200-300 triệu đồng (ảnh: Việt Hưng).
Thảo luận về dự thảo luật tạm giam, tạm giữ chiều 19/6, Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề cập đến chính sách giam giữ với người bị kết án tử hình. Hiện vẫn có 2 loại ý kiến khác nhau, một loại đề nghị quản lý tập trung, giam chung các bị án tử hình vào một nơi; một loại đề nghị giữ nguyên mô hình hiện nay, quản lý các đối tượng này ngay tại trại giam.
Ông Thường cảnh báo, dồn tất cả các bị can bị thi hành án tử hình về một trại tập trung sẽ rất khó khăn cho công tác bảo vệ và rủi ro rất lớn vì hiện tại đang tách ra, giao cho mỗi địa phương quản lý một vài trường hợp mà đã rất vất vả với số bị án tử hình này. Ông Thường cho biết, đi giám sát thì thấy mỗi bị án tử hình phải bố trí riêng một phòng giam, bên cạnh đó lại phải bố trí phòng cho 2 phạm nhân khác để theo dõi an toàn của người này và thực tế, dù theo dõi kỹ vậy, nhiều bị án vẫn tự tử được.
“Nếu bây giờ tập trung hết số người chờ thi hành án tử hình vào một nơi thì không tưởng tượng được Bộ Công an sẽ quản lý như thế nào, sức ép lên cán bộ quản lý ra sao. Mô hình này chỉ thuận hơn cho việc thi hành án vì việc thi hành án hiện nay đang rất tốn kém và rất phức tạp” – đại biểu Thường thông tin.
Ông Thường dẫn chứng từ cuộc giám sát ở Sơn La, mỗi trường hợp thi hành án tử hình phải đưa từ Lào Cai xuống Sơn La để… tiêm thuốc độc chi phí khoảng từ 200 - 300 triệu đồng, đưa từ Thái Bình vào Nghệ An cũng tốn kém cỡ đó mà quan trọng nhất là không an toàn.
Để khắc phục tình trạng này, ông Thường đề nghị tạo điều kiện cho Bộ Công an tổ chức những xe thi hành án lưu động để thuận tiện cho việc thi hành án tử hình và vẫn giữ mô hình quản lý các bị án tử hình tại các trại tạm giam của công an tỉnh.