Một cựu quan chức ngoại giao hàng đầu của Thụy Điển lý giải tại sao quốc gia Bắc Âu phải gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thụy Điển đang trong một tuần quan trọng mang tính lịch sử khi Quốc hội quốc gia Bắc Âu tranh luận về việc liệu họ có nên gia nhập NATO trong bối cảnh xung đột vũ trang Nga – Ukraine không ngừng tăng nhiệt, và nước láng giềng Phần Lan cũng đang rục rịch với động thái tương tự.
Quá yếu để tự vệ
Quốc gia Scandinavia đã kiên định với quy chế trung lập trong hơn 200 năm, kiên quyết chống vũ khí hạt nhân, và quần chúng nhân dân có ý kiến trái chiều về NATO.
Tuy nhiên, ông Jan Henningsson, một quan chức ngoại giao hàng đầu đã nghỉ hưu, tin rằng với việc quy mô quân đội giảm từ 15 lữ đoàn vào năm 1995 xuống còn 2 lữ đoàn như hiện nay, Thụy Điển hơn lúc nào hết đang rất cần tư cách thành viên NATO do sự khó đoán định của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Các lực lượng vũ trang của chúng tôi không đủ mạnh để tự bảo vệ lãnh thổ của mình”, nhà cựu ngoại giao 71 tuổi chia sẻ với tờ The National News (UAE) từ thành phố quê hương Uppsala, miền Đông Nam Thụy Điển.
“Rõ ràng là việc triệt tiêu các lực lượng phòng thủ Thụy Điển đã đi quá xa, đến mức chúng tôi thực sự sẽ gặp rủi ro nếu bị tấn công”.
Ngay sau Chiến tranh Lạnh, Thụy Điển có quân đội thường trực là gần 100.000 quân, nhưng con số này đã giảm xuống còn 15.000 vào năm 2018.
Chế độ quân dịch bắt buộc đã được khôi phục để tăng số lượng quân nhân, nhưng Thụy Điển hiện chỉ có 23.000 quân so với tổng dân số gần 11 triệu người, trong khi nền công nghiệp quốc phòng Thụy Điển được đánh giá là xuất sắc và thuộc hàng top của thế giới khi nói đến sản xuất phần cứng quân sự, bao gồm cả máy bay chiến đấu Gripen.
“Điều này làm cho việc hợp tác và liên kết với các quốc gia khác để tự vệ trở nên càng quan trọng hơn đối với Thụy Điển”, ông Henningsson cho biết. "Sự đảm bảo tốt nhất cho chúng tôi sẽ là NATO".
Nguy cơ khi đứng ngoài cuộc
Nếu từ chối tham gia NATO, Thụy Điển có nguy cơ sẽ là quốc gia Bắc Âu duy nhất nằm ngoài liên minh.
Trong số 5 quốc gia Bắc Âu thì Na Uy, Đan Mạch và Iceland đã là thành viên NATO. Phần Lan cũng đang tiến rất gần đến mục tiêu này.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto sẽ công bố lập trường cá nhân của mình về vấn đề có gia nhập NATO không vào ngày 12/5.
Quyết định của Thụy Điển, phần lớn phụ thuộc vào Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền, sẽ được công bố vào ngày 15/5 tới.
Nếu Thụy Điển đứng ngoài NATO, nó sẽ tạo ra một khu vực mà từ đó Nga có thể tự do gây hấn với không chỉ nước láng giềng Phần Lan mà còn cả các nước Baltic (bao gồm Estonia, Latvia và Litva), ông Henningsson, người từng là cố vấn cấp cao về khu vực Trung Đông và Bắc Phi, cho biết.
Theo vị chuyên gia này, nếu người Nga chiếm được đảo Gotland quan trọng về mặt chiến lược, họ có thể dùng nó làm bàn đạp đe dọa tấn công Phần Lan và các nước Baltic.
Trung đoàn trên hòn đảo ở trung tâm biển Baltic gần đây đã được tăng cường, nhưng như vậy vẫn chưa đủ để “giữ Gotland được lâu”.
Thụy Điển và Phần Lan đã đoàn kết với nhau trong suốt 600 năm cho đến tận năm 1809. Hiện nay tình cảm giữa 2 quốc gia vẫn rất bền chặt, đặc biệt là trong thế hệ người già có thân nhân tình nguyện chiến đấu cho Helsinki năm 1940.
Cũng có thể hiểu rằng, việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ giúp củng cố các quốc gia vùng Baltic, vốn có duyên nợ sâu sắc với Thụy Điển trong giai đoạn sau Thế chiến II.
“Chúng tôi không muốn khiến người dân Baltic thất vọng lần thứ hai”, ông Henningsson nói.
Chiến dịch quân sự của ông Putin ở Ukraine đã khiến cả Thụy Điển và Phần Lan phải cân nhắc lại quy chế trung lập và hướng về một liên minh quân sự như NATO.
Một nhược điểm ban đầu của việc gia nhập NATO là các sĩ quan Thụy Điển sẽ được gửi đến trụ sở chính của liên minh ở Brussels (Bỉ), khiến cho nguồn lực quân sự của quốc gia Bắc Âu càng thêm cạn kiệt, ông Henningsson, người từng là giám đốc của Viện Thụy Điển ở Alexandria, Ai Cập, từ năm 2002 đến 2008, cho biết.
Tuy nhiên, có một niềm hy vọng được thắp lên rằng Quân đội Thụy Điển sẽ được tái thiết mạnh mẽ sau khi Chính phủ thông qua dự luật tăng chi tiêu quốc phòng thêm 40% lên thành 11 tỷ USD vào năm 2025, đạt mục tiêu của NATO là 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Minh Đức (Theo The National News)