6 tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự, phương Tây vẫn chưa tìm ra con đường chấm dứt xung đột.
Giới chức trên khắp châu Âu lo ngại rằng sự đồng thuận trên có thể tan rã khi châu lục này bước vào một mùa đông ảm đạm với giá lương thực tăng, nguồn năng lượng có hạn để sưởi ấm và nguy cơ nhiều quốc gia chìm trong suy thoái, theo CNN.
“Thách thức đối với Ukraine cũng giống như những ngày đầu xung đột. Đó là duy trì sự ủng hộ của phương Tây trước sức ép của Nga trong các vấn đề kinh tế và khí đốt", Keir Giles, chuyên gia cấp cao tại tổ chức tư vấn Chatham House, nói.
"Đó có thể là lý do vì sao Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông muốn xung đột kết thúc trước dịp Giáng sinh, bởi vì vấn đề sẽ xuất hiện khi phương Tây càng phải kéo dài sự hỗ trợ với Ukraine", ông Giles nói thêm.
Cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào mùa đông là điều mà các giới chức châu Âu đang nhắc đến hàng ngày, khi Nga là nhà cung cấp đáp ứng 55% nhu cầu khí đốt của châu lục trong năm 2021.
Các nước châu Âu cũng rất "khát" dầu thô của Nga, với một nửa sản lượng xuất khẩu dầu Nga có điểm đến là châu Âu. Năm 2021, châu Âu nhập khẩu khoảng 2,2 triệu thùng dầu của Nga mỗi ngày.
"Trong Liên minh châu Âu (EU), tình hình sẽ rất khó khăn. Chúng tôi phải cố gắng giữ cam kết cắt đứt với Nga để Moscow không thể thu lời từ khí đốt và các nguồn năng lượng khác", một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên nói với CNN.
Nhưng khi mùa đông tới, luôn có nguy cơ rằng một số nước EU không còn giữ cam kết như ban đầu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp người đồng cấp Zelensky ở Kiev.
"Các nước Tây Âu ở cách xa Nga về vị trí địa lý không muốn loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga và luôn muốn quay trở lại quan hệ bình thường", chuyên gia Giles nói.
Giới chức châu Âu cũng lo ngại rằng chính sách cung cấp vũ khí cho Ukraine của phương Tây đang trở thành giải pháp ngắn hạn cho một vấn đề dài hạn. Đó là một cuộc chiến không có hồi kết.
"Ban đầu, phương Tây phản ứng quyết liệt hơn những gì Nga dự đoán. Nhiều nước châu Âu ủng hộ vũ khí và tiền bạc cho Ukraine", một quan chức NATO giấu tên nói với CNN.
"Trải qua thời gian, các loại vũ khí cần chuyển cho Ukraine ngày càng tinh vi, cần đến sự huấn luyện để các binh sĩ Ukraine có thể sử dụng hiệu quả", quan chức NATO nói. "Tin tốt là các vũ khí đang giúp Ukraine làm chậm bước tiến của Nga. Tin xấu là xung đột càng kéo dài, càng phải gửi thêm các vũ khí như vậy trong thời gian ngắn".
Ngoài thách thức về kinh tế và chi phí quân sự, phương Tây đối mặt với sự mệt mỏi khi xung đột có dấu hiệu rơi vào bế tắc. "Hồi tháng 2, rất dễ để ngả về phía Ukraine đối phó Nga. Nhưng bây giờ xung đột đang ở giai đoạn bế tắc, rất ít các bước tiến hay tổn thất mỗi ngày", quan chức NATO nói.
Dĩ nhiên, các quốc gia châu Âu không thể đơn giản là ngừng hỗ trợ Ukraine. Nhưng một số quốc gia có thể yêu cầu các kết quả cụ thể hơn nếu Ukraine muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ.
"Liệu các nước phương Tây có còn chung quan điểm với nhau? Khôi phục biên giới Ukraine như thời điểm trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự? Hay quay về giai đoạn trước năm 2014? Chúng ta sẽ đối phó với ông Putin như thế nào sau xung đột?", một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên nói với CNN. "Đó là câu hỏi lâu dài mà chúng tôi bây giờ thậm chí còn chưa thể nghĩ đến".
Vài tháng tới sẽ là giai đoạn khó khăn nhất với nhiều quốc gia châu Âu kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Chi phí sinh hoạt ở nhiều nước châu Âu sẽ tăng vọt. Nhiều hộ gia đình sẽ phải lựa chọn giữa việc mua thực phẩm và chi tiền để sưởi ấm mỗi ngày.
Trong bối cảnh đó, rất khó để một số nước châu Âu tiếp tục gửi tiền bạc, vũ khí hỗ trợ Ukraine ở cách xa, theo CNN.
Sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine đang đứng trước thách thức.
Nhiều quan chức phương Tây nói với CNN, rằng đến một lúc nào đó trong mùa đông, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ quyết định cần thúc đẩy thỏa thuận hòa bình và cắt giảm sự hỗ trợ cho Ukraine.
"Một khi Ukraine có dấu hiệu thất bại trước Nga trên chiến trường, sự hỗ trợ của châu Âu sẽ đảo chiều nhanh chóng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ phải tìm cách để tạo ra bước tiến, rằng quân đội nước này vẫn đang chiến đấu quyết liệt và cần thêm vũ khí", Theresa Fallon, giám đốc tại Trung tâm nghiên cứu châu Á, Nga và châu Âu, nói với CNN.
"Ngay khi cảm thấy rằng Kiev đang ở thế thua, các nước châu Âu có thể bắt đầu đặt câu hỏi tại sao cần tiếp tục cung cấp vũ khí đắt tiền cho Ukraine vào thời điểm căng thẳng kinh tế", bà Fallon nói.
Trong những tháng tới, nhiều quốc gia châu Âu sẽ đối mặt với giai đoạn biến động chính trị. Italia sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới, Mỹ trải qua bầu cử giữa kỳ còn Anh sắp bầu thủ tướng mới. "Khi các vấn đề đối nội trở thành chủ đề được quan tâm nhiều hơn, người dân ở nhiều nước châu Âu có thể sẽ đặt câu hỏi rằng vì sao lại hỗ trợ Ukraine thay vì đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng", bà Fallon nhận định.
Nhiều quan chức châu Âu giấu tên nói trên CNN rằng, không ai biết xung đột có thể kết thúc như thế nào. Mục tiêu là buộc Nga phải rút quân khỏi Ukraine nhưng thực tế ra sao vẫn là ẩn số.
Nhìn chung, trong những tháng mùa đông tới, đối với nhiều quốc gia châu Âu, đàm phán với Nga có thể không còn là điều bất khả thi, đặc biệt là đối với các nước không có chung đường biên giới với Nga, theo CNN.
Đăng Nguyễn - CNN