Dân Đức mua củi vì lo thiếu khí đốt (ảnh: VOX)
Giá mỗi kệ với khoảng 360 thanh gỗ sồi mà Kotterl bán đã tăng gấp đôi, từ 200 USD lên 400 USD trong vài tháng gần đây. Với mức này, giá củi đã đắt gần tương đương giá khí đốt, nhưng củi đang là mặt hàng được người Đức săn tìm, VOX (trang tin Mỹ) hôm 17/10 đưa tin.
“Đốt gỗ để sưởi ấm không rẻ. Tuy nhiên, nhiều người lo sợ họ sẽ không có khí đốt sử dụng trong mùa đông”, Kotterl lý giải về nhu cầu củi đốt tăng vọt.
Đức là nước phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga. Năm ngoái, hơn 50% lượng khí đốt tiêu thụ của Đức do Nga cung cấp qua đường ống Nord Stream 1. Hiện đường ống này đã ngừng hoạt động.
Trong khi chính phủ Đức cố gắng lấp đầy các kho dự trữ, người dân nước này tìm đến củi. Họ cho rằng đây là phương án dự phòng tốt nhất cho tình huống xấu nhất. Ở Đức, khoảng 50% số hộ gia đình sử dụng khí đốt để sưởi ấm.
Theo VOX, nhu cầu sử dụng củi ở Đức đã bắt đầu tăng trong thời kỳ dịch Covid-19 lây lan, khi người dân phải ở nhà nhiều. Từ năm 2020, nguồn cung gỗ ở Đức bị sụt giảm do sâu bọ phá hoại và tác động môi trường.
Nguy cơ khủng hoảng năng lượng hiện nay khiến nguồn cung gỗ ở Đức thêm căng thẳng và giá củi tăng đáng kể. Chi phí đốn gỗ, sấy, đóng gói và vận chuyển cũng bị đẩy lên.
Những kệ củi xếp ngay ngắn trong xưởng của Kotterl (ảnh: VOX)
Gerd Muller, thành viên Hiệp hội Sản xuất và Thương mại củi Đức, cho biết, sát mùa đông, giá củi đã tăng 30 – 40% ở hầu hết các đại lý, tương đương gần 150 USD mỗi mét khối. Hồi tháng 8, giá viên nén gỗ cũng tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Mọi người cố gắng giảm lo ngại bằng cách mua củi để sưởi ấm. Nhưng nguồn cung của các đại lý chỉ có hạn. Thực tế là không có nhiều củi để bán ở Đức”, ông Gerd Muller nói.
Kotterl cho biết, dù giá củi tăng vọt, anh đã ngừng nhận đơn đặt hàng từ tháng 7. Một số người muốn mua củi dùng cho mùa đông năm sau, nhưng Kotterl vẫn từ chối vì không thể bảo đảm nguồn cung. Kotterl cho biết, các nhà sản xuất gỗ xuất khẩu ở Croatia (nơi Kotterl mua hàng) đã tăng giá bán củi gấp 8 lần.
Một số quốc gia châu Âu như Bosnia và Herzegovina và Bulgaria cũng ra lệnh cấm xuất khẩu gỗ để đảm bảo nhu cầu nguyên liệu trong nước.
Một đống gỗ được phát hiện trong rừng cây ở Đức, nghi vừa bị đốn trộm (ảnh: VOX)
Theo VOX, hầu hết xưởng gỗ gần thành phố Munich đã đăng thông báo ngừng nhận thêm đơn đặt hàng. Trong khi đó, nạn trộm cắp gỗ ở một số khu rừng của Đức đang gia tăng.
“Đây là một mớ hỗn độn”, Kotterl nói về tình hình bán củi.
“Chi phí sản xuất cao đồng nghĩa giá bán ra phải cao hơn. Cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu tất cả”, Kotterl nói.
Năm 2020, củi chỉ chiếm 9,9% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của người Đức, theo Cơ quan Môi trường nước này.
Vương Nam – VOX