Tối 30/10 cho đến sáng 31/10, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn rất nhiều nơi có mưa to và rất to. Vì vậy, tại các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông... vẫn xuất hiện tình trạng đồi núi lở, đất đá tràn xuống nhà dân.
Huyện miền núi Kỳ Sơn cũng ảnh hưởng nặng do lũ. Theo báo cáo nhanh, tại bản Xốp Xăng đi bản Nha Nang, xã Mường Ải bị nước lũ cuốn đứt trôi 3 mét đường; đoạn đường Mường Ải đi Na Ngoi xuất hiện 3 điểm sạt lở núi; đường vào xã Bảo Nam bị sạt lở núi đất đá vùi cả lòng đường… Đặc biệt, tại Đồn Biên phòng Na Ngoi, có 3 điểm sạt lở trên đường lên lối mở L10, sụt xuống đường. Khu vực đóng quân của đồn, trạm vẫn an toàn.
Ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Tính đến chiều ngày 30/10, trên địa bàn huyện đã tổ chức sơ tán hơn 467 hộ dân với trên 1.200 nhân khẩu đến nơi an toàn”.
Tại huyện Quế Phong đã xảy 12 điểm sạt lở núi, lở đường giao thông lớn nhỏ. Cụ thể là đoạn qua xã Hạnh Dịch bị sạt lở 3 điểm, đoạn đường xã Châu Kim đi Nậm Giải sạt lở 2 điểm, đoạn đường vào xã Nậm Nhóng sạt lở 3 điểm, 1 điểm sạt lở ở xã Tri Lễ… Sạt lở ta luy dương đoạn đường vào xã Nậm Nhoóng, Quế Phong gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Vào ngày 30/10, ông Hoàng Phú Hiền - Giám đốc Sở GTVT Nghệ An đã trực tiếp kiểm tra sạt lở tại Quế Phong và yêu cầu tiến hành các biện pháp khắc phục, đồng thời cắt cử lực lượng túc trực 24/24 tại các vùng có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.
Trên địa bàn huyện Con Cuông tiếp tục xảy ra mưa lớn, nước lên nhanh, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đang diễn biến phức tạp. Hiện nay, mực nước các khe, suối dâng cao, gây ngập lụt nhiều nơi, đặc biệt nhiều tuyến đường bị chia cắt, khu dân cư bị cô lập.
Ông Lương Đình Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: "Chúng tôi đã đi kiểm tra sạt lở đất và chỉ đạo các xã sơ tán. Yêu cầu các xã đã cử cán bộ túc trực canh gác những điểm sạt lở, các cầu tràn, cầu tạm không cho dân đi lại".
Tại huyện Anh Sơn có 46 hộ dân nằm trong diện nguy cơ sạt lở đất cao, đã được di dời khẩn cấp trong ngày 30/10. Mưa lụt trong những ngày qua, đã khiến xã Cao Sơn bị cô lập hoàn toàn; nhiều xã ngập cục bộ như: Phúc Sơn, Khai Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn, Thọ Sơn… Ngoài ra, nhiều diện tích hoa màu bị ngập sâu trong nước. Đặc biệt, trận lở đất tối 30/10 làm nhà chị Hoàng Thị Trung ở thôn 5, xã Hội Sơn hư hỏng hoàn toàn. Rất may không có thiệt hại về người.
Ông Hoàng Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết: “Đến thời điểm này trên địa bàn huyện có gần 300 nhà dân bị ngập, sạt lở, di dời đến nơi an toàn khoảng 39 hộ. Nhiều trường học đã ngập lụt buộc học sinh phải nghỉ học”.
Mới đây, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa có công điện số 14/CĐ-BCH ngày 30/10/2020 về việc ứng phó với tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay lũ trên sông Cả tại Nghệ An đang lên. Mực nước đỉnh lũ sông Cả lên mức báo động 2 và có khả năng tiếp tục lên.
Do chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lục địa được tăng cường, kết hợp với rìa phía Bắc rãnh áp thấp có trục ở vào khoảng 14 - 17 độ vĩ Bắc; Trên cao, áp cao cận nhiệt đới hoạt động mạnh và lấn về phía Tây nên ở Nghệ An trời nhiều mây, rải rác mưa vừa, mưa to, có nơi đặc biệt to và dông.
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Nghệ An yêu cầu các Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy PCTT - TKCN các huyện, thành phố, thị xã; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Ban chỉ huy PCTT - TKCN các sở… tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về BCH PCTT và TKCN tỉnh (qua Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh) khi có tình huống đột xuất để xử lý kịp thời.