Tất cả người dân phải được tiếp cận với dịch vụ BHYT
Chiều ngày 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.
Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, BHYT giúp người dân, người nghèo, khó khăn tiếp cận, đảm bảo cơ chế tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian qua, đã thể hiện rõ điều này, hầu hết các đối tượng yếu thế trong xã hội đã được quan tâm. Hầu hết, các dịch vụ y tế đều chi trả 100% các dịch vụ, không phải trả thêm tiền, đây là chính sách ưu việt của Nhà nước đối với chăm sóc sức khỏe của người dân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đối với BHYT, Việt Nam mặc dù đi sau các nước trên thế giới, khởi động BHYT muộn hơn so với các nước, nhưng chúng ta tăng nhanh độ bao phủ đối với BHYT. Đến năm 2020, độ bao phủ BHYT của nước ta đạt 90,85%, tăng rất nhanh, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Về dịch vụ y tế và chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là mở rộng phạm vi, quyền lợi được hưởng của người tham gia BHYT, theo Bộ trưởng, chúng ta đóng ở mức độ trung bình thấp đối với các nước, nhưng các dịch vụ y tế chất lượng thì hầu hết người dân được hưởng. Phạm vi hưởng bảo hiểm y tế cao hơn nhiều so với mức đóng BHYT.
Bên cạnh đó, chúng ta liên tục có những đổi mới trong vấn đề quản lý, công khai minh bạch, giám sát, thẩm định, quyết toán... khi kết nối với tất cả các cơ sở y tế.
Bộ trưởng nêu rõ, ngành y tế xác định coi BHYT là một trong những trụ cột, vấn đề an sinh xã hội đặc biệt quan trọng đối với người dân, đặc biệt là những người lao động, người nghèo, người yếu thế. Hiện Bộ Y tế đang chuẩn bị báo cáo trình Chính phủ, Quốc hội về Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ, việc đảm bảo tính bền vững, mở rộng đối tượng tham gia của người đóng BHYT là vấn đề vô cùng quan trọng, chúng ta theo nguyên tắc đóng hưởng chia sẻ rủi ro thì phải có nhiều người đóng, bao phủ hầu hết dân số thì chia sẻ rủi ro nhiều hơn cho những người khó khăn. Tới đây, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ sửa theo hướng tất cả người dân phải được tiếp cận với dịch vụ BHYT.
“Hiện còn một số đối tượng chưa được liệt kê vào Luật BHYT sửa đổi, Nghị định của Chính phủ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng đối tượng để đảm bảo người dân được hưởng chế độ BHYT, đóng bảo hiểm nhưng bảo đảm tính bền vững là rất quan trọng chứ không phải đến khi ốm đau mới đóng, hoặc năm có năm không thì không đảm bảo nguồn tài chính vững bền cho BHYT”,Bộ trưởng NguyễnThanh Long cho hay.
Trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục theo đuổi phương án mở rộng quyền lợi, phạm vi được hưởng của người dân đối với BHYT, mặc dù mức đóng hưởng có thể thấp hơn nhưng lấy số đông, nhiều người để mở rộng phạm vi, quyền lợi bảo hiểm y tế. Đây là chính sách ưu việt. Bộ trưởng mong Quốc hội ủng hộ cho chính sách này.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, đã đến lúc cũng phải xem lại vấn đề quản lý Bảo hiểm thương mại. Bởi, hiện nay có một lượng người tham gia bảo hiểm thương mại, trong đó có gói sức khỏe. Cần phải có cách thức quản lý bảo hiểm thương mại trong BHYT để tăng được chất lượng dịch vụ y tế, tăng phạm vi đóng hưởng của người tham gia BHYT, tăng chất lượng dịch vụ y tế đối với người dân.
“Cố gắng giảm chi tiền túi của người bệnh. Mong muốn mở rộng, tăng tính tiện ích, tăng khả năng tiếp cận các cơ sở BHYT cho người dân thuận lợi hơn khi tham gia KCB”, người đứng đầu ngành y tế cho biết.
Mức độ hài lòng của người dân cải thiện
Bày tỏ ý kiến tại tổ, ĐBQH Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai) cũng cho rằng, BHYT chính là cứu cánh của người dân khi khám, chữa bệnh. Đặc biệt, trong bối cảnh giá các dịch vụ y tế, thuốc điều trị ngày càng cao hơn so với những giai đoạn trước đó.
Theo đại biểu Đinh Ngọc Quý, việc tham gia BHYT trong thời gian qua đạt vượt mục tiêu khi chúng ta thực hiện chuyển tham gia BHYT với tinh thần là BHYT bắt buộc chứ không phải tự nguyện. Do vậy, mọi người dân đều có thể tiếp cận được BHYT. Các nhóm đối tượng cũng được NSNN hỗ trợ.
Về y đức, mức độ hài lòng của người dân cải thiện khá nhiều. Ngành y tế nỗ lực cải tiến đạt chỉ số hài lòng của người dân, đạt mức ấn tượng so với 10 năm trước đây. Đến nay, đã hoàn thành 8 chỉ tiêu trong Nghị quyết 68, hiện còn 4 chỉ tiêu hoàn thành một phần.
Uỷ ban Xã hội của Quốc hội đề nghị thời gian tới có một Nghị quyết về nâng cao đầu tư cho y tế cơ sở. Đặc biệt qua dịch Covid-19 càng thấy nhu cầu cần được đầu tư, nâng cao cơ sở vật chất y tế cơ sở. Bên cạnh đó điều chỉnh mức đóng BHYT.
“Nếu không có nguồn của ngân sách hỗ trợ, một số nhóm người dân tham gia rất khó khăn. Nhất là nhóm hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách hay gia đình nông nghiệp có mức sống khó khăn”, đại biểu Đinh Ngọc Quý bày tỏ.
Phát biểu tại tổ thảo luận, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội rất rõ ràng, cụ thể, sau khi lấy ý kiến thảo luận từ các ĐBQH, tới đây Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết chung về việc sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, vấn đề quan trọng và cấn thiết nhất đó là Nghị quyết ban hành phải sát và đúng như tinh thần “mang hơi thở cho cuộc sống”, còn nếu chúng ta chỉ nói trong Nghị trường mà sau đó mọi việc trở lại như cũ sẽ không có ý nghĩa gì.
Về vấn đề bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng bày tỏ sự băn khoăn, dịch bệnh vừa qua khiến nhiều người dân bị ốm đau không thể đi khám bệnh, vậy họ sẽ được cấp thuốc ra sao? Rồi vấn đề chi cho điều trị bệnh nhân Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm y tế hay ngân sách Nhà nước? Từ đó, ông đề nghị cần phải rõ ràng, minh bạch.
“Dân đóng vào quỹ thì dân là đối tượng được thụ hưởng, Nhà nước có trách nhiệm quản lý quỹ đó. Chúng ta phải luôn tuân thủ quan điểm này thì Nghị quyết sắp tới mà Quốc hội ban hành sẽ đáp ứng được sự mong đợi của cử tri”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Thanh Lam