Khoanh vùng 2 ổ dịch, cách ly hàng trăm người
Ngày 21/6, ông Hà Văn Hùng - Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, ngành y tế đang khẩn trương tiến hành các biện pháp để dập ổ dịch bạch hầu vừa phát hiện trên địa bàn xã Quảng Hòa. Đây là ổ dịch bạch hầu thứ hai được phát hiện tại tỉnh này.
Theo ông Hùng, đến thời điểm hiện tại, xã Quảng Hòa đã có 2 trường hợp nhiễm bệnh bạch hầu. Trong đó, 1 trường hợp đã tử vong là cháu Sùng Thị H., SN 2011, ngụ cụm 2, thôn 6, xã Quảng Hòa. H. tử vong do bệnh bạch hầu ác tính biến chứng tim.
Trường hợp thứ hai là cháu Ma Văn T., SN 2011, gần nhà cháu H. cũng có biểu hiện triệu chứng tương tự, gia đình phát hiện, đưa cháu T. lên bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) để chữa trị.
Theo ông Hùng, tình trạng bệnh của cháu T. đang chuyển biến nặng và được các bác sĩ của bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tích cực điều trị.
Ngành y tế tỉnh Đắk Nông phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương tiến hành khoanh vùng, cách ly 355 người dân ở cụm 2 (nơi phát hiện dịch).
Tất cả mọi giao dịch được thực hiện tại chốt cách ly, không được ai ra vào cụm số 2 để ngăn ngừa sự phát tán dịch bệnh ra ngoài.
“Ngành y tế đang phát thuốc, điều trị dự phòng cho toàn bộ người dân ở cụm 2, đồng thời tiến hành phun hóa chất khử trùng các địa điểm như trường học, trạm y tế xã và xung quanh cụm dân cư này”, ông Hùng cho biết thêm.
Trước đó, tại huyện Krông Nô (Đắk Nông) cũng ghi nhận 4 bệnh nhân dương tính với bạch hầu. Trong đó, có 3 bệnh nhân tuổi từ 9 - 15 đang theo học tại trung tâm Ngôi nhà may mắn và 1 cụ bà 66 tuổi là bà nội của 1 trong 3 cháu trên.
Từ ngày 3 - 6/6, các bệnh nhân khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, đau họng, biếng ăn, nôn ói. Sau đó, những bệnh nhân này được lấy mẫu xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm của viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho thấy, các bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Corynebacterium Diphtheriare.
Ngay sau đó, ngành Y tế Đắk Nông phối hợp với viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tiến hành các biện pháp y tế cần thiết để khử trùng, khử khuẩn các địa điểm có nguy cơ.
Đồng thời, tiến hành điều trị dự phòng bằng kháng sinh trong dự phòng bệnh bạch hầu cho 435 đối tượng đang có mặt tại trung tâm Bảo trợ xã hội nhà May Mắn và cộng đồng.
Theo ông Hùng, sau thời gian điều trị, hiện cả bốn trường hợp ở huyện Krông Nô đã qua 3 lần xét nghiệm đều âm tính với bạch hầu, sức khỏe đang hồi phục tốt. Toàn bộ 435 người liên quan, có nguy cơ mắc bệnh tại ổ dịch này được uống thuốc phòng, khử khuẩn toàn bộ khu vực liên quan.
“Ổ dịch ở huyện Krông Nô ngành y tế đã kịp thời ngăn chặn, dập dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Hiện nay, chúng tôi cũng đang kiểm soát tốt ổ dịch thứ hai ở xã Quảng Hòa”, ông Hùng cho biết thêm.
Biểu hiện âm thầm, tốc độ lây lan nhanh
Bác sĩ Quế Anh Trâm - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (bệnh viện Đa khoa Nghệ An) đưa ra khái niệm: “Bệnh bạch hầu (tiếng Anh: Diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi.
Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra”.
“Gần đây, bệnh bạch hầu bắt đầu quay trở lại, triệu chứng của bệnh bạch hầu thường kín đáo như sốt, ho và sau vài ngày lên giả mạc, không phải ai khám cũng ra bệnh bạch hầu”, bác sĩ Trâm cho biết.
Để phát hiện được bệnh bạch hầu, bác sĩ Trâm cho biết khi có biểu hiện sốt, ho thì người bệnh phải đến cơ sở y tế để thăm khám, theo dõi: “Khi có biểu hiện sốt, ho phải vào viện để theo dõi chứ còn chờ đến khi khó thở có giả mạc xâm nhập vào máu (nhiễm khuẩn huyết xâm nhập vào máu-PV) thì khả năng cứu chữa rất tệ, mức độ tử vong rất nhanh, thậm chí mức độ tử vong còn nhanh hơn cả dịch Covid-19 nếu không biết mà để đến khi bệnh biến chứng”.
Thông tin thêm về những đối tượng dễ mắc phải bệnh bạch hầu, bác sĩ Trâm nói: “Đối tượng dễ mắc phải bệnh bạch hầu thường là trẻ nhỏ, có cả người lớn. Lây qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh.
Thường bệnh sẽ phát ở 7 - 14 ngày, nhưng cũng có trường hợp phát bệnh 5 - 7 ngày. Nếu không phát hiện sớm thì tỉ lệ tử vong sẽ tăng cao”.
Bên cạnh đó, bác sĩ Trâm cũng đưa ra giải pháp: “Biện pháp chủ yếu phòng chống bệnh bạch hầu đó là cần phải giữ ấm cho trẻ, nếu trẻ có biểu hiện bệnh bạch hầu thì không cho trẻ đến trường để hạn chế lây cho các em học sinh khác. Đồng thời, phải vào viện để theo dõi điều trị kịp thời tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc”.
Trao đổi thêm với tạp chí ĐS&PL, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng cục Y tế dự Phòng, chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (bộ Y tế) thông tin: “Bệnh bạch hầu là bệnh vô cùng nguy hiểm, bệnh thường khởi đầu như một đợt cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan, hay viêm thanh quản.
Các biến chứng của bệnh bạch hầu kể cả tử vong đều là hậu quả của độc tố. Biến chứng thường gặp nhất là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.
Hiện nay ở các vùng sâu, vùng xa bệnh vẫn đang lưu hành, mỗi năm có một vài ca và tỉ lệ tử vong rất cao.Phần lớn trẻ nhỏ mắc bệnh Bạch hầu nguyên nhân chính là do không tiêm chủng từ vắc-xin 5 trong 1.
Vì vậy, tôi khuyên các bậc phụ huynh có con nhỏ thì nên cho trẻ tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu không được tiêm chủng sẽ gây ra tình trạng tử vong nhiều. Phải cách ly một cách tuyệt đối tránh lây lan”.
Mai Cường - Thanh Lam