Mực khổng lồ dài 4 mét ở New Zealand.
Anton Donaldson, hướng dẫn viên du lịch ở New Zealand là người chia sẻ hình ảnh về con mực khổng lồ dài 4 mét trên mạng xã hội Facebook.
Xác con mực được phát hiện ở khu vực vịnh Golden, New Zealand vào ngày 12/9, theo Newsweek.
"Các du khách may mắn của chúng tôi có cơ hội hiếm có trong đời khi tận mứng chứng kiến một trong những loài sinh vật được coi là quái vật biển sâu", Donaldson cho biết.
"Rất hiếm gặp mực khổng lồ còn sống ngoài tự nhiên. Lúc trôi dạt vào bờ biển là khi chúng dã chết. Vậy nên điều quan trọng là cần có mặt đúng lúc", Donaldson nói thêm.
Theo Donaldson, phần thân con mực có dấu vết bị cắn, nhiều khả năng do sinh vật biển khác như cá mập nhỏ gây ra. "Tôi đo thấy con mực khổng lồ dài 4 mét. Nó có lẽ đã trôi dạt trên biển một thời gian trước khi dạt vào bờ", Donaldson chia sẻ.
Mực khổng lồ rất hiếm gặp ngoài tự nhiên.
Mực khổng lồ có thể phát triển chiều dài tới 13 mét. Rất hiếm khi có người tận mắt chứng kiến mực khổng lồ còn sống do chúng thường sống ở độ sâu từ 300 - 1.000 mét.
Lần duy nhất mực khổng lồ được ghi hình là vào năm 2006, ở ngoài khơi quần đảo Ogasawara, Nhật Bản.
Theo National Geographic, mực khổng lồ có đôi mắt to nhất trong thế giới động vật với đường kính 25cm. Đôi mắt to giúp chúng dễ dàng nhận biết dấu hiệu của con mồi trong bóng tối ở độ sâu hàng trăm mét.
Trong tự nhiên, mực khổng lồ là con mồi phổ biến của cá nhà táng, cá voi hoa tiêu, cá mập hoặc cá voi sát thủ.
Đăng Nguyễn - Newsweek