Muốn Gvardiol, Guardiola sẵn sàng trình làng Man City tiqui-tacanaccio

Mai Hồng Duy

Mai Hồng Duy

Thứ 5, 06/07/2023 12:04

Vươn tới đỉnh cao đã khó, đứng vững trên đỉnh cao càng khó khăn gấp bội. Man City và HLV Pep Guardiola đang phải đối diện với thử thách ấy.

Bóng đá Anh - Muốn Gvardiol, Guardiola sẵn sàng trình làng Man City tiqui-tacanaccio

 

Thật may cho vị chiến lược gia người Catalonia, ngoài tài nghệ điều binh khiển tướng kiệt xuất, ông còn nhận được sự hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ từ giới chủ. Muốn duy trì sự thống trị, suy cho cùng vẫn cầnnâng cao chất lượng đội hình, bất chấp đội hình ấy vừa giành cú ăn ba vĩ đại.

Đó chính xác là cách đội bóng của Guardiola đang tiến hành trong kỳ chuyển nhượng mùa hè này. Mateo Kovacic là tân binh đầu tiên. Declan Rice nằm trong tầm ngắm cho dù Arsenal mới là ứng viên hàng đầu. Muốn dập tắt tham vọng lật đổ của Pháo thủ thành London từ trong trứng nước, có lẽ Man City cần đánh bại đối phương trong cuộc đua giành chữ ký của tiền vệ đang khoác áo West Ham. Tất nhiên, nhiệm vụ này chẳng hề đơn giản, nhất là khi cầu thủ này được hét giá tới hơn 100 triệu bảng và Arsenal sẵn sàng chơi tất tay. Man City tuy giàu có thật nhưng Luật công bằng tài chính được sinh ra từ các cơ quan quản lý bóng đá vốn chẳng ưa gì đội bóng này như Premier League hay UEFA.

Hơn nữa, Man City phải dành tiền cho mục tiêu quan trọng không kém. Đó là Jossko Gvardiol, trung vệ được định giá 100 triệu euro đang khoác áo RB Leipzig.

Gvardiol xứng đáng với Man City?

Nếu thương vụ này hoàn tất, tuyển thủ Croatia sẽ trở thành hậu vệ đắt giá nhất lịch sử ở tuổi 21. Hẳn nhiên với những thành công của Man City cùng Guardiola, chẳng ai dám căn vặn nhà giàu tiêu tiền như thế nào, đặc biệt sau thành công của bản hợp đồng trị giá 100 triệu bảng Jack Grealish. Tuy vậy, cũng giống như Grealish, 100 triệu cho Gvardiol hoàn toàn thuần túy chuyên môn!

Dễ hiểu hơn, đó là những bản hợp đồng thuần túy chuyên môn thay vì chịu ảnh hưởng bởi tính thương mại. Real Madrid từng chi 80 triệu bảng chiêu mộ Cristiano Ronaldo hay PSG sẵn sàng chi ra 222 triệu euro để phá hợp đồng giữa Neymar và Barcelona một phần để làm hình ảnh. Có Ronaldo hay Neymar, những tài tử sân cỏ hàng đầu thế giới, Real Madrid hay PSG sẽ dễ dàng kéo được nhiều hợp đồng quảng cáo hơn. Man City không thu thêm đồng quảng cáo nào, hoặc giả như có cũng rất ít so với số tiền đội bóng này đã chi ra để có Grealish và tương lai là Gvardiol.

Gvardiol là mẫu trung vệ hiện đại lý tưởng cho Man City. Cầu thủ này sở hữu kỹ năng phòng ngự hào hảo như bất cứ hậu vệ truyền thống nào, nhưng cũng đồng thời là chuyên gia phối bóng nơi hậu tuyến. So sánh hơi khập khiễng một chút nhưng dễ hình dung thì Gvardiol đánh chặn như trung vệ chuẩn cổ điển Ruben Dias và chia bài chẳng kém trung vệ lai John Stones.

Trong màu áo RB Leipzig, đội bóng sở hữu tỷ lệ kiểm soát bóng vượt trội tại Bundesliga, với thành tích cầm bóng trung bình cả mùa 2022/23 lên tới 58,3%, chỉ kém thành tích 64,4% của gã khổng lồ Bayern Munich, Gvardiol luôn làm chủ hậu tuyến cả khi có bóng lẫn không bóng.

Phân tích sâu về khoản cầm bóng, mùa giải vừa qua, trung bình mỗi trận tại Bundesliga, tuyển thủ Croatia này tung ra 90 đường chuyền với tỷ lệ chính xác lên tới 89,3%. Gvardiol không đơn thuần tham gia phối hợp chỉ để luân chuyển bóng. Được bố trí chơi lệch trái trong sơ đồ 3 trung vệ hoặc 4 hậu vệ giăng ngang tại RB Leipzig, cầu thủ 21 tuổi này không ngừng tìm cách dâng cao để xuyên thủng phòng tuyến đầu tiên của đối phương bằng những đường chuyền đẳng cấp.

Thống kê chỉ ra, mỗi trận Gvardiol thực hiện tới 4,4 đường chuyền phát triển bóng, cao thứ tư tại Bundesliga. Tại Premier League, không hậu vệ nào thực hiện nhiều đường chuyền phát triển bóng như thế, thậm chí thành tích của các hậu vệ Man City như Rúben Dias (3,2), Nathan Aké (2,6) và Manuel Akanji (2,2) còn kém xa cầu thủ trẻ người Croatia.

Nếu muốn so sánh công bằng hơn, hãy lẫy dữ liệu từ World Cup. Tại vòng chung kết bóng đá thế giới tại Qatar, tuyển thủ Croatia tung ra 74 đường chuyền vượt tuyến, thành tích cao thứ ba ở giải. Tin buồn cho các đối thủ của Man City, hai cầu thủ có số đường chuyền vượt tuyến nhiều hơn Gvardiol là Rodri và John Stones.

Không chỉ giỏi chuyền bóng, Gvardiol cũng không ngại dẫn bóng. Mùa giải vừa qua, trung bình mỗi 90 phút trung vệ này có 23 lần dẫn bóng trên quãng đường 5m trở lên. Chỉ có Dayot Upamecano của Bayern Munich với 23,8 lần là trung vệ có số lần dẫn bóng nhiều hơn. Trong khi đó tại Premier League, chỉ có 3 cầu thủ dẫn bóng nhiều lần hơn Gvardiol và vẫn là những cầu thủ của Man City. Đó là Dias (26.9), Jack Grealish (24.6) và Akanji (23.7). Vì vậy, có lẽ chẳng cần phải hoài nghi khả năng thích ứng của Gvardiol tại Man City. Chủ đề ngược lại mới thủ vị hơn, Man City thích ứng như thế nào cùng Gvardiol?

Man City thích ứng như thế nào cùng Gvardiol?

Ở giai đoạn quyết định của mùa giải vừa qua, Guardiola đã sử dụng 4 trung vệ để tạo thành bộ tứ vệ trước hàng phòng ngự, bao gồm Ake-Dias-Stones-Akanji. Nathan Ake lẫn Akanji vốn là trung vệ nhưng đã chơi rất xuất sắc trong vai trò “hậu vệ cánh” mỗi khi không bóng, trong khi là trung vệ lệch mỗi khi có bóng, vì John Stones được đẩy lên vị trí tiền vệ trụ, tạo thành sơ đồ 3-2 nơi hậu tuyến.

Nếu tính cả Rodri cũng có thể chơi tốt ở vị trí trung vệ, Guardiola bố trí tới 5 trung vệ trên sân. Lý giải cho cách sắp xếp này, Pep cho biết càng nhiều trung vệ trên sân càng giúp đội bóng của ông chuẩn bị tốt hơn để giành thắng lợi trong các pha tranh chấp tay đôi. Có lẽ chính vì vậy nên dù đã thừa trung vệ trên giấy tờ, Man City vẫn chi 100 triệu euro theo đuổi Gvardiol.

Sở hữu tài năng của tuyển thủ Croatia, Man City không chỉ sở hữu thêm một cầu thủ giỏi cầm bóng để hỗ trợ nhiệm vụ kiểm soát thế trận và phát động tấn công mà còn tăng cường một chốt chặn dũng mãnh khi phòng ngự. Cần nhấn mạnh thêm, Gvardiol là chuyên gia một chọi một. Tỷ lệ thành công của anh lên tới 73,9%, cao nhất Bundesliga. Ngoài ra, tốc độ tốt là ưu điểm để tuyển thủ Croatia ngăn chặn các đợt phản công của đối phương.

Nếu Pep Guardiola tiếp tục sử dụng sơ đồ 3-2 nơi hậu tuyến, Gvardiol có thể đảm trách tới ba vị trí trong sơ đồ này. Đó là trung vệ chính giữa của Ruben Dias, trung vệ lệch trái của Ake và trung vệ lai của John Stones. Không hậu vệ nào trong tay Guardiola đa năng như thế. Ruben Dias không đủ khéo để chơi ở vị trí trung vệ lai. John Stones chưa đủ dũng mãnh để trở thành trung vệ chốt chặn. Ake hay Akanji thì mới chỉ đủ khả năng để đảm trách hai bên chứ chưa thể án ngữ trục trung lộ.

Mở rộng vấn đề, sự vận động của mọi sự vật, sự việc đều luôn phát triển theo hình xoáy ốc. Bởi vậy luôn có những nét tương đồng giữa hiện tại và quá khứ. Và rất có thể, Pep Guardiola đang lặp lại sự tiến hóa để thống trị của chính đội tuyển Tây Ban Nha giai đoạn cuối thập niên 2000 và đầu 2010.

Giai đoạn này, La Roja là đội bóng số một thế giới ở cấp ĐTQG với chiến tích vô tiền khoáng hậu là 3 lần đăng quang liên tiếp cùng 2 chức vô địch châu Âu 2008 và 2012, xen giữa là chức vô địch thế giới 2010. Euro 2008 chính là giải đấu chứng kiến đội tuyển Tây Ban Nha cùng phong cách tiqui-taca vươn tới đỉnh cao. Trong khi đó World Cup 2010 và Euro 2012 là những giải đấu La Roja đứng vững trên đỉnh cao. Sự khác biệt về lối chơi, dù vẫn trong phong cách tiqui-taca, giữa Tây Ban Nha 2008 với giai đoạn sau rất rõ rệt.

Ác mộng tiqui-tacanaccio

Năm 2008, Tây Ban Nha dưới sự dẫn dắt của HLV Luis Aragones đăng quang bằng lối chơi tấn công ban bật phóng khoáng và đẹp mắt. Tuy nhiên từ 2010, với HLV Vicente Del Bosque trên băng ghế chỉ đạo, Tây Ban Nha chuyển sang lối chơi bị chế giễu là tiqui-tacanaccio vì cầm bóng để phòng ngự chứ không phải tấn công. Lối chơi ấy là nỗi ác mộng không chỉ cho các đội bóng mà cả người hâm mộ vì sự nhàm chán. La Roja vô địch thế giới bằng chuỗi trận thắng đều với tỷ số 1-0 tại vòng đấu loại trực tiếp. Đến Euro 2012, thầy trò Del Bosque bảo vệ ngôi vương vẫn với thành tích chỉ nhận 1 bàn thua suốt cả giải tương tự giải đấu tại Nam Phi, và bàn thua duy nhất ấy đến từ trận khai mạc.

Về mặt sơ đồ chiến thuật, nếu như Aragones chỉ sử dụng 1 tiền vệ trụ là Marcos Senna tại Euro 2008 thì từ World Cup 2010, Del Bosque luôn sử dụng cặp tiền vệ phòng ngự là Alonso và Busquets. Đến Euro 2012, vì yếu tố ngoại cảnh, La Roja thậm chí sử dụng sơ đồ không tiền đạo nhưng vẫn đăng quang nhờ sự thực dụng trong cầm bóng.

Trở lại với Man City, Guardiola đang ngày càng thực dụng hơn cùng Man City, đặc biệt trong mùa giải ăn ba. Suốt hành trình đến chức vô địch Champions League là những trận đấu Man Xanh sẵn sàng nhường thế trận cho đối phương để phòng ngự và phản công. Cách bố trí tới 4 trung vệ càng phản ánh toan tính giữ sạch lưới trước rồi mới tính đến chuyện ghi bàn của nhà cầm quân người Catalonia.

Và đến mùa giải này, khi Man City đã ở thế phải trụ vững trên đỉnh cao, Guardiola lại càng phải thực dụng. Mục tiêu chiêu mộ Gvardiol chính nhằm kế hoạch ấy. Sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu mùa tới giới mộ điệu chứng kiến một Man City đơn giản và có thể là nhàm chán nhất từ trước tới nay. Một đội bóng cầm bóng dền dứ để phòng ngự, sử dụng nhiều hậu vệ hơn tiền vệ và tiền đạo, nhưng rốt cuộc lại giành chiến thắng chung cuộc, như cái cách tuyển Tây Ban Nha đã thực hiện.

ĐẶNG XÁ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.